Trường Sa trong lòng người Việt xa xứ

HQVN -

Gần 70 kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới nhưng họ có chung một nơi để hướng về, chung một quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc-Trường Sa. Qua hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, kiều bào thêm hiểu và cảm phục cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân trên các đảo, nhà giàn. Từ đó, mỗi người nguyện trở thành một sứ giả tích cực lan truyền tình yêu biển, đảo Tổ quốc đến người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới và tới thế hệ con cháu mai sau.

Kỳ 1: Giọt nước mắt trên đất mẹ

Vượt qua khoảng 1.000 hải lý, Tàu KN 491 đưa hơn 200 thành viên của Đoàn công tác số 10 (trong đó có gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia trên thế giới) đến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn Phúc Tần trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đoàn đến xã đảo đầu tiên là Song Tử Tây. Vừa đặt chân lên đảo, các đại biểu bất ngờ khi được tham dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ bên cột mốc chủ quyền. Nhiều giọt nước mắt đã rơi vì xúc động. Chị Nguyễn Thị Thủy, kiều bào tại Malaysia rưng rưng chia sẻ sau lễ chào cờ: Mình thật may mắn khi được lựa chọn đi thăm huyện đảo Trường Sa. Khoảnh khắc dự lễ chào cờ và hát Quốc ca bên cột mốc chủ quyền thật sự làm mình cảm thấy nghẹn ngào. Trong giây phút đó, hai tiếng Trường Sa và Tổ quốc vang lên trong tim thật thiêng liêng, tự hào.

Ấm tình kiều bào và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Nam

Những ngày sau đó, mọi người lại nghẹn ngào rơi lệ khi Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Hải quân-Phó trưởng đoàn công tác đọc diễn văn tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 ở Trường Sa. Từng lời diễn văn âm vang giữa sóng gió biển khơi gây xúc động mạnh mẽ. Đâu đó phía dưới, nhiều người không kìm được cảm xúc, bật khóc. Sau phút tưởng niệm, dòng người lặng lẽ thắp những nén hương thành kính tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ; vòng hoa và những bông hoa cúc vàng, những cánh hạc giấy được các kiều bào thả về biển cả mênh mông để tri ân.

10 ngày đến với các đảo và nhà giàn, đại biểu đoàn công tác, đặc biệt là các kiều bào đã được chứng kiến sự đổi thay của biển, đảo quê hương; cảm nhận sự hy sinh, gian khó, tinh thần kiên cường, lạc quan của cán bộ, chiến sĩ các đảo để chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương; được trải qua những cung bậc cảm xúc từ tự hào, cảm phục đến yêu thương, trân trọng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, kiều bào tại Cộng hòa Séc chia sẻ: Chúng tôi đã lên đến điểm cao nhất của đảo Đá Nam. Nhìn người chiến sĩ chắc tay súng đứng gác dưới trời nắng gắt, khi đó văn công Đoàn Ca múa nhạc Quân đội vừa hát vừa khóc, tất cả chúng cũng khóc. Chúng tôi vừa thương, vừa cảm phục ý chí, nghị lực kiên cường của cán bộ, chiến sĩ đảo.

Bà Dương Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội từ thiện Sen Vàng Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức sống ở nước ngoài gần 40 năm, lần đầu tiên ra thăm Trường Sa, bà rất xúc động khi thăm các chiến sĩ trên đảo chìm: Dù điều kiện khó khăn nhưng các chiến sĩ vẫn lạc quan, yêu đời, sức chịu đựng của họ thực sự đáng khâm phục.

“Tụi con vẫn bình thường cô ơi”, bà Phong Lan, kiều bào tại Ukraina không ngăn được nước mắt khi nghe các chiến sĩ trên đảo Cô Lin kể về cuộc sống của mình.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Hà Thành tại Ba Lan cho biết: Gặp cán bộ, chiến sĩ đảo, mình cảm thấy thân thương như người trong nhà. Mình rất cảm phục trước tinh thần quyết tâm "còn người, còn đảo" của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Anh Lê Vinh, kiều bào tại Vương quốc Anh cho biết anh cũng từng là người lính. Sau những ngày được ra thăm đảo, anh cảm nhận rõ hơn sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Anh rất tự hào về cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở những đảo nhỏ cách xa đất liền, cuộc sống khó khăn nhưng họ rất kiên cường, dũng cảm.

Các đại biểu thăm phòng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ đảo Tốc Tan

Ngày chia tay Trường Sa với thật nhiều cảm xúc khó nói thành lời. Những giọt nước mắt trào dâng nghẹn ngào hòa cùng tiếng đồng thanh từ những trái tim yêu biển, đảo: “Trường Sa yêu kiều bào!”, “Kiều bào yêu Trường Sa”; “Trường Sa vì cả nước!”, “Cả nước vì Trường Sa!”... cứ vang mãi từ phía đảo và trên tàu.

Đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ dâng hương các vua Hùng được tổ chức trang nghiêm trên Tàu KN 491 giữa biển khơi lộng gió. Buổi lễ khiến cho mỗi đại biểu trong đoàn công tác thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn từng tấc đất, tấc biển như Bác Hồ từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sau chuyến hải trình này, những cái tên: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa… của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người trong đoàn công tác. Những cái tên ấy sẽ được các đại biểu, kiều bào trân trọng nhắc đến mãi mỗi khi kể về Trường Sa.

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Trưởng đoàn công tác cho biết: Bắt đầu từ năm 2012, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Quân chủng Hải quân đưa kiều bào ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa. Số lượng kiều bào đăng ký thời gian đầu chỉ khoảng 20-40 người. Những năm gần đây, con số tăng lên 60-70 đại biểu, với số lượng đăng ký lên tới khoảng 100 người. Đây là chuyến thăm thứ 7 của đoàn kiều bào tới Trường Sa.

Bài, ảnh: Thùy Liên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn