Người tiên phong đổi mới tư duy

Trước đổi mới, hạn chế lớn nhất của Đảng và đội ngũ cán bộ là tư duy mang nặng tính bao cấp, giáo điều, bảo thủ. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong bước ra khỏi rào cản đó và mạnh mẽ đổi mới tư duy.

Luôn lắng nghe, tiếp thu kiến thức để vận dụng vào lãnh đạo, quản lý

Cơ sở của đổi mới tư duy là tri thức, hiểu biết về hiện thực khách quan, nắm bắt quy luật vận động, phát triển của thế giới. Cả cuộc đời, đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với thực tiễn phong trào cách mạng và tinh thần, ý chí tự học, tự rèn. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí thường xuyên gặp gỡ giới trí thức, trong đó có cả những người thuộc chế độ cũ như: TS Nguyễn Xuân Oánh, KTS Ngô Viết Thụ, TS Trần Kim Thạch, GS Chu Phạm Ngọc Sơn, TS Bùi Thị Lạng, Hoàng Xuân Hãn... để lắng nghe, tiếp thu những kiến thức bổ ích vận dụng vào công tác lãnh đạo, quản lý. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn học hỏi ở nhân dân những kinh nghiệm quý báu trong chống giặc, trong sản xuất và kinh doanh. Nhờ có vốn kiến thức phong phú, nắm bắt được quy luật vận động, phát triển của lịch sử, của dân tộc, của thời đại mà đồng chí đã có những bước đột phá lớn về đổi mới tư duy.

Người tiên phong đổi mới tư duy

Đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đi thăm một số cơ sở sản xuất đồ chơi và học cụ cho trẻ em của thành phố, tháng 5/1979. Ảnh: Tư liệu 

Cùng với việc nâng cao kiến thức trên mọi lĩnh vực, đồng chí Võ Văn Kiệt là người luôn luôn bám sát thực tiễn. Chính thực tiễn sinh động là cơ sở cho đổi mới tư duy.

Khi đất nước thống nhất, trên cương vị Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh (1976-1982) với nhiệm vụ nặng nề: Giải quyết những tồn đọng của hậu chiến tranh, ổn định đời sống xã hội, cải tạo nền kinh tế cũ, xây dựng kinh tế mới, hoàn thiện bộ máy chính quyền của thành phố, hóa giải hận thù, thúc đẩy hòa hợp dân tộc... Đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy: Đổi mới tư duy là cần thiết, không thể sử dụng tư duy của cuộc kháng chiến trường kỳ cho xây dựng và phát triển đất nước.

Sau năm 1975, TP Hồ Chí Minh có hơn 4 triệu dân, với nhiều thành phần của chế độ cũ, nhiều tàn dư, tệ nạn tồn tại... Việc đầu tiên, đồng chí Võ Văn Kiệt thi hành chính sách xóa bỏ hận thù, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo quan hệ xã hội tốt để những thành phần trong chế độ cũ cùng nhân dân lao động bớt mặc cảm, chung sức xây dựng thành phố.

Mở lối cho Việt Nam xuất khẩu gạo

Những năm 1977-1980, trước thử thách lớn, hơn 2,8 triệu người dân thành phố được cấp sổ mua lương thực với giá rất thấp, nhưng lương thực không đủ. Ngành lương thực nợ gạo dân, đến giữa tháng sau mới có lương thực để bán đủ tiêu chuẩn của tháng trước. Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lương thực dư thừa nhưng không bán vì Nhà nước thu mua giá rẻ, không đủ bù chi phí sản xuất, còn Nhà nước thì bù lỗ cho ngành lương thực. Trạm thuế Tân Hương (Tiền Giang) vẫn “ngăn sông cấm chợ”. Cơn khát gạo của người dân thành phố càng tăng và dai dẳng. Trước thực trạng lúa đầy đồng, dân thiếu gạo, Nhà nước bù lỗ, đồng chí Võ Văn Kiệt mạnh dạn “xé rào”, chấp nhận “mất chức” để giải quyết điều vô lý ấy! Đó là huy động tài chính, tổ chức thu mua gạo theo giá thị trường, nông dân phấn khởi sản xuất. Những người mua cung cấp theo hai giá: 1/3 mua theo giá rẻ, 2/3 mua xấp xỉ giá thị trường. Lương thực được lưu thông, "ngăn sông cấm chợ" dần được xóa bỏ. Kết quả, nông dân tích cực sản xuất, chấm dứt nạn thiếu đói; Nhà nước không còn phải bao cấp, tiến đến xuất khẩu gạo sang nước bạn Campuchia (năm 1981). Như thế, trước đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt là người mở lối, khai đường cho Việt Nam xuất khẩu gạo.

 Về công nghiệp, rơi vào khủng hoảng, thiếu nguyên liệu, thiếu việc làm, lương hưởng 70%, sản xuất đình trệ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thành lập Câu lạc bộ Giám đốc (năm 1980) để tìm cách tháo gỡ khó khăn, đầu tiên là Nhà máy Dệt Thành Công. Từ chỗ thua lỗ, chỉ sau hai năm, nhà máy đã tích lũy gấp 2-3 lần trước đó, dần hồi sinh và phát triển. Từ đó, Hội nghị Phước Long (năm 1984) diễn ra để mở rộng “xé rào” trong sản xuất công nghiệp. Trước đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt trở thành “Bí thư xé rào” để làm cho sản xuất “bung ra”.

Tiên phong trong cải cách hành chính

Sau khi ra Trung ương, lần lượt đảm nhiệm các trọng trách, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ (1992-1997), với tư duy nhạy bén, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tạo nên những dấu ấn đậm nét của một nhà lãnh đạo chiến lược tài ba.

Trước hết, đồng chí nhanh chóng sắp xếp bộ máy nhà nước. Để phù hợp với cơ chế thị trường, bộ máy phải tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả, vì thế đồng chí đã mạnh dạn cải cách, từ 36 bộ, cơ quan ngang bộ rút xuống còn 27, từ 10 phó thủ tướng rút xuống còn 3 người. Đây là cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ nhất trong thời kỳ đổi mới, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Đồng chí lập Tổ tư vấn là những cán bộ giỏi chuyên môn, am hiểu thời cuộc nhằm giúp Thủ tướng điều hành Chính phủ trong hoạt động quản lý kinh tế-xã hội. Các thành viên Chính phủ được phái về địa phương, cơ sở, các tổ chức kinh tế-kỹ thuật nhằm giúp tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, bám thực tiễn rút ra những kết luận cho việc thể chế hóa, hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng chí là một trong những người tiên phong cải cách hành chính ở nước ta.

Phá thế bao vây, cấm vận và những công trình huyền thoại

Về công tác đối ngoại, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tích cực triển khai đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ quốc tế, ưu tiên quan hệ khu vực ASEAN, giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia, khu vực và toàn cầu. Với chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam đã phát huy được nội lực, thoát khỏi tình trạng bao vây, cấm vận.

Về phát triển kinh tế, đồng chí Võ Văn Kiệt hình thành tư duy về dự án trọng điểm. Về năng lượng, khi đất nước bước vào sự nghiệp CNH, HĐH, xảy ra khan hiếm nguồn điện ở miền Nam, đồng chí nhận thấy cần phải xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam nhằm điều hòa lợi thế nguồn điện của hai miền. Đây là quyết định khó khăn vì có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Việc phát huy thế mạnh tại chỗ cũng được quan tâm, như xây dựng thủy điện Trị An. Đồng thời, chủ trương xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khai thác lợi thế nhân lực, phân bổ sự phát triển kinh tế đồng đều cho các miền. Về giao thông, muốn phát triển kinh tế, lưu thông phải thuận lợi nên đồng chí chủ trương xây dựng tuyến đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, phát triển hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành dự án xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh. Về Đồng bằng sông Cửu Long, trọng điểm là tứ giác Long Xuyên, đồng chí rất quan tâm đến lợi thế cũng như khó khăn của người dân. Những dòng kênh T4, T5, T6 được khai thông, thoát lũ, đồng bằng màu mỡ, hồi sinh nhiều vụ lúa, tăng nhanh sản lượng lúa gạo, xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế.

Với phong cách dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tạo nên những dấu ấn đậm nét trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam. Từ thực tiễn “xé rào” cơ chế trước đổi mới, đến thực tiễn sinh động của lưu thông hàng hóa, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, những đột phá của nhà chiến lược tài ba Võ Văn Kiệt đã góp phần mở then chốt cho đổi mới tư duy trong công cuộc đổi mới ở nước ta. Tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phong cách dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đồng chí Võ Văn Kiệt và hiệu quả đã được chứng minh sống động trong thực tiễn, là di sản quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cần tiếp tục được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong thời đại mới.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn