Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA

HQVN -

Với 100% đại biểu có mặt tán thành (457 đại biểu), Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được Quốc hội thông qua vào sáng 8-6.

Nghị quyết quyết nghị: Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, Việt Nam.

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: TTXVN

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước đồng thời sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc. Cùng với đó, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.

Liên minh châu Âu (EU), thị trường với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên đến khoảng 18.000 tỷ USD thực sự là một thị trường đầy tiềm năng và không thể bỏ qua của Việt Nam. Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, con đường để Việt Nam tiếp cận với thị trường này đã trở nên rộng mở hơn rất nhiều.

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA

457/457 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của Hiệp định.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.

 Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn