Phóng viên đón Tết ở nhà giàn

HQVN -

Tết đến, Xuân về, cánh phóng viên chúng tôi sau một năm tác nghiệp có biết bao nhiêu câu chuyện về nghề để kể. Nhưng ít ai có cơ hội được kể về chuyện đi tác nghiệp và đón Tết trên Nhà giàn DK1. Chuyến công tác đặc biệt này đã để lại cho các phóng viên nhiều kỷ niệm đẹp với nhiều tác phẩm báo chí đặc sắc.

Vượt sóng để tác nghiệp

Vượt sóng mà chúng tôi nói ở đây không chỉ là lên tàu đi chúc Tết Nhà giàn DK1 mà vượt sóng ở đây là vượt qua những trạng thái, điều kiện khắc nghiệt, khó khăn để tác nghiệp. Vượt qua các cơn say sóng để có được một giấc ngủ, một bữa ăn no cũng là vượt sóng. Chống chọi được với say sóng để quay phim, chụp hình trên tàu cũng là vượt sóng. Nhưng quan trọng nhất đó là vượt qua những lớp sóng hung dữ trên mặt biển để lên được nhà giàn tác nghiệp mới là bước vượt sóng quyết định cho hải trình. Phóng viên mà không lên được nhà giàn thì chuyến công tác coi như là chưa thành công, chưa có chuyện để viết…

Trong chuyến công tác đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vừa qua có gần 50 phóng viên, biên tập viên. Đương nhiên chúng tôi ai cũng phải gồng mình để vượt sóng, nhất là các phóng viên nữ.

Phóng viên lên Nhà giàn DK1/10 bằng dây kéo

Biên tập viên Nguyễn Thu Thủy, Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Nai bắt đầu say sóng khi tàu vừa ra khỏi cửa vịnh. Nằm bẹp trên giường, Thủy thều thào: “Em chưa bao giờ có một cảm giác say sóng như thế này, em không có gì trong bụng vì ngửi gì, ăn gì là ra hết cái đó. Nếu cứ thế này chắc không có sức để tác nghiệp khi lên nhà giàn mất”.

Phóng viên Vương Tiểu Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Thái Nguyên cũng say sóng và không thể ăn uống được gì trong ngày đầu tiên tàu hành trình. Nhưng hai ngày sau đó chị quen dần, mỗi bữa ăn được một vài thìa cháo. Vương Tiểu Bình chia sẻ: “Đây là một kỷ niệm khó quên! Cứ nằm và ăn cháo tại giường thôi không thể ngóc đầu lên được. Một cái giường đơn nhưng phải hai chị em nằm chung để cho đỡ bị sóng lắc. Mắt thì nhắm lại mà có ngủ được đâu, tự động viên là không được khóc mà nước mắt cứ trào ra vì mệt, đói, đau người. Biển trong tiềm thức của em thật hiền hòa nhưng giờ sao biển làm em vất vả đến thế. Đúng là có trải nghiệm thực tế mới thấm thía về sự vất vả của những người lính biển”.

Sau hơn 3 ngày vượt sóng, vượt gió, con tàu đưa chúng tôi đến gần Nhà giàn DK1/14. Lúc này, biển động mạnh, sóng cao gần 3m, tàu dập dềnh, lúc lên cao, lúc xuống thấp. Chỉ cần sơ sẩy nhỏ là mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng. Không thể lên được nhà giàn, phóng viên phải tác nghiệp “từ xa” còn đoàn công tác thì “chúc tết qua loa, tặng quà qua dây”. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu phối hợp với lực lượng trên nhà giàn chuyển quà Tết bằng hệ thống dòng dọc và dây kéo. Tay cầm bộ đàm, thủ trưởng đoàn công tác nghẹn ngào: “Chúc cán bộ, chiến sĩ đón Tết vui tươi, an toàn, SSCĐ cao”.

Chị Phan Mai Hương, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình nói trong nước mắt: “Mình nằm bẹp 3 ngày nay nhưng khi thấy nhà giàn mình đã gắng sức lên đài chỉ huy tàu để được giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Muốn hát cho các anh nghe thật nhiều dù mình không phải là ca sĩ, chỉ biết hát bằng tiếng hát từ trái tim. Thương các anh lắm, muốn được lên vui cùng với các anh. Khoảng cách chưa đầy 200m mà sao khó đến thế. Mình sẽ không bao giờ quên được cảm xúc đặc biệt này”.

Phóng viên hát tặng bộ đội nhà giàn qua bộ đàm

Là phóng viên đã nhiều lần chứng kiến khoảnh khắc xúc động nhưng chúng tôi cũng không cầm được lòng mình. Ghi lại hình ảnh của các đồng nghiệp đang tác nghiệp, giao lưu với bộ đội nhà giàn mà nước mắt cứ lã chã rơi.

Đón Tết cùng lính nhà giàn

Sau hơn một tuần vượt sóng, các phóng viên đã quen dần với sự rung lắc của con tàu để có những bữa ăn ngon, giấc ngủ sâu và bắt đầu có thể tác nghiệp. Theo kế hoạch, đoàn công tác sẽ thăm và chúc Tết 6 nhà giàn nhưng đã đi qua 5 nhà giàn mà không thể lên được. Phải đến nhà giàn cuối cùng biển mới dịu đi phần nào nhưng sóng gió cũng khoảng cấp 3, cấp 4. Chúng tôi được thông báo chuẩn bị sẵn sàng, có thể lên được Nhà giàn DK1/10. Theo hướng dẫn của các thủy thủ có nhiều năm kinh nghiệm đi biển, chúng tôi cuốn ba lô, máy móc thật kín để bảo đảm khi đu dây lên nhà giàn được an toàn. Đứng ở mạn tàu chờ tới lượt được kéo lên, phóng viên Vương Tiểu Bình thì thầm: “Có lên được không anh?”. “Lên chứ, có bộ đội hỗ trợ em cứ yên tâm mà đu dây phóng lên, cảm giác đã lắm. Anh lên trước, em lên sau, quyết tâm lên, không phải phóng viên nào cũng được lên nhà giàn như thế này đâu”-tôi động viên Tiểu Bình.

Tôi lên nhà giàn trước và chuẩn bị máy xong thì Tiểu Bình cũng đặt chân lên sàn nhà giàn thành công. Phỏng vấn nhanh về cảm giác khi được kéo lên nhà giàn, Tiểu Bình rưng rưng: “Em run và sợ quá nhưng rất là vui vì mình đã vượt qua thời khắc nguy hiểm. Đúng là phóng viên muốn lên được nhà giàn thì ngoài sức khỏe tốt, sự nhanh nhẹn còn đòi hỏi phải có một bản lĩnh vững vàng. Đây sẽ là trải nghiệm có một không hai đối với nghề báo của em”.

Trong khi đó, vừa đặt chân lên nhà giàn, biên tập viên Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: “Em rất háo hức và chuẩn bị kỹ cho chuyến đi tác nghiệp lần này. Những ngày tàu đi trên biển em đã phải cố gắng để vượt qua những cơn say sóng. Đến hôm nay, khi bước lên được nhà giàn em có một cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng vô cùng tự hào. Đặc biệt là sự cảm phục về tinh thần của tất cả các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm công tác trên các nhà giàn như thế này”.

Nhà giàn DK1/10 trang trí phòng đón Xuân

Tại Nhà giàn DK1/10, phóng viên chúng tôi chia nhau thành nhiều nhóm để vừa được đón Tết với bộ đội vừa tác nghiệp đúng theo kế hoạch. Trong phòng Hồ Chí Minh của nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ cùng các phóng viên tập trung trang trí mâm ngũ quả đón Tết. Các khu hành lang, sàn nhà được tận dụng làm nơi gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ… Một số hoạt động phóng viên phải thực hiện đan xen giữa giao lưu và tác nghiệp cho kịp thời gian. Phóng viên Thu Hiền, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: “Cuộc đời làm báo của em được tác nghiệp ở rất nhiều nơi nhưng đây thực sự là một nơi đặc biệt, một cái Tết đặc biệt. Em sẽ phải tác nghiệp bằng 200% công suất để thu được nhiều tư liệu nhưng cũng sẽ tận hưởng giây phút đón Tết, vui Xuân cùng bộ đội nơi biển khơi bao la này”.

Phóng viên Phan Thị Cẩm Huệ, Báo Vĩnh Long thì bộc bạch: “Em là một trong những người say sóng nhất trong chuyến hành trình này nhưng mà lên tới nhà giàn rồi em thấy không còn mệt mỏi nữa. Em sẽ tác nghiệp, thu thập nhiều tư liệu và hình ảnh để viết bài, giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống, bản lĩnh kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bài, ảnh: Quang Tiến

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn