Trách nhiệm của người sử dụng tần số

Thế nào là gây nhiễu tần số

Là việc dùng thiết bị phát sóng vô tuyến gây nguy hiểm đến hoạt động của hệ thống thông tin vô tuyến điện liên quan đến an toàn hoặc cản trở, làm gián đoạn nhiều lần hoạt động của hệ thống thiết bị thông tin vô tuyến điện đang được phép khai thác. Đây là một việc làm vi phạm pháp luật. Điều đó rất nguy hại đối với hoạt động của hệ thống đài Thông tin duyên hải (TTDH), nhất là đối với công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong mùa mưa bão.

Có nhiều loại nhiễu: nhiễu do chống lấn kênh, nhiễu do thiết bị không bảo đảm chất lượng, nhiễu do hiện tượng giao thoa giữa các nguồn năng lượng tạo ra nguồn năng lượng mới gây can nhiễu đối với mạng đài khác, nhiễu tương thích điện từ trường, nhiễu do các phát xạ ngoài băng, nhiễu do điện thoại kéo dài. Ở đây chúng ta chỉ bàn về nhiễu do cách sử dụng kênh tần số sai mục đích của một số cá nhân.

Theo chỉ thị số 22/2006/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, hiện đã có nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ được trang bị thiết bị thông tin vô tuyến điện để liên lạc. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng thông tin trên biển còn nhiều hạn chế. Nhiều ngư dân chưa được hướng dẫn sử dụng thiết bị thông tin liên lạc; sử dụng sai mục đích các tần số dành cho thông tin an toàn, cứu nạn, gây can nhiễu lẫn nhau, ảnh hưởng đến việc thu các thông tin cấp cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Tàu về neo đậu tại cảng cá Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: CTV

Trách nhiệm của người sử dụng tần số

Người sử dụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc lắp đặt, sử dụng tần số và thiết bị ; nộp phí theo quy định; không gây nhiễu có hại cho các đài vô tuyến điện khác và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.

Người sử dụng băng tần số, tần số vô tuyến điện và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép và giấy phép này được sử dụng trong thời hạn tối đa 5 năm kèm theo các điều kiện quy định cụ thể về địa điểm, phạm vi được phát sóng và điều kiện kỹ thuật, khai thác. Nếu sau 1 năm kể từ ngày cấp phép đối với giấy phép băng tần và sau 6 tháng đối với giấy phép tần số và thiết bị mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, gây lãng phí tần số sẽ bị thu hồi giấy phép này.

Ngoài ra, người sử dụng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp sau đây để hạn chế khả năng gây nhiễu có hại cho người sử dụng khác và cho chính mình:

+ Giữ tần số phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép;
+ Giảm mức phát xạ không mong muốn ở trị số thấp nhất;
+ Sử dụng phương thức phát có độ rộng băng tần chiếm dụng nhỏ
+ Hạn chế phát sóng ở những hướng không cần thiết;
+ Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để đảm bảo chất lượng thông tin.

Các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng thiết bị gây nhiễu sẽ bị xử lý theo các mức sau:

+ Sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo Điều 17, Nghị định 142/2004/NĐ-CP, mức cao nhất là 15 triệu đồng.
+ Sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép, gây can nhiễu có hại sẽ bị xử phạt theo Điều 18, Nghị định 142/2004/NĐ-CP, mức cao nhất là 70 triệu đồng.

+ Nhập khẩu thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy chứng nhận hợp chuẩn phù hợp tiêu chuẩn, không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo Điều 24, Nghị định 142/2004/NĐ-CP, mức cao nhất là 50 triệu đồng, tịch thu tang vật.

Vì thế ngư dân nên sử dụng đúng mục đích các tần số quy định cho thông tin liên lạc, an toàn, cứu nạn…; không gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện trên biển. Các đài vô tuyến điện khi nhận được thông tin, tín hiệu cấp cứu phải lập tức ngừng phát sóng trên tần số có khả năng gây nhiễu cho thông tin cấp cứu và phải liên tục lắng nghe trên tần số phát gọi cấp cứu; trả lời và thực hiện ngay mọi hỗ trợ cần thiết, đồng thời thông báo cho Cơ quan tìm kiếm cứu nạn.

Trong trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng con người có thể sử dụng tạm thời tần số, thiết bị chưa được cấp phép nhưng sau đó phải thông báo kịp thời cho Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin Truyền thông khi điều kiện cho phép.

Hiện nay, Hệ thống đài TTDH Việt Nam dùng tần số 7903khz để trực canh thu các thông tin gọi cấp cứu cho tàu cá và tần số 7906khz, 8294 khz để phát các các bản tin về thời tiết biển, thông báo khẩn cấp, thông báo an toàn hàng hải..các tàu nên chú ý không gây can nhiễu trên các tần số này.

Khi cần liên lạc qua hệ thống đài TTDH Việt Nam, bạn hãy lựa chọn tần số của đài nào nghe tốt nhất, kiểm tra xem tần số đó có đài nào đang làm việc không, nếu có hãy chờ cho đến khi cuộc đàm thoại đó kết thúc mới gọi. Trong trường hợp, nhiều tàu cùng gọi một lúc, khai thác viên sẽ phân bổ tần số cho từng tàu, bạn cần tuân thủ theo yêu cầu của khai thác viên.

Không gây can nhiễu tần số, đặc biệt là tần số cấp cứu - chính là bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của mình và cộng đồng.

Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn