Tạo sự bứt phá cho Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững

HQ Online -

Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 45) ra đời với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh để Hải Phòng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.

Điểm sáng trong phát triển

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hải Phòng luôn xác định Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị vừa là nguồn lực tinh thần, vừa là nguồn lực vật chất quý báu để thành phố phát triển. Ngay sau có Nghị quyết 45, thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế, chính sách như: Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng; Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Những năm gần đây, đô thị Hải Phòng có nhiều thay đổi. Ảnh: QT

Cùng với đó, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành, nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Đến nay, 3/7 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội theo Nghị quyết gần đạt hoặc hoàn thành là: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2018-2025 tối thiểu là 13% (hiện đạt 12,6%); đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào GRDP từ 44-45% (hiện đạt 43,26%); cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia). Quy mô kinh tế của thành phố mở rộng, duy trì vị trí thứ 2 ở Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội. Tốc độ, chất lượng tăng trưởng được nâng cao, duy trì liên tục 9 năm liền ở 2 con số.

Thành phố từng bước khẳng định là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Khu vực nông nghiệp, nông thôn có những chuyển biến rõ rệt. Khu vực dịch vụ tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất. Các lĩnh vực thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển dịch vụ của thành phố…

Phát triển đô thị Hải Phòng những năm qua có nhiều khởi sắc. Không gian đô thị được mở rộng; tập trung đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thành phố triển khai xây dựng các đề án: Thành lập TP. Thủy Nguyên, quận An Dương; điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; hoàn thiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị TP. Hải Phòng trình Chính phủ.

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa-xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hải Phòng đang nổi lên như một trung tâm phát triển thị trường khoa học-công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của vùng Bắc Bộ…

 Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án sơ kết thực hiện Nghị quyết số 45 đánh giá: Những thành tựu mà Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua khẳng định tính đúng đắn từ các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 45 đã và đang thực sự đi vào cuộc sống.

Là trọng điểm kinh tế biển

Tuy nhiên, so với các mục tiêu Nghị quyết 45 đề ra, kết quả phát triển kinh tế-xã hội thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. 4/7 chỉ tiêu khó hoàn thành nếu Hải Phòng không có quyết tâm cao và giải pháp phù hợp. Định hướng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước; có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á... chưa thực sự rõ nét.

Cảng Container Quốc tế Tân Cảng (HICT) tại Hải Phòng là cảng container chuyên dụng lớn nhất phía Bắc nước ta. Ảnh: CTV

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Hải Phòng cần kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới. Ví dụ như ủy quyền, phân cấp cho thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thành lập Khu thương mại tự do nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: “Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với thành phố, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng đối với 3 lĩnh vực: Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức”.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng năm 2018, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hải Phòng không phải là riêng của Hải Phòng, là của cả vùng, cả đất nước. Do đó, trách nhiệm của Trung ương là phải hỗ trợ, tiếp sức cho Hải Phòng, đặc biệt  là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của thành phố, để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong những năm tới”.

Lĩnh hội tinh thần đó, Hải Phòng rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Hải Phòng cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, hiến kế các giải pháp mạnh mẽ hơn; gợi ý các cơ chế, chính sách thuận lợi từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học để thành phố tiếp tục quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách hiện thực hóa Nghị quyết 45; tạo nên hình ảnh một thành phố xanh, văn minh, hiện đại…

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn