Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản

Theo Đài NHK và TTXVN, chiều 26-5, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tới sân bay Chu-bu, TP Na-gô-y-a, tỉnh Ai-chi, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê.

Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn tại sân bay có đại diện Ban tổ chức HNCC G7, lãnh đạo tỉnh Ai-chi, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và đông đảo bà con, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”. Cùng dự, có lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Ai-chi và đông đảo doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước.
Trong bài phát biểu chào mừng, đại diện lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản. Việc hai bên thường xuyên duy trì, trao đổi đoàn cấp cao đã thể hiện rất rõ điều này, đồng thời là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị song phương ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất. Với khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang có hoạt động đầu tư, hợp tác, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, việc hai nước cùng thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở rộng dư địa hợp tác, phát triển kinh tế song phương trong thời gian tới. Phía Nhật Bản mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như dệt may, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo… Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu hậu TPP; mong muốn xúc tiến mạnh mẽ hơn hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam bởi đây cũng là lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh và giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện để các lưu học sinh phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun.

                                                                                                                   Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Nhật Bản cũng kêu gọi Chính phủ và chính quyền các địa phương Việt Nam cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam; là đối tác đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39 tỷ USD và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau và phần lớn các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đều thành công. Về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011, là một trong sáu nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao nhất năm 2015. Với dân số 92 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 2.100 USD, quy mô và sức mua của thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia có độ ổn định cao về chính trị. Việt Nam đã ký 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tất cả bảy thành viên G7 và 15 trong số 20 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thời gian tới đứng ở nhóm đầu của các nước ASEAN; đồng thời cho biết, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Thủ tướng gợi mở và khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc sáu nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm đối với các dự án khởi nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đề cập việc triển khai TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai nước hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện sản xuất tại Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Thủ tướng cho biết, người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa “Sản xuất tại Nhật Bản” và sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới. Việt Nam chào đón các nhà đầu tư, kinh doanh Nhật Bản đến Việt Nam và tin tưởng rằng giới đầu tư, kinh doanh Nhật Bản sẽ thành công tại Việt Nam.
* Khai mạc Hội nghị cấp cao G7
Ngày 26-5, HNCC G7 đã khai mạc tại khách sạn Si-ma Can-cô trên đảo Ca-si-cô-gi-ma thuộc tỉnh Mi-ê, miền trung Nhật Bản.
Tham dự hội nghị gồm lãnh đạo của bảy thành viên của G7: Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ, Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Đức A.Méc-ken, Thủ tướng Anh Đ.Ca-mơ-rôn, Thủ tướng I-ta-li-a M.Ren-di, Thủ tướng Ca-na-đa G.Tơ-ru-đô cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu C.Giăng-cơ. Đây là Hội nghị cấp cao G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng tám năm qua.
Theo kế hoạch, trong hai ngày 26 và 27-5, hội nghị diễn ra với bảy phiên họp gồm các chủ đề: Giá trị và sự đoàn kết của G7; Kinh tế toàn cầu; Thương mại; Chính sách đối ngoại; Ổn định và thịnh vượng; Châu Á; Châu Phi và Phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến tiêu cực, các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn, giá dầu lao dốc, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, các biện pháp để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế thế giới là một chủ đề ưu tiên được thảo luận ngay trong phiên họp đầu của hội nghị. Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7, Nhật Bản hy vọng sẽ thuyết phục được các nước thành viên G7 nhất trí về các biện pháp tài chính phối hợp. Cũng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP và khẳng định việc ký TPP là bước đi quan trọng để thực thi các quy định thương mại chung trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về các thách thức toàn cầu khác, như chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng hải, khủng hoảng nhập cư và trốn thuế.
* Theo kế hoạch, ngày 27-5, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia gồm In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Băng-la-đét, Pa-pua Niu Ghi-nê, Lào, Xri Lan-ca, Sát, cùng các lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự HNCC G7 mở rộng.
* Chiều 26-5, nhân dịp thăm Nhật Bản và tham dự HNCC G7 mở rộng tại Mi-ê, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế cũng như lãnh đạo tỉnh Ai-chi và một số doanh nghiệp Nhật Bản.
Hội kiến với Tổng thống Xri Lan-ca M.Xiri-xê-na, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ hai nước, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, định kỳ tổ chức và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tăng cường giao lưu nhân dân, phát huy hiệu quả các tổ chức hữu nghị hai nước. Về hợp tác phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác kỹ thuật với Xri Lan-ca trong lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị Tiểu ban hợp tác thương mại hai nước tăng cường trao đổi và đề ra các biện pháp thúc đẩy, đưa kim ngạch thương mại tăng trưởng cao hơn. Thủ tướng cũng cảm ơn Xri Lan-ca đã ủng hộ Việt Nam ứng cử các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) và mong Xri Lan-ca ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021. Thủ tướng cũng đề nghị Xri Lan-ca quan tâm và ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhân dịp này, Thủ tướng đã chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Xri Lan-ca sang thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp.
Tổng thống Xri Lan-ca Xi-ri-xê-na bày tỏ ngưỡng mộ trước những thành tích mà nhân dân và Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua; mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển đất nước của Việt Nam thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trong đó Xri Lan-ca sẽ cử một đoàn doanh nghiệp do Thủ tướng Xri Lan-ca dẫn đầu thăm Việt Nam trong thời gian tới.
* Tại cuộc hội kiến với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực của LHQ vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững; tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, phát huy vai trò thành viên tại các cơ quan LHQ như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận Pa-ri COP-21 về Biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững, cảm ơn LHQ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam và cam kết LHQ luôn sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam có thể phát huy và nâng cao vai trò trong các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, hy vọng Việt Nam sẽ sớm cử thêm nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong thời gian tới. Chia sẻ những khó khăn của Việt Nam do hậu quả của hạn hán, biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký thông báo đã bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề chống hạn hán để hỗ trợ các nước. Về Biển Đông, Tổng Thư ký LHQ nhắc lại lập trường nhất quán ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, mong ASEAN và Trung Quốc hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
* Trong buổi tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) A.Gơ-ri-a, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác với OECD cả trong khuôn khổ song phương và khu vực. Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực thiết thực nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế như nâng cao hiệu quả sử dụng ODA; hoàn thiện chính sách và môi trường đầu tư; tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Tổng Thư ký OECD cam kết giúp đỡ Việt Nam trong những lĩnh vực như đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà APEC 2017. Tổng Thư ký OECD cho biết sẽ sớm thăm Việt Nam.
* Tại cuộc tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF C.La-gác-đơ, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc IMF đánh giá tích cực sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, mong tiếp tục nhận được ủng hộ và tư vấn chính sách của IMF trong ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế. Bà C.La-gác-đơ đánh giá cao những nỗ lực cải cách mà Việt Nam đã tiến hành trong thời gian qua, cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai bên nhất trí thúc đẩy việc phát triển theo mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo.
* Cũng trong chiều 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thống đốc tỉnh Ai-chi H.Ô-mu-ra; Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) H.I-si-gê; Chủ tịch Tập đoàn Hãng hàng không ANA Holding Inc. (Nhật Bản) S.I-tô.

                      Theo Nhân dân ĐT

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn