Tân Trào hôm nay

HQVN -

Cán bộ, phóng viên Trại sáng tác tác phẩm báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Hội Nhà báo TP. Hải Phòng tổ chức đã đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang vào đúng lúc có cơn mưa rào xối xả. Ai đó trong đoàn công tác nói rằng, cơn mưa bất chợt để mọi người cảm nhận được một phần khó khăn, gian nan mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn để làm con đường đến căn cứ địa cách mạng năm xưa. Khu di tích Tân Trào nằm trên địa bàn 11 xã của huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn.

Hiện nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào có 138 di tích, cụm di tích, trong đó 18 di tích, cụm di tích đã được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia, 35 di tích, cụm di tích được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Còn lại là các di tích, cụm di tích đang đề nghị xếp hạng và được cắm bia sự kiện, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học, bản đồ đạc họa, khoanh vùng bảo vệ.

Đình Tân Trào, nơi họp Quốc dân Đại hội. Ảnh: CTV

Trong số các di tích, cụm di tích được tham quan, ai cũng có ấn tượng đặc biệt với lán Nà Nưa. Lắng nghe lời kể của chị Thúy Hồng, Nhân viên thuyết minh tại lán Nà Nưa, khách tham quan như trầm lại và xúc động. Theo lời kể, sau cuộc hành trình dài (từ Pác Bó-Cao Bằng) Bác Hồ đến xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào ngày 21/5/1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo mở trường đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ quân sự; thành lập Khu căn cứ cách mạng, lấy tên là Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn-Thái Nguyên-Tuyên Quang-Hà Giang và quyết định Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng.

Tại căn lán Nà Nưa đơn sơ, cuối tháng 7/1945 dù bị ốm nặng, sốt cao nhưng với nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá giành độc lập, tự do cho dân tộc, Bác Hồ đã chỉ thị: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Trước tình thế cách mạng hết sức khẩn trương, Người đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945. Dự hội nghị có hơn 30 đại biểu trong toàn quốc, trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Huy Liệu… Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai.

Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, đến dự có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào ở nước ngoài. Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca. Quốc dân Đại hội Tân Trào-tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, "Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta", là mốc son chói lọi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chiều ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, Quân giải phóng cử hành lễ xuất quân; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số I và hạ lệnh xuất quân. Đoàn Quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về giải phóng Thái Nguyên tạo tiền đề để giải phóng thủ đô Hà Nội thời gian sau đó.

Thành viên trại sáng tác chụp ảnh lưu niệm tại lán Nà Nưa. Ảnh: CTV

Nhà báo Nguyễn Thanh Bình, Phòng Thời sự, Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Phòng cho biết: Được cùng các trại viên đến tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Tuyên Quang tôi thực sự xúc động và cảm thấy yêu Tổ quốc mình nhiều hơn. Ngắm lán Nà Nưa đơn sơ, mộc mạc giữa núi rừng, có ai mà không trân quý và học tập, làm theo Bác để trưởng thành, để sống tốt hơn. Lần thực tế này, đối với tôi sẽ là một trải nghiệm quý báu, giúp tôi có những thước phim hay, ý nghĩa trong các tác phẩm của mình.

Còn đồng chí Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hải Phòng, thành viên tham gia trại sáng tác, chia sẻ: Tân Trào hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết dân tộc, chăm lo công tác xây dựng Đảng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những tư tưởng chỉ đạo của Người cùng với đường lối kháng chiến đúng đắn được xây dựng toàn diện trên mọi lĩnh vực của Đảng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành địa danh thân thiết và thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi, những trang sử hào hùng của Đảng và cách mạng Việt Nam; nơi ghi dấu những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm sâu đậm về Bác Hồ-vị cha già kính yêu của dân tộc. Đó chính là những di sản văn hoá vô cùng quý giá mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang có may mắn vinh dự thay mặt nhân dân cả nước giữ gìn và phát huy giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh Hằng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn