Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra chỉ thị trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Trước diễn biến xấu, phức tạp ngày càng gia tăng của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Các bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23-1-2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30-1-2020. Theo đó, phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh nCoV kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng.

Tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc

Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cần lập kênh liên lạc với các cấp địa phương tương ứng của nước bạn để nắm thông tin cập nhật hàng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh. Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc biệt;... Các bộ, ngành, địa phương kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại tại tất cả cửa khẩu biên giới, dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc; tạm thời đóng các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh;… Cùng với đó, các địa phương hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các bộ, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý việc này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nghiên cứu việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học

Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu cách làm của các nước, đề xuất việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học;... Các bệnh viện được phân công sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Lực lượng quân đội phải đặt tình trạng cao nhất, các bệnh viện dã chiến luôn sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu các điều kiện và thủ tục pháp lý, đề xuất việc công bố tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch bệnh này gây ra tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2-2-2020. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho nhân dân; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2-2-2020. Xây dựng kịch bản về diễn biến của dịch và kế hoạch, biện pháp ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2-2-2020.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ động thông báo với quốc tế về những chỉ đạo và biện pháp quyết liệt, minh bạch của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch cũng như các hoạt động của Năm ASEAN 2020; áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết và xây dựng kế hoạch đưa công dân Việt Nam ở các vùng có dịch bệnh của Trung Quốc về nước khi cần thiết. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ người xuất, nhập cảnh qua biên giới; thông báo cho Bộ Y tế và các địa phương danh sách hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức họp, giao ban 2 ngày/lần để kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến của dịch bệnh. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ công tác về phòng, chống dịch bệnh tại Văn phòng Chính phủ gồm đại diện lãnh đạo các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Y tế do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng. UBND các cấp thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch do chủ tịch UBND làm trưởng ban, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc che giấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh. 

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra chỉ thị trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV

Người dân mua khẩu trang tại hiệu thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội

Thông tin từ Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết, đến 8 giờ sáng 31-1, tại TP Đà Nẵng đang theo dõi 21 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, bao gồm: 5 trường hợp người nước ngoài (người Trung Quốc) và 16 trường hợp người Việt Nam đang được theo dõi tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện sức khỏe của nhiều bệnh nhân đã ổn định, một vài trường hợp có sốt nhẹ. Cộng dồn đến nay đã theo dõi 58 trường hợp tại bệnh viện, trong đó 37 trường hợp đã xuất viện: 17 trường hợp người nước ngoài (14 người Trung Quốc; 2 Malaysia; 1 người Cộng hòa Séc) và 20 trường hợp người Việt Nam. Đã lấy mẫu 39 trường hợp để làm xét nghiệm, 28/39 mẫu đã có kết quả và đều âm tính với chủng mới của vi rút Corona.

Đà Nẵng theo dõi 21 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng cũng tiếp tục giám sát hàng ngày 25 trường hợp tại cộng đồng (các trường hợp đi từ nước ngoài về nhưng không phải từ các vùng đang có dịch, khi qua cửa khẩu phát hiện có sốt nhẹ, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ hoặc các trường hợp tại cộng đồng), trong đó: 23 trường hợp người nước ngoài (16 trường hợp hiện tại sức khoẻ bình thường, 7 trường hợp đã trở về nước); 2 trường hợp người Việt Nam (hiện tại sức khỏe bình thường).

Trong ngày 30-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đã giám sát 82 chuyến bay, 2 tàu biển với 9.529 khách nước ngoài nhập cảnh vào thành phố... 

Sớm có kịch bản cho hoạt động giao thương trước tác động của dịch bệnh

Ngày 31-1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp bàn giải pháp của ngành Công Thương để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCov) gây ra. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, do phía Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế hoạt động xuất, nhập khẩu nên có ảnh hưởng nhất định đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, cần nghiên cứu tìm thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thuỷ sản.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần phân tích, đánh giá toàn diện và dự báo những tác động do dịch bệnh đến sản xuất, xuất khẩu từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất, để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn. Trong đó, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết, trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra và dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị nêu trên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như y tế, hải quan, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tăng giá cao, bán khẩu trang giả

Ngày 31-1, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc số 149/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Nghiệp vụ QLTT yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra.

Công văn cho biết, tại một số địa phương, đã xảy ra các hiện tượng thu gom, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng cho việc phòng bệnh trong đó chủ yếu là khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế. Để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để đầu cơ, tăng giá hay sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.

                                                                                             HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn