Trường Sa trong lòng người Việt xa xứ

Kỳ cuối: Lan tỏa tình yêu biển, đảo

HQVN -

Đại biểu kiều bào tham gia đoàn công tác số 10 đến thăm Trường Sa lần này có nhiều thế hệ ở các lứa tuổi khác nhau nhưng họ luôn mang trong mình tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo. Từ Trường Sa trở về, họ sẽ gửi đi thông điệp đến toàn thế giới, tới cộng đồng người Việt xa xứ và thế hệ con cháu mai sau: “Trường Sa là của Việt Nam”, là vùng biển, đảo thiêng liêng không thể tách rời với chủ quyền dân tộc.

Chúng tôi được biết, từ Trường Sa trở về, chị Nguyễn Thị Liên đã chia sẻ nhiều thông tin về vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho học sinh lớp tiếng Việt tại Malaysia. Các bạn nhỏ rất chăm chú lắng nghe những câu chuyện cô giáo kể: “Đảo Trường Sa của nước mình nằm trên biển Đông. Các chú bộ đóng quân ở đó để giữ đảo, giữ biển. Trên đó có những người dân Việt Nam sinh sống, có trường học, nhà chùa... Đảo rất đẹp nhưng để sống trên đó quanh năm suốt tháng không phải là chuyện dễ dàng...”.

Các đại biểu thăm hỏi, động viên chiến sĩ đảo Phan Vinh

Rồi chị kể, các chú bộ đội Hải quân đã phải khắc phục khó khăn như thế nào, kiên cường, gan dạ ra sao... Chị kể về lớp học, về các bạn cùng tuổi đang ở đảo và những bức tranh của các bạn ấy...

Những trải nghiệm thực tế của chị thật mới mẻ đối với các bạn nhỏ, trong đó có bạn mới chỉ 5, 6 tuổi có khi còn chưa biết hết bản đồ Việt Nam. Các bạn ngây thơ hỏi: “Trường Sa ở đâu hả cô?”, “Tại sao các bạn ấy lại ở đấy?”, “Con ra đấy được không?”... Chị Liên trả lời: “Cô tin rằng sau này các con sẽ được đến Trường Sa, được tận mắt thấy Trường Sa đẹp như thế nào và hiểu hơn cuộc sống của các chú bộ đội Hải quân cùng người dân trên đảo. Các con sẽ thấy tự hào và yêu Trường Sa hơn. Mỗi người Việt Nam trong nước và trên thế giới đều yêu Trường Sa, sẵn sàng góp sức mình để giữ gìn, xây dựng đảo, thì biển, đảo nước mình sẽ giàu đẹp và vững mạnh hơn rất nhiều các con ạ!”.

Tại Pháp, chị Lê Thị Hiệu (bút danh Hiệu Constant) vẫn miệt mài trên bàn phím để viết về Trường Sa. Chị cho biết: “Có nhiều tờ báo đặt mình viết bài nhưng về Paris, công việc nhiều nhưng mình đang sắp xếp, tranh thủ thời gian để viết. Mình vừa gửi bài “Trường Sa-một lần là mãi mãi” cho Báo Văn nghệ trong nước. Sắp tới, mình sẽ sang Budapest, Hungari để làm một phóng sự truyền hình về những kiều bào đã đi Trường Sa. Mình cộng tác cho chương trình “Người Việt bốn phương” của Đài Truyền hình Việt Nam và chương trình này được phát quốc tế nên cũng sẽ có sức lan tỏa...”.

Trước đây, trong bài viết của chị Hiệu về Trường Sa, chị đã phỏng vấn những người bản địa ở Pháp. Chị bảo: “Có nhiều người Pháp rất yêu Trường Sa và Việt Nam. Mình đã quay, chụp, ghi lại được nhiều hình ảnh, nhiều câu nói của người dân Pháp thể hiện được tình cảm ấy”. Tháng 11-2017 là lần thứ 6 chị Hiệu được Hội Nhà văn Việt Nam mời về dự hội nghị với chủ đề "Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc". Với những bài viết, phóng sự về Trường Sa được đăng, phát rộng rãi, chắc chắn tên gọi Trường Sa, Việt Nam sẽ ngày càng gần hơn, thân thiết hơn với bạn bè thế giới, với cộng đồng người Việt Nam xa xứ và các thế hệ con cháu mai sau.

Đó chỉ là câu chuyện của mỗi cá nhân sau hải trình từ Trường Sa trở về, còn có nhiều nhóm, quỹ, câu lạc bộ (CLB) của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã ra đời cũng vì mục đích hướng tới Trường Sa.

Các đại biểu cùng chiến sĩ thu hoạch rau tại vườn rau nhà kính trên đảo Phan Vinh

Quỹ vì chủ quyền biển, đảo Việt Nam tại Hàn Quốc được thành lập năm 2016, đến nay đã thu hút được 150 kiều bào từ 15 nước trên thế giới, trong đó có cả những kiều bào chưa từng đặt chân đến Trường Sa. Chính các hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Quỹ đã lan tỏa được tình yêu, góp phần kết nối được những người con đất Việt xa Tổ quốc hướng về Trường Sa, hướng về đất nước.

Quỹ đã tổ chức các triển lãm tranh, ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa; xây dựng webside Chủ quyền biển, đảo Việt Nam.org đăng các tin hoạt động của Quỹ và tất cả những tư liệu, bài báo khoa học chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam... Bên cạnh đó, Quỹ xây dựng các dự án ra Trường Sa. Thời gian này Quỹ tập trung đưa điện, nước ngọt và rau xanh ra Trường Sa để cải thiện đời sống của quân dân trên các đảo.

Anh Nguyễn Trung Kiên, thành viên của Quỹ cho biết: Hiện nay, Quỹ có những hoạt động riêng nhưng vẫn thường xuyên kết nối với CLB Trường Sa ở Đức và kiều bào ở các nước khác để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án hướng về Trường Sa.

Bà Lưu Phi Nga, thành viên CLB Trường Sa tại Đức thì chia sẻ: Lần thứ hai tôi trở lại Trường Sa với một nhiệm vụ đó là đưa các cháu sinh viên đến với Trường Sa. Tham gia hải trình này, các cháu sẽ được giao lưu với lực lượng trẻ ở các đoàn khác như Hàn Quốc, Singapore để học hỏi kinh nghiệm xây dựng những chương trình, dự án như các bạn đã và đang làm cho Trường Sa. Khi trở về, các cháu sẽ tiếp nối thế hệ chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam ở Đức, nhất là thế hệ trẻ và người Đức ở bản địa hiểu được rằng Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.

Anh Bùi Minh Phong, kiều bào tại Hungary bày tỏ: Dù là kiều bào sống xa Tổ quốc nhưng chúng tôi nhận thấy phải có trách nhiệm là sứ giả giúp cho cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, với bạn bè Hungary và thế giới hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Với tinh thần, tình cảm và những việc làm thiết thực ấy, tình yêu Trường Sa, tình yêu biển, đảo quê hương sẽ tiếp tục lan tỏa đến toàn thế giới, đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tới các thế hệ con cháu mai sau.

Bài, ảnh: Thùy Liên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn