Trường Sa-nơi tạo lập hành trang cuộc sống

HQVN -

Đến với Trường Sa, chúng tôi ấn tượng với gương mặt rắn rỏi, kiên nghị của các chiến sĩ trẻ trong ca gác; nụ cười tươi rói, hồn nhiên, “cháy” hết mình trong các tiết mục văn nghệ và một thoáng ưu tư khi nghe hỏi chuyện quê nhà... Từ ấn tượng đó, chúng tôi đã trò chuyện để hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, ước mơ, nguyện vọng của các em-những chiến sĩ trẻ nơi đầu sóng...

Giữa nắng, gió Trường Sa, gương mặt đen giòn của chiến sĩ Nguyễn Hữu Duy ướt đẫm mồ hôi khi hăng say luyện tập. Từng thao tác kỹ thuật trong huấn luyện được Duy thực hành khá thuần thục.

Trò chuyện trong ít phút giải lao, Duy cho biết: Quê em ở TP.Hồ Chí Minh, gia đình có 4 anh em, em là con trai đầu, sau em còn 3 em gái. Khi biết em có nguyện vọng đăng ký đi thực hiện nghĩa vụ quân sự để trải nghiệm cuộc sống trong quân ngũ, lúc đầu ba mẹ không đồng ý nhưng thấy em quyết tâm, cuối cùng mẹ nói rằng mẹ tôn trọng quyết định của em.

Đoàn công tác số 10 thăm, động viên chiến sĩ đảo Phan Vinh

Nhiều chiến sĩ trẻ cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn khi mới vào quân ngũ, nhất là khi đơn vị đóng quân giữa biển, đảo xa xôi nhưng với Duy, đây là khoảng thời gian ý nghĩa, được chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Duy đang từng ngày phấn đấu học tập và rèn luyện với nguyện vọng được kết nạp Đảng ở Trường Sa và ước mơ cao hơn là được phục vụ lâu dài trong Quân chủng Hải quân.

Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên phó đảo Sơn Ca cho biết: Nguyễn Hữu Duy là một chiến sĩ trẻ tích cực, trách nhiệm trong học tập, huấn luyện; có ý chí chiến đấu cao. Lãnh đạo, chỉ huy đảo luôn tạo điều kiện để Duy học tập, phấn đấu, thực hiện được ước mơ của mình.

Đảo Phan Vinh một ngày nắng, chiến sĩ Phạm Đình Trương chia sẻ: Em quê ở Quảng Ngãi, ra đảo hơn 8 tháng rồi. Được học tập, công tác trên hòn đảo mang tên Anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, em cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Cảm phục, noi gương tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của Anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, em sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Khi nói về ước mơ của mình, Trương có chút rụt rè: Thực ra em vẫn chưa nghĩ tới nhưng từ lâu em đã thích những gì liên quan đến âm nhạc, nghệ thuật. Từ khi ra đảo, em tự học chơi đàn ghi ta. Ở đảo có nhiều anh chơi đàn rất hay, các anh đã nhiệt tình hướng dẫn em. Đến nay, em đã đàn được vài bài cơ bản. Sau này, em vẫn muốn theo đuổi các nghề liên quan đến âm nhạc.

Trước khi thực hiện nghĩa vụ trên đảo Tốc Tan, chiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, quê ở Nghệ An thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình biển, đảo qua sách báo, truyền hình. Đây cũng chính là lý do em đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, muốn được góp sức bảo vệ đất nước. Đạt đã từng làm những công việc liên quan đến nghề xây dựng và đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn ở trong đất liền.

Trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ, Đạt thường tranh thủ lên hội trường tìm đọc những cuốn sách hay. Đạt tâm sự: Em rất thích đọc sách, đặc biệt là các tập truyện ngắn và các cuốn sách về Quân đội nhân dân Việt Nam. Em mong muốn sau này được phục vụ lâu dài trong Quân chủng Hải quân, nếu ước mơ đó không thành hiện thực, em vẫn yêu thích và theo đuổi nghề xây dựng. Em nghĩ rằng mình cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên đảo, sau này phấn đấu trở thành công dân có ích cho quê hương, đất nước-Đó cũng là chung tay gìn giữ biển, đảo Tổ quốc mình.

Chúng tôi tin tưởng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự ở huyện đảo Trường Sa sẽ rèn luyện cho các chiến sĩ trẻ tính tự lập, bản lĩnh, ý chí và niềm tin. Chia tay các em, chúng tôi mong rằng biển mãi bình yên, các em mạnh khỏe, tiếp tục học tập, rèn luyện để có thêm hành trang vững vàng thực hiện được ước mơ của mình.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn