Sáng 17-3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, tiếp nhận ủng hộ của các doanh nghiệp.
Tới dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đại diện các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các tôn giáo. Lễ phát động được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh thành trong cả nước, với gần 2.300 đại biểu tham dự.
Tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát động kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi nhấn mạnh, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội của đất nước. Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng, ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và sẽ kịp thời chuyển tới những đơn vị, cá nhân đang trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, chữa trị bệnh, những khu vực đang phải cách ly, những trường hợp đang được điều trị bệnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Quang cảnh lễ phát động
Theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đối tượng hỗ trợ sẽ là cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, trung tâm cách ly; người bị nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế; người bị cách lý tại các cơ sở y tế, các trung tâm cách ly và tại cộng đồng; những người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19 (người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật… cần sự trợ giúp). Việc hỗ trợ bao gồm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân đang ở các khu vực cách ly có nhu cầu. Hình thức hỗ trợ gồm ủng bộ bằng tiền mặt hoặc các nhu yếu phẩm giúp cho công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; hỗ trợ phương tiện phòng, chống dịch như đồ bảo hộ phòng, chống dịch cho cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong thời gian tới, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ lan rộng hơn, quy mô lớn hơn, còn nhiều trường hợp tử vong và chắc chắn sẽ tác động sâu sắc hơn đối với các quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; ngăn chặn cách ly triệt để; chăm sóc và điều trị tốt; phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả. Đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác và ủng hộ của người dân. MTTQ Việt Nam nhiều cấp, nhiều ngành có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
“Thắng lợi bước đầu này thể hiện ý chí, thống nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chúng ta có thể khẳng định rằng, Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Đảng và nhà nước ta luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam, của thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng trực tiếp tham gia như: y tế, quân đội, công an. Đặc biệt cảm ơn sự đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của đồng bào, chiến sỹ cả nước đã tin tưởng và hưởng ứng những quyết sách phòng, chống đại dịch Covid-19. Trong đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm, những sáng kiến thiết thực.
“Tất cả chúng ta cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, trật tự xã hội trước đại dịch. Những đóng góp to lớn và quý giá này góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái” – Thủ tướng nói.
Biểu dương những gương tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh và chia sẻ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu những ví dụ cụ thể. Đó là những người đã sẵn lòng nhường cơm, sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc bỏ tiền mua khẩu trang khan hiếm phát miễn phí. Đặc biệt có cháu bé lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người… Hiếm có bài học giáo dục nào có tác động lan tỏa tinh thần cộng đồng như thế.
Cùng với đó, có nhà khoa học đã sáng chế ra dung dịch sát khuẩn, tặng hàng nghìn chai cho người dân phòng Covid-19. Chúng ta cũng cảm động trước hành động của người dân tham gia giải cứu dưa hấu, thanh long cho bà con nông dân một cách nhiệt tâm, không hề toan tính. Có nhiều mạnh thường quân, văn nghệ sỹ đứng ra quyên góp chia sẻ với cộng đồng. Đó cũng là cách thể hiện lòng tri ân với khán giả, người hâm mộ. Nhiều doanh nghiệp quan tâm chăm lo chu đáo vì sự an toàn của người lao động cũng là hành động đáng biểu dương, thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ: Những ví dụ trên đây cho thấy những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả xuất phát từ trái tim mình. Qua những câu chuyện đó thêm khẳng định, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện niềm tin Việt Nam sẽ làm tốt việc đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, áp dụng mọi biện pháp, mọi sáng kiến, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường, đồng thời quyết tâm thực hiện hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những gì Việt Nam đã và đang làm củng cố uy tín, niềm tin vào năng lực giải quyết vấn đề của hệ thống chính trị, sức mạnh tinh thần Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước phát huy kết quả đạt được, tiếp tục nỗ lực hết sức mình thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch; cố gắng đời sống bình thường, an toàn. Để làm được điều đó cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của toàn hệ thống trị, các cấp, các ngành, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt sự tự giác, ý thức chấp hành của mỗi người dân trước những quy định, khuyến cáo cơ quan y tế, các cấp chính quyền với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch". Mỗi phường, xã, thôn bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài phòng chống dịch.
Tại lễ phát động, đã có 17 đơn vị là các tổ chức, doanh nghiệp và 15 ngân hàng đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19
"Chúng ta hưởng ứng, hoan nghênh lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam ngày hôm nay. Chúng ta cũng hoan nghênh, đánh giá cao sự hưởng ứng, chia sẻ, chung tay đóng góp của các mạnh thường quân, doanh nhân, tôn giáo, nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học, các giới, các giai tầng trong xã hội đối với công tác phòng chống dịch" - Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí cần tăng cường phát hiện, chia sẻ những gương tốt, việc tốt nhiều hơn nữa, lan tỏa những giá trị sống đích thực, nêu cao tinh thần tương thân tương ái vốn sẵn có trong huyết quản mỗi người dân Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị… tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người góp hiện vật, người góp sức, người góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc bao đời, đem lại sức mạnh để Việt Nam vượt mọi khó khăn thử thách chống đại dịch Covid-19.
Tại lễ phát động, đã có 17 đơn vị là các tổ chức, doanh nghiệp và 15 ngân hàng đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tổng số tiền ủng hộ là hơn 235 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng.
PV tổng hợp