Những bác sĩ sáng y đức, vững chuyên môn
HQVN -
Quá trình phát triển và trưởng thành của Viện Y học, Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân có vai trò rất quan trọng của đội ngũ thầy thuốc tiêu biểu về y đức, vững vàng về chuyên môn. Họ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
Tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả
Trước khi trở thành Phó Giám đốc, Thượng tá, Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Văn Ruệ là Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh. Với trách nhiệm và tình yêu nghề, đồng chí đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Viện nhiều giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Trong đó, Khoa Khám bệnh đã triển khai thực hiện tốt 2 nhóm giải pháp nâng cao năng lực khám, thu dung, cấp cứu, phân luồng bệnh nhân và điều trị nội, ngoại trú. Từ năm 2019 đến nay, bác sĩ Ruệ cùng đồng nghiệp đã khám gần 180 nghìn lượt bệnh nhân; điều trị hơn 21 nghìn ca; cấp cứu gần 4 nghìn ca… Công tác khám, chữa bệnh bảo đảm an toàn, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Bác sĩ Dương Văn Ruệ khám bệnh cho người dân. Ảnh: CTV
Thực hiện chương trình quân dân y kết hợp và công tác tuyến, bác sĩ Ruệ tích cực đề xuất Viện phối hợp với bệnh viện tuyến trên tăng cường các hoạt động khám, chữa bệnh, mở rộng phạm vi cứu chữa. Việc duy trì thường xuyên các buổi hội chẩn trực tuyến, các buổi đi buồng thảo luận lâm sàng các ca bệnh khó, phức tạp với sự tham gia của các chuyên gia bệnh viện tuyến trên về các chuyên ngành đã giúp chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh của Viện ngày càng nâng lên.
Bác sĩ Ruệ còn nghiên cứu những đề tài khoa học giúp Viện xây dựng phương án chính xác các loại thuốc cần dùng và dùng hiệu quả trong khám, chữa bệnh; tích hợp 90 cặp tương tác thuốc hỗ trợ bác sĩ trong quản lý, kê đơn thuốc, tiết kiệm thời gian.
Hiện tại, Phó Giám đốc Dương Văn Ruệ cùng Ban Giám đốc Viện chỉ đạo sát sao công tác kế hoạch tổng hợp, tăng cường kiểm tra nền nếp, chế độ chuyên môn, nhất là bệnh án y tế; chỉ đạo công tác huấn luyện, xây dựng kế hoạch y tế hàng năm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Với những cống hiến của mình, Thượng tá, Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Văn Ruệ vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2020-2021; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” năm 2020, 2021, 2022; “Chiến sĩ thi đua toàn quân” năm 2023...
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Năm 2015, tốt nghiệp Học viện Quân y, Bác sĩ Nguyễn Đức Anh về công tác tại Khoa Phẫu thuật - Hồi sức cấp cứu. Thời điểm đó Khoa có ca bệnh gây mê gặp nhiều khó khăn, phải mời chuyên gia Bệnh viện Việt Tiệp đến giúp đỡ. Trước thực tế đó và được lãnh đạo Khoa định hướng, Đức Anh đã đăng ký học cao học chuyên ngành gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu tại Học viện Quân y. Anh không ngừng nỗ lực để có thể cứu chữa và mang lại thật nhiều sức khỏe, niềm vui cho người bệnh. Nhưng quá trình đó cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2017, một bệnh nhân nữ tên T, 60 tuổi, được Viện Y học Hải quân chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, rối loạn trầm cảm có chỉ định phẫu thuật nội soi (PTNS) cắt ruột thừa.
Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Đức Anh thăm khám sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: CTV
Khi đó, Đức Anh mới bắt đầu nhận nhiệm vụ bác sĩ trực chính. Thông thường, các bệnh nhân PTNS cắt ruột thừa sẽ có chỉ định gây mê nội khí quản, sử dụng các thuốc gây mê, giãn cơ và giảm đau. Tuy nhiên, các thuốc sử dụng gây mê sẽ làm tăng nặng các triệu chứng rối loạn trầm cảm. Anh đã gọi điện cho thầy giáo là bác sĩ Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xin ý kiến và quyết định thực hiện gây tê tủy sống cho bệnh nhân T để PTNS cắt ruột thừa. Quá trình gây tê và PTNS cắt ruột thừa thuận lợi, bệnh nhân ra phòng hồi tỉnh trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, sau 14 giờ, bệnh nhân diễn biến xấu, đột ngột tụt huyết áp, ý thức xấu đi. Bác sĩ Đức Anh và lãnh đạo Khoa cùng kíp trực đã xử lý kịp thời. Trong quá trình đó có rất nhiều ý kiến cho rằng diễn biến xấu của bệnh nhân là do phương pháp bảo đảm vô cảm mới. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện kết luận không phải tai biến, biến chứng của gây tê và phẫu thuật mà do bệnh lý nền của bệnh nhân.
Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân chuyển biến tích cực, huyết động ổn định, ý thức tỉnh táo và được chuyển về Khoa Ngoại tiêu hóa điều trị tiếp. Bệnh nhân ra viện sau 7 ngày điều trị với tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, các chỉ số xét nghiệm và chức năng sống trong giới hạn bình thường.
Khoảng 1 tuần sau có bệnh nhân chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có chỉ định PTNS cắt ruột thừa. Đức Anh chia sẻ: “Thời gian đó, tôi vẫn đang chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên được sự động viên của lãnh đạo Khoa và Viện, tôi vẫn quyết tâm gây tê vì yếu tố lợi ích cho người bệnh nhiều hơn yếu tố nguy cơ. Đây là quyết định khó khăn đối với tôi ở thời điểm đó...”. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân ra viện sau 5 ngày điều trị.
Đến nay, kỹ thuật gây tê tủy sống cho PTNS cắt ruột thừa được Khoa Phẫu thuật-Hồi sức Cấp cứu thực hiện thành công cho hơn 30 bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền phức tạp. Tất cả bệnh nhân đều đạt kết quả điều trị tốt, an toàn và hiệu quả.
Bác sĩ Ruệ, Bác sĩ Đức Anh cùng với rất nhiều bác sĩ giàu y đức, vững chuyên môn đã và đang từng ngày đồng lòng chung sức xây dựng Viện Y học Hải quân trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của bộ đội và nhân dân; khẳng định vị thế bệnh viện tuyến đầu của Quân chủng Hải quân.
Thùy Liên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Thủ tướng Lào thăm Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - ( 23-02-25 03:00 )
- Đoàn công tác Vùng 1 thăm, động viên các đơn vị trên huyện đảo Bạch Long Vĩ - ( 23-02-25 01:00 )
- Tự hào được tham dự ngày hội lớn - ( 23-02-25 08:00 )
- Hành trình chinh phục bầu trời - ( 23-02-25 07:00 )
- Những bác sĩ sáng y đức, vững chuyên môn - ( 23-02-25 07:00 )