Tiêu chí giúp kinh tế biển Ninh Thuận phát triển bền vững

Là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Ninh Thuận có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển kinh tế biển bền vững.

Trong những kế hoạch phát triển kinh tế biển, tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Đây là một trong những tiêu chí giúp cho nghề cá nói riêng và triển kinh tế biển tại Ninh Thuận phát triển bền vững.

Quyết tâm chống khai thác bất hợp pháp

Đội tàu cá tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Kinh tế biển của Ninh Thuận có năng lực phát triển thấp, đặc biệt là khai thác xa bờ. Cộng đồng ngư dân ngày càng phát triển và cải tiến phương tiện vươn khơi, mang về cho Ninh Thuận sản lượng cá lớn hàng năm. Xuất khẩu hải sản của tỉnh đóng góp đáng kể vào kết quả của ngành nông nghiệp cả nước với mỗi năm khai thác đạt từ 110.000-150.000 tấn.

Chính vì điều này, Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương phải thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của đối tác, khách hàng khi tham gia vào cộng đồng thương mại quốc tế. Bởi năng lực khai thác, đánh bắt ngày càng phát triển, tỉnh Ninh Thuận cũng phải tuân theo các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, đảm bảo nguồn hải sản minh bạch để tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận cho biết, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định là việc hiện nay các địa phương có biển phải làm; trong đó, thực hiện đúng Luật Thủy sản 2017 là yêu cầu sát sao của ngành nông nghiệp Ninh thuận, để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề cá phát triển.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan để tổ chức tuyên truyền các nội dung về chống khai thác bất hợp pháp; tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Ninh Thuận khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Đến nay, Ninh Thuận đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 779 tàu cá có chiều dài 15m trở lên. Tuy nhiên, lắp thiết bị giám sát hành trình vẫn chỉ là một trong những giải pháp quản lý bề nổi nghề cá. Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận vẫn tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi từng trường hợp, xử lý theo đúng quy trình; thông báo đến lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân, lý do khi xảy ra tình trạng mất kết nối, đứt liên lạc, đặc biệt là với nhóm tàu cá có chiều dài 24m trở lên.

Bên cạnh đó, để thực hiện sát các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp tại khu vực biển Ninh Thuận, tỉnh còn thực hiện các hoạt động truy xuất nguồn gốc cá ra vào cảng, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng cá được bốc dỡ qua cảng. Từ năm 2018, tỉnh Ninh Thuận đã lập 2 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cà Ná và Ninh Chữ, để kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời bến và cập bến. Ban quản lý các cảng trực tiếp giám sát bốc dỡ để thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản vào cảng.

Ông Nguyễn Xuân Sanh, ngư dân khai thác xa bờ tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam chia sẻ, ngư dân Ninh Thuận đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp. Hiện nay, hầu hết ngư dân đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để khai thác xa bờ.

Mỗi lần ra khơi, ông Sanh đều phải đến Văn phòng thanh tra kiểm soát để làm thủ tục. Khi trở về đều phải nộp nhật kí hành trình, chi tiết sản lượng, loại cá,… Điều này vừa giúp lượng cá của ngư dân có truy xuất nguồn gốc, dễ dàng nhập cảng và tiêu thụ. Đồng thời, đây cũng là thực hiện khuyến nghị của châu Âu, nghề cá Ninh Thuận được phát triển hơn nên sẽ hạn chế việc khai thác bất hợp pháp.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thảo, Văn phòng thanh tra kiểm soát nghề cá cảng Ninh Chữ, huyện Ninh Hải cũng nhấn mạnh, bằng các biện pháp tăng cường kiểm tra ở các cửa biển theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, ý thức chấp hành khai thác hải sản theo quy định của ngư dân Ninh Thuận đã được nâng lên rõ rệt.

Khai thác hiệu quả

Tàu thuyền đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Ninh Chữ (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Khai thác và phát triển kinh tế biển là một trong 6 trụ cột mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quyết định này, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương mạnh về biển, cơ bản đạt tiêu chí về phát triển bền vững; từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo vệ sinh môi trường, sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển hiện có.

Để thực hiện mục tiêu này, ngày 17/1/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo hài hòa giữa các hệ sinh thái biển theo khu vực.

Ông Nguyễn Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, căn cứ theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung vào các giải pháp để xây dựng một nền kinh tế biển bền vững, hòa cùng các địa phương có biển.

Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống các loài thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Thuận, làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận phát triển hiệu quả khai thác vùng khơi, tổ chức lại khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản.

Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức các mô hình kết hợp dân sự với quân đội, ngư dân với doanh nghiệp trong khai thác hải sản trên biển, đặc biệt trên các vùng quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tổ chức hiệu quả các mô hình tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.

Thêm vào đó, Ninh Thuận cũng khuyến khích các cơ sở chế biến hải sản đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm từ khai thác, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm nội địa truyền thống của Ninh Thuận như nước mắm, khô chín, khô sống,…

Tỉnh Ninh Thuận còn giám sát chặt chẽ hơn nữa để ngư dân nghề cá tuân thủ quy tắc khai thác, ứng xử có trách nhiệm, chống khai thác bất hợp pháp để phát triển một nền kinh tế biển bền vững.

Theo TTXVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn