Thông điệp từ trái tim
Mưu sinh trên biển, ngư dân thường xuyên phải đối mặt với vô số rủi ro, bất trắc, có lúc đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Chính trong thời điểm như vậy đã xuất hiện những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, làm lay động lòng người. Mới đây, chúng tôi đã được chứng kiến thêm một câu chuyện khẳng định tình đoàn kết quân dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Hồi sinh từ những giọt máu nghĩa tình
Đứng bên giường bệnh của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, chúng tôi lặng đi vì xúc động khi nghe lời cảm ơn từ đáy lòng của ngư dân Lê Văn Lại, thuyền viên tàu cá BĐ 98128 TS: “Tôi được hồi sinh là nhờ công ơn của mọi người, nhất là các anh bộ đội. Có nói như thế nào cũng không thể diễn tả được hết sự biết ơn của tôi đối với mọi người. Nếu không có mọi người chắc giờ này tôi đã gặp tổ tiên rồi ạ”.
Anh Huỳnh Văn Hơn (bạn cùng tàu với anh Lại) ngồi bên vừa chăm sóc cho anh Lại vừa kể: Anh Lê Văn Lại quê gốc ở Bình Định nhưng gia đình anh lại đang sinh sống ở phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trước kia, anh Lại thường làm cho các tàu cá của Khánh Hòa. Gần đây, anh mới về đi biển cho tàu cá Bình Định.
Bệnh nhân Lê Văn Lại đang được truyền máu tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Ảnh: CTV
Tàu BĐ 98128 TS có tất cả 12 người khởi hành từ Qui Nhơn từ ngày 21-5 âm lịch (tức ngày 15-6). Sau hơn 3 ngày đi theo hải trình, Tàu thả trôi để đánh bắt lưới vây ở khu vực Nhà giàn DK1/21. Chưa được thu lưới được bao lâu thì anh Lại bắt đầu kêu đau bụng. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ là anh đau bụng đơn thuần thôi nên vẫn duy trì việc đánh bắt. Càng ngày, ngư dân Lê Văn Lại càng đau nhiều hơn và nôn mửa cùng với đi ngoài ra máu. Đến sáng 22-6 thì anh Lại yếu đi nhiều nên thuyền trưởng đã đưa anh vào Nhà giàn DK1/21 nhờ cứu chữa. Sau 6 tiếng cấp cứu ở đây nhưng bệnh tình của anh Lại không thuyên giảm nên cán bộ, nhân viên Nhà giàn DK1/21 đã cấp thuốc và chuyển anh xuống tàu cá để sang cấp cứu ở đảo Trường Sa.
5 giờ sáng ngày 23-6, anh Lê Văn Lại được đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa với hàng loạt biểu hiện nguy cấp như: nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, mạch nhanh, huyết áp thấp, da trắng bệch và không còn nhận biết được. Qua thăm khám, các y, bác sĩ kết luận anh bị hội chứng mất máu cấp do loét dạ dày, tá tràng mức độ nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được dùng thuốc cầm máu, bù dịch. Trung tâm Y tế Trường Sa hội chẩn cùng bác sĩ của Bệnh viện 175 và chỉ định bệnh nhân cần truyền máu gấp.
Tổng cộng, ngư dân Lê Văn Lại đã được truyền tới 6 đơn vị máu từ cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa. Sau điều trị, sức khỏe của anh đã dần bình phục và đang chờ tàu khác vào đón để về đất liền. Trung tá Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên đảo Trường Sa hỏi vui anh Lại: “Sau chuyến này, bác Lại liệu còn đi biển tiếp không?”. Mặc dù vừa mới trở về từ cõi chết và vẫn còn mệt nhưng anh Lại vẫn khảng khái khẳng định: “Có chớ, không làm nghề này biết làm chi? Sống, chết có số rồi. Chừng nào còn sức, tôi vẫn đi”. Nói rồi, anh nhoẻn miệng cười thật tươi.
Cho đi để nhận lại
Có một chi tiết trong cuộc trò chuyện khiến chúng tôi càng xúc động hơn. Số là khi xét nghiệm nhóm máu cho bệnh nhân Lê Văn Lại xong, các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế Trường Sa rất lo lắng bởi anh thuộc nhóm máu AB. Đây là nhóm máu được liệt vào dạng khá khan hiếm. Qua rà soát toàn bộ quân và dân trên đảo, các anh tìm được 5 quân nhân và 1 hộ dân có cùng nhóm máu với bệnh nhân. Rất may, tất cả mọi người đều tự nguyện hiến máu cứu ngư dân Lại.
Chị Đoàn Thị Thịnh (Hộ dân số 7) chia sẻ: Sống và lao động giữa biển khơi mênh mông như thế này mới thấy hết được giá trị cuộc sống. Quân và dân Trường Sa chúng tôi xích lại gần nhau, gắn bó, yêu thương và coi nhau như người thân trong gia đình vậy. Nhìn thấy đồng bào mình nguy cấp, việc gì làm được tôi nghĩ anh chị em đều sẵn sàng làm.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa kiểm tra sức khỏe ngư dân Lại trước khi anh về đất liền. Ảnh: CTV
Trung úy QNCN Vũ Đình Hải, Điều dưỡng viên của Trung tâm Y tế Trường Sa vừa là người chăm sóc bệnh nhân hàng ngày đồng thời cũng góp 1 đơn vị máu truyền cho anh Lại tâm sự: “Bản thân tôi từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch vì không có máu cấp cứu kịp thời, trong khi chỉ cần hiến một phần máu của mình là có thể cứu sống tính mạng họ. Thế nên tôi tự nguyện cho đi giọt máu của mình, góp phần giữ lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh”.
Còn Thiếu úy QNCN Bùi Đức Sơn, Nhân viên kỹ thuật sau khi hiến máu 2 đơn vị máu cho ngư dân càng nhận thức rõ hơn ý nghĩa việc làm của mình: “Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn gặp tai nạn nghiêm trọng, mất đi lượng máu lớn, sự sống của bạn ngàn cân treo sợi tóc và lúc ấy không một ai có thể giúp mình?”.
“Cho đi để nhận lại, cho giọt máu nghĩa tình để nhận về hạnh phúc” đó chính là thông điệp từ trái tim của những người đã hiến máu giành lại sự sống cho ngư dân Lê Văn Lại. Sinh tử vẫn hiện hữu trên các vùng biển.
Nguyễn Thanh Thủy
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Nhà máy X52: Khánh thành và bàn giao nhà đồng đội tại Khánh Hoà - ( 26-11-24 07:00 )
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Cục Kiểm ngư làm việc với Quân chủng Hải quân - ( 26-11-24 03:00 )
- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân: Sinh hoạt đối thoại dân chủ Quý IV năm 2024 - ( 26-11-24 02:00 )
- Tiểu đoàn 45: Khánh thành nhà đồng đội tặng quân nhân - ( 26-11-24 02:00 )