Thành phố Phú Quốc: Đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm truyền thống và du lịch di sản văn hoá biển

HQVN -

Là thành phố du lịch phát triển nhanh trong mấy năm gần đây nhưng Phú Quốc, (Kiên Giang) lại mang đến cho du khách cảm giác không quá nhộn nhịp bởi vẫn còn đâu đó sự bình yên, tĩnh lặng với những nghề truyền thống nổi tiếng và lễ hội văn hoá tâm linh mang đậm màu sắc biển, đảo. Đây là giá trị cốt lõi để du lịch nơi đảo ngọc phát triển bền vững.

Sản phẩm truyền thống níu chân du khách

Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, Phú Quốc những năm gần đây khởi sắc đến chóng mặt. Hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn lớn đổ về khai thác tiềm năng du lịch biển, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách thập phương. Tuy nhiên, cái khiến mọi người nhớ tới Phú Quốc chưa hẳn là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng hạng sang mà phải nói đến những sản phẩm truyền thống, mang đậm bản sắc của hòn đảo này. Đó là nước mắm và ngọc trai. Chính những sản phẩm này khiến cho Phú Quốc ngày càng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm thế giới.

Thu hoạch trai lấy ngọc của doanh nghiệp Ngọc Hiền

Có mặt tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống Khải Hoàn-một trong những thương hiệu nổi tiếng tại thị trấn Dương Đông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô hoành tráng nhưng tất cả đều được sản xuất theo phương thức “cha truyền con nối” hơn 48 năm nay. Anh Trần Đức Thành, người gắn bó lâu năm với doanh nghiệp này cho biết: Cơ sở chế biến nước mắm Khải Hoàn hiện có gần 1.000 thùng, mỗi đợt cho ra từ 4.000-6.000 lít/ thùng. Để có đủ cá chế biến, doanh nghiệp sở hữu 27 ghe lớn chuyên đánh bắt cá cơm. Một thùng nước mắm ra đời phải mất từ 12-14 tháng ngâm ủ. Ngoài khâu lựa chọn cá, hàm lượng muối thì khí hậu, nhiệt độ ổn định quanh năm tạo nên chất lượng, màu sắc, độ đạm và hương vị đặc trưng của nước mắm Phú Quốc.

Bên cạnh nước mắm thì sản phẩm ngọc trai cũng là một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Phú Quốc. Ngoài những cơ sở nuôi cấy ngọc trai như Long Beach, Ngọc Hiền và Quốc An đều nằm tại xã Dương Tơ và thị trấn Dương Đông, còn có các cơ sở nuôi cấy ngọc của người Úc và Nhật Bản ở phía Nam đảo. Anh Nguyễn Hoài Phương, quản lý cơ sở ngọc trai Quốc An cho biết: Để có được viên ngọc như ý, cơ sở phải nuôi trai từ 2-6 năm, thậm chí 7 năm. Hiện doanh nghiệp có 2 cơ sở nuôi cấy và chế tác ngọc. Những chuỗi ngọc trai sau chế tác được doanh nghiệp này bán ra thị trường với giá dao động từ 2 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng tuỳ loại. Từ năm 2016, khi những khu vực ven bờ dành cho phát triển du lịch, doanh nghiệp này phải di chuyển vùng nuôi cấy ngọc trai tới các đảo xa hơn như Hòn Rỏi, các vùng biển phía Nam và Bắc đảo, nơi có nguồn nước phù hợp cho việc nuôi trai lấy ngọc…

 Phát triển du lịch di sản văn hoá biển

Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Du lịch di sản ở Phú Quốc bao gồm du lịch tâm linh, du lịch cội nguồn và du lịch trải nghiệm văn hóa…

Dạo qua một vài di tích lịch sử ở đảo ngọc, chúng tôi bắt gặp khá nhiều du khách nước ngoài. Cùng đi với đoàn du khách tham quan di tích Dinh Cậu, bà Dawn, 47 tuổi, đến từ Thủ đô Canberra (Australia) cho biết: Phú Quốc là thiên đường du lịch nhưng tôi muốn nhấn mạnh về văn hoá, đúng hơn là bản sắc văn hoá, nếu phát huy được điều này, Phú Quốc sẽ trở nên hoàn hảo hơn.

Du khách nước ngoài tham quan di tích Dinh Cậu

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Phú Quốc, trên địa bàn hiện có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích cấp tỉnh cùng hơn 50 di tích phổ thông, danh thắng có giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó là những tài nguyên di sản văn hóa quan trọng của đảo ngọc. Ngoài ra, Phú Quốc còn có một bảo tàng tư nhân “Cội nguồn” hoạt động theo mô hình xã hội hóa về di sản văn hóa từ 14 năm nay, trưng bày nhiều bộ sưu tập tư liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về Phú Quốc. Các lễ hội truyền thống, dân gian, loại hình đờn ca tài tử và hò vè của cộng đồng dân cư cũng được địa phương quan tâm, giữ gìn và phát huy.

Nói đến phát triển du lịch di sản văn hoá biển tại Phú Quốc, không thể không nhắc đến các lễ hội truyền thống bao đời nay như: Lễ hội Dinh Cậu, Lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu, Lễ hội Nghinh Ông… Các lễ hội chủ yếu cầu an cho bà con ngư dân một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá. Trong đó, Lễ hội Nghinh Ông mang nét văn hóa truyền thống lâu đời nhất của người dân Phú Quốc, diễn ra vào khoảng giữa tháng 8 âm lịch hàng năm và được xem là sự kiện văn hóa lớn nhất các vùng sông nước Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách.

Việc duy trì các sản phẩm thương hiệu truyền thống đi đôi với gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Phú Quốc là hết sức cần thiết để vừa phát huy được những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa góp phần thúc đẩy ngành du lịch di sản văn hoá biển trên hòn đảo nổi tiếng này phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hồ Anh Mão

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn