Ngành công tác cán bộ Quân đội-75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (28/2/1947-28/2/2022): Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

HQ Online -

Ngay từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944), Đảng và Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Thời kỳ đầu việc nắm và quản lý cán bộ trong quân đội đều do cấp uỷ mà trực tiếp là đồng chí bí thư đảng các cấp. Từ năm 1945 đến năm 1946 là thời kỳ hình thành cơ quan cán bộ.

Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 28/2/1947, Cục Cán bộ (tiền thân là Phòng Cán bộ thuộc Cục Chính trị trong Quân sự uỷ viên hội) được thành lập theo Nghị định số 243/NĐ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển mới về công tác cán bộ của Đảng trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

Cách mạng nước ta vừa giành được thắng lợi trong tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, gian khổ. Lúc này, quân đội ta vừa mới ra đời, tổ chức biên chế chưa thống nhất, trang bị thô sơ, chưa có kinh nghiệm trong chỉ huy, chiến đấu, thiếu thốn đủ bề, nhất là cán bộ các cấp. Nhu cầu cán bộ quân đội để phát triển lực lượng rất lớn, nhất là thời điểm cuộc kháng chiến chuyển giai đoạn. Phòng Cán bộ với biên chế chỉ từ 10 đến 19 cán bộ, nhân viên đã hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng, đề ra các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, xây dựng quân đội.

 Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Cục Cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: QĐND

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành tích xuất sắc của Cục Cán bộ và Ngành công tác cán bộ quân đội, đó là: Tích cực nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về công tác cán bộ của Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; luôn quán triệt đường lối quân sự, chính trị, lập trường giai cấp của Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giúp cấp ủy quản lý đội ngũ cán bộ từ cấp đại đội trở lên.

Ngành luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là then chốt, tăng cường bổ túc thường xuyên và tích cực bồi dưỡng văn hoá cho cán bộ các cấp cả tại trường và tại chức (Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Quân chính Bắc Sơn, Lục quân Quảng Ngãi, Trường văn hoá Lý Thường Kiệt, Trường văn hoá ở các quân khu, tỉnh); đồng thời tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương mở các lớp tập huấn, chỉnh huấn chính trị, quân sự cho cán bộ trung, cao cấp trong toàn quân. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mặc dù trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ nhưng vẫn giữ vững niềm tin, lòng nhiệt thành với cách mạng. Vì vậy, bước vào chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh chiến đấu, năng lực tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cán bộ các cấp được nâng lên rõ rệt.

Về giải quyết số lượng cán bộ, Cục Cán bộ đã tham mưu và nghiêm túc tổ chức thực hiện chỉ thị của Tổng Quân uỷ (3/1951) là mạnh dạn đề bạt cán bộ dưới lên, với phương châm "Thà yếu còn hơn thiếu”, chú trọng cán bộ công nông; chống bệnh hình thức, hẹp hòi, thành phần chủ nghĩa, tư tưởng bản vị, cục bộ... Vì vậy, đã căn bản giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ nhất là trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, về cơ bản cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các đơn vị được kiện toàn, trọng tâm là đáp ứng cán bộ cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu, đơn vị mới xây dựng, tăng cường cán bộ cho cơ quan chỉ đạo và nhà trường... (cuối năm 1945 đội ngũ cán bộ có 1.124, đến cuối năm 1950 có 4.569, gấp 4 lần so với năm 1945 và đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, đội ngũ cán bộ có 43.000, gấp 9 lần so với năm 1950). Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao (80,7% là đảng viên). Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ, việc chăm sóc sức khoẻ và đời sống cán bộ cũng từng bước được quy định, đảm bảo ngày càng tốt hơn.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, được sự quan tâm bồi dưỡng của cấp ủy các cấp, cán bộ, nhân viên Ngành công tác cán bộ quân độ vừa tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa củng cố kiện toàn về mặt tổ chức, rèn luyện nền nếp và phong cách công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao; góp phần xây dựng quân đội ngày càng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

HQVN (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn