Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Kể từ Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946) đến nay, nhân dân ta đã 14 lần cầm lá phiếu trên tay bầu ra 14 khóa Quốc hội, thay mặt mình thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Không phụ niềm tin yêu và sự ủy thác của cử tri, nhân dân cả nước, Quốc hội nước ta khóa sau luôn kế thừa thành quả của khóa trước, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

14 lần, nhân dân Việt Nam thực hiện quyền làm chủ

Ngày 6-1-1946 đã trở thành một mốc son trong lịch sử nước ta khi toàn dân từ đủ 18 tuổi trở lên lần đầu tiên trong đời được cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử, lựa chọn ra những người đại biểu cho mình tại Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam với những nguyên tắc bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Mặc dù tổng tuyển cử được thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn, bị các thế lực chống đối phá hoại và ra sức ngăn cản người dân đi bầu cử, nhưng tổng số cử tri đi bỏ phiếu vẫn đạt tỷ lệ rất cao (89%), trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần; bầu được 333 đại biểu đại diện cho đủ các thành phần, các giới trên cả nước.

Cuộc tổng tuyển cử thành công, Quốc hội đầu tiên nước ta được thành lập một cách chính danh, là Quốc hội của toàn dân, do toàn dân bầu ra để thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Với tính chính danh đó, Quốc hội đã tiến hành lập hiến, lập pháp, bầu Ban Thường vụ Quốc hội, biểu quyết thông qua các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất từ Trung ương đến địa phương, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946. Ảnh: TL

Từ đó đến nay, nhân dân ta đã 14 lần cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội. Trong chiến tranh, nhân dân ta vẫn kiên quyết, kiên cường thực hiện cho được quyền dân chủ, quyền bầu ra Quốc hội của mình. Trong thời bình, nhân dân được động viên, khuyến khích, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền bầu cử. Các cuộc bầu cử đều có tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, tạo nên những thành công vang dội, đập tan mọi mưu đồ phá hoại của các thế lực chống phá nền dân chủ, chống phá tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và chống phá những thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã giành được. Không phụ niềm tin yêu của cử tri và nhân dân cả nước, Quốc hội nước ta đã luôn tự đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các mặt công tác lập pháp, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước và giám sát tối cao; hết sức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, cùng toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Quốc hội khóa XIV-dấu ấn đổi mới, phát triển và hội nhập

Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt tới 99,35%; bầu thành công 494 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được từ 13 nhiệm kỳ Quốc hội trước đó, Quốc hội khóa XIV ghi dấu ấn mạnh mẽ với tinh thần đổi mới, phát triển và hội nhập. Trong tất cả các nội dung hoạt động để thực hiện quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao, Quốc hội đã rất thành công trong huy động trí tuệ của các vị ĐBQH, các chuyên gia hàng đầu trong mỗi lĩnh vực và trí tuệ của toàn dân. ĐBQH được khuyến khích thảo luận và tranh luận sôi nổi, trên tinh thần xây dựng và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

Tính đến hết năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã đi qua gần hết nhiệm kỳ với 10 kỳ họp, đã thông qua được 72 luật và 112 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác giám sát, Quốc hội khóa XIV thực hiện ngày càng bài bản, hiệu quả hơn với nhiều đổi mới, sáng tạo. Các nội dung giám sát được lựa chọn vừa mang tính bao trùm các mặt kinh tế-xã hội (KT-XH), vừa đúng những vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đổi mới nổi bật là Quốc hội trực tiếp thành lập các đoàn giám sát chuyên đề, thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và triển khai như trước.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ hai (từ ngày 28-10 đến 9-11-1946) bầu ra. Ảnh: TL

Việc quyết định những vấn đề của đất nước được tiến hành với chất lượng ngày càng được nâng cao, ngày càng thực chất. Các vấn đề được Quốc hội quyết định đều dựa trên ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tốt nhất cho lợi ích của đất nước, tác động tích cực và thúc đẩy KT-XH phát triển. Bên cạnh những quyết định về mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm, Quốc hội khóa XIV đã quyết định nhiều vấn đề rất lớn của đất nước, như: Điều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Trong công tác đối ngoại, Quốc hội khóa XIV đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp giữa Quốc hội Việt Nam và quốc hội/nghị viện các nước được thực hiện theo hướng vừa thắt chặt quan hệ với các nước đối tác truyền thống, vừa mở rộng giao lưu với nhiều nước khác, bảo đảm tính hiệu quả, thực chất. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, với việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) vào năm 2018; đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế; thể hiện rất rõ vai trò điều hòa, dẫn dắt của Quốc hội Việt Nam và là minh chứng cụ thể, thuyết phục chứng minh Việt Nam và Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, đối tác tin cậy và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quốc hội nước ta rất nhanh chóng hòa nhịp với xu thế mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả hoạt động. Quốc hội khóa XIV đã sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động của ĐBQH với rất nhiều tính năng thông minh vượt trội. Trong hai kỳ họp năm 2020, khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi hoạt động chính trị, ngoại giao, KT-XH trên thế giới, Quốc hội nước ta đã nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với tình hình mới bằng cách tổ chức kỳ họp Quốc hội thành hai đợt, họp trực tuyến và họp tập trung. Kết quả của hai kỳ họp đổi mới phương thức ấy vẫn bảo đảm chất lượng, đồng thời giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cũng như giúp ĐBQH kiêm nhiệm giải quyết công việc hiệu quả hơn.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam cũng là dịp nước ta đang tích cực chuẩn bị cho Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5-2021. Tin rằng, nhân dân ta sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, trách nhiệm để sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài, đủ nhiệt huyết vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn