Thiêng liêng nguồn cội Hùng Vương

Thiêng liêng nguồn cội Hùng Vương

HQVN -

Năm 2022 là tròn 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được tổ chức UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Trước đó, từ năm 2009, Di tích lịch sử Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. 10 năm qua, tiếp nối giá trị di sản từ xa xưa, Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng cùng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ tiếp tục được bảo tồn và phát huy theo đúng giá trị của các di sản đặc biệt cấp quốc gia.

Trong sâu thẳm tâm thức của người Vệt Nam, các Vua Hùng đã có công xây dựng Nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là sự biết ơn đối với công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân, từ xa xưa đã được coi là ngày giỗ Tổ Tiên của dân tộc.

Lễ hội gói bánh chưng, giã bánh giầy được tổ chức tại Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng hằng năm

Ngay từ thời đại Hùng Vương, tại khu vực Đền Hùng đã có những tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thờ Trời, thờ Thần Núi, Thần Nông cùng các tín ngưỡng lễ cầu phồn thực cho nền nông nghiệp mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau thời đại Hùng Vương, người đời sau suy tôn các Vua Hùng trở thành Thánh Tổ. Việc thờ phụng các Vua Hùng cùng gia thất đã ăn sâu trong tiềm thức và trở thành một hình thức nghi lễ tín ngưỡng mang tính bản địa đặc trưng của người Việt. Nghi thức ấy được bảo tồn qua các thời đại, hàng nghìn năm lịch sử, trở thành một trong những nghi thức lớn cấp quốc gia.

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha-mẹ của các Vua Hùng. Theo các nhà nghiên cứu cùng hiện vật còn lưu truyền lại, từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đến năm 1917, Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ).

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 18/2/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 CNV/CC cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày quốc lễ. Chính phủ cũng quy định về nghi lễ, quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương các năm chẵn, năm tròn và năm lẻ.

Trong dân gian lưu truyền mãi câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Hằng năm, ngay từ đầu mùa Xuân đến dịp Giỗ Tổ, hàng triệu triệu con Hồng cháu Lạc từ khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài tụ hội về Đền Hùng, thành kính dâng nén tâm hương tưởng nhớ tri ân công đức Tổ Tiên.

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều năm nay, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã thực hiện tốt các mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Thực hiện dự án quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hạng mục trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới khang trang, bề thế, tạo ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào hành hương về Giỗ Tổ, trong đó có các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn công đức, xã hội hóa. Những dự án, công trình đó đã tạo diện mạo mới, thuận tiện cho du khách đến thăm viếng Đền Hùng.

Lễ rước kiệu trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan chuyên môn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức tập huấn, trao truyền di sản cho cộng đồng bằng nhiều hình thức đa dạng: Hướng dẫn cộng đồng tổ chức lễ dâng hương, lễ báo công, dâng cúng lễ vật; tổ chức trải nghiệm, thuyết minh lịch sử cho học sinh nhằm giáo dục ý thức hướng về cội nguồn và truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; phối hợp với cơ quan truyền thông sản xuất phim tư liệu, viết và xuất bản sách giới thiệu về Đền Hùng, về Giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng…

Năm nay, đúng ngày 10/4 (tức mùng 10/3 Nhâm Dần) sẽ diễn ra trực tuyến “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022”. Đây là lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu từ trong nước với kiều bào Việt Nam và bạn bè quốc tế ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. 

Trong ngày này, nhân dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế còn có điều kiện tham gia, hướng về vùng Đất Tổ cùng các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước, nhân lên đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là dịp quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta mãi mãi khắc ghi lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bài, ảnh: Đức Đào

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn