Tản mạn về Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán còn được dân ta gọi bằng những tên khác nhau, nôm na thì gọi là Tết Cả, với ý nghĩa là Tết lớn nhất, Tết đứng đầu trong các loại Tết; theo lịch thì gọi là Tết âm lịch để phân biệt với Tết dương lịch; theo tính chất thì gọi là Tết ta, Tết cổ truyền để phân biệt với Tết tây, Tết hiện đại.
Với tính chất của một nền văn hóa nông nghiệp trồng trọt, người Việt Nam, Đông Nam Á và Trung Quốc phân chia thời gian theo “tiết”-thời khắc giao mùa. Theo đó, với mỗi thời khắc giao mùa, đánh dấu bằng một mùa vụ canh tác, lại có các “lễ” khác nhau thể hiện tâm thức, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.
khách tham quan nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ ở số 10, ngõ Trí, làng Đông Sơn-Thanh Hóa trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Trong chu trình một năm âm lịch, người Việt Nam có rất nhiều các lễ. Lễ lớn thì được gọi là Tết, như Tết Nguyên tiêu (“Lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”), Tết Hàn thực (Tết bánh trôi bánh chay, vào ngày mồng 3 tháng 3), Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5), Tết xá tội vong nhân (rằm tháng 7), Tết Trùng thập (mồng 10 tháng 10),…
Bên cạnh đó, đối với mỗi tộc người lại có những lễ tết khác của riêng mình, chẳng hạn, người Mông có hệ lịch riêng, vì vậy tết của họ vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng Chạp; người Cơ Tu thường ăn tết sau vụ thu hoạch, họ mở hội vui chơi trong ngày lễ cúng thần lúa gọi là Tết Progiêrâm - đây là lễ lớn nhất trong năm.
Ngõ nhỏ chào đón năm mới Giáp Thìn
Với ảnh hưởng của phương Tây, người Việt có thêm Tết Dương lịch. Rồi mỗi ngành lại có lễ tết riêng của mình, như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12… được không chỉ người làm trong ngành trong nghề coi là “tết” của mình mà còn được xã hội tôn vinh, thừa nhận.
Cá biệt ở một số làng quê, do ảnh hưởng của tín ngưỡng, còn có những tết riêng rất độc đáo, chẳng hạn Tết thành hoàng của làng An Ấp (xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vào ngày 30 tháng 6, gọi là Tết giữa năm. Vào ngày này, con cháu đi làm ăn các nơi xa đều về, cả làng tổ chức ăn Tết với các nghi thức tương tự Tết Nguyên đán. Mặc dù có nhiều lễ tết như vậy, nhưng lớn hơn cả và có tính phổ quát đối với tất cả các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vẫn là Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán được Chính phủ chính thức công nhận ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời và được cho nghỉ dài nhất so với các lễ tết khác (Sắc lệnh số 22/SL ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký, ấn định số ngày nghỉ là 4 ngày, bao gồm ngày trước tết và 3 ngày đầu năm).
Ông cháu đi chơi Hội chợ Tết 2024 ở làng cổ Đông Sơn-Thanh Hóa
Nếu Tết Dương lịch hay Tết Tây là khởi đầu một năm mới theo lịch dương, thì Tết Nguyên đán cũng đánh dấu thời khắc giao thoa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ thời tiết, mở ra một chu kỳ mới theo lịch âm. Người Việt tin rằng thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ - đêm Giao thừa, trời đất, con người và vạn vật giao hòa, cộng cảm, là thời điểm linh thiêng nhất trong năm.
Tết Nguyên đán là dịp người Việt Nam nghỉ ngơi, vui chơi và ăn uống sau một năm làm việc miệt mài, vất vả. Vì thế, để diễn tả về Tết, người Việt dùng những từ chỉ trạng thái hưởng thụ như “ăn Tết”, “chơi Tết”, “vui Tết”, “lễ Tết”. Trong những ngày Tết, người ta cũng kiêng làm việc nặng có tính chất lao động, kiêng nói những điều không hay, khi đến nhà nhau thì câu đầu tiên ngay từ đầu ngõ đã là lời chúc sức khỏe, giàu sang… Rồi còn cả phong tục tốt đẹp là lì xì chúc thọ đối với người già (“Kính già già để tuổi cho”) và chúc tuổi đối với trẻ nhỏ (thế hệ tương lai của gia đình và cộng đồng)… Trong mấy ngày Tết, mỗi người đều ý thức giữ gìn từ lời ăn tiếng nói đến việc làm để tạo hòa khí trong họ ngoài làng với niềm tin khởi đầu một năm đầy may mắn.
Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô
Nếu các lễ tết khác, người dân có xu hướng đổ ra khu vực công cộng như đình, chùa của làng hay đường phố, thành phố, đến các khu vui chơi, ăn nhậu, thì Tết Nguyên đán, người Việt Nam lại thu xếp và tìm mọi cách để được “về quê ăn Tết”, thu mình lại trong không gian gia đình, đúng như câu ca “Tháng giêng ăn Tết ở nhà”.
Đối với Việt Nam, gia đình là tế bào xã hội, xã hội Việt Nam là gia đình mở rộng. Điều đó được minh chứng rõ nét nhất trong dịp Tết cổ truyền. Vào dịp Tết cổ truyền, dù được các công ty trả lương cao bao nhiêu, công nhân người Việt cũng không thể bỏ Tết để làm việc. Dù ở xa bao nhiêu, kinh tế có khó khăn thế nào, thì mỗi người vẫn cố gắng vun vén lo toan để đến cuối năm được “về quê ăn Tết”, “về nhà ăn Tết”.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Nhà máy X48: Hội nghị công tác quân sự - quốc phòng năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Cục Kiểm ngư làm việc với Quân chủng Hải quân - ( 26-11-24 03:00 )
- Tập huấn công tác quốc phòng, quân sự; phòng, chống khủng bố và phòng thủ dân sự - ( 26-11-24 02:00 )