Năm Thìn nói chuyện rồng
Năm 2024 tính theo lịch can-chi là năm Giáp Thìn. Giáp đứng đầu hệ can, Thìn ở hàng thứ năm trong hệ chi. Chuyển sang hệ 12 con giáp thì Thìn là rồng-con vật duy nhất mang tính tưởng tượng so với 11 con vật có thực còn lại...
Vì là loài vật của trí tưởng tượng nên rồng cũng tùy theo từng nền văn minh mà được hiện hình không thật giống nhau. Người châu Âu tạo hình tượng rồng từ con vật gốc là ngựa. Người Trung Hoa lấy sư tử làm nguyên mẫu để tạo hình rồng. Còn rồng Việt Nam thì biến hóa từ con rắn. “Vẽ rắn thêm chân” và phải là chân có móng nhọn của chim ưng, thế là thành: Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nác/ Có nhà hiển vinh...
Từ các nguyên mẫu-những con vật gốc, thêm thắt những gì để thành rồng thì cũng tùy theo trí tưởng của các nền văn minh và vùng miền khác nhau. Thêm đôi cánh cho ngựa, thế là thành rồng châu Âu. Thêm mình rắn (dài, uốn lượn) cho thân sư tử, thế là rồng Trung Hoa hình thành. Còn thêm cái mũi sư tử vào đầu rắn, vậy là thành rồng Việt Nam.
Nhiều chi tiết như: Sừng, vẩy, mào, ngạnh... còn được tiếp tục thêm thắt, lắp ghép qua dặm dài thời gian và mênh mông vùng miền, để rồng trên toàn thế giới ngày càng hoàn thiện, thậm chí rườm rà về hình thể cũng như tính cách, đặc trưng. Rồng châu Âu có nhiều trường hợp hiển linh khác nhau, nhưng chủ yếu mang tính hung thần, thường phun lửa để hại người. Rồng Trung Hoa oai phong, hùng tráng, thậm chí dữ dằn, tượng trưng cho uy quyền và sự dọa nạt. Còn rồng Việt Nam thì lại hiển hiện như một phúc thần, hay tạo phúc, ban ơn, chủ yếu là làm mưa, giúp cho việc cày cấy thịnh vượng. Đã có nhiều giai thoại kỳ thú về linh vật này. Ví như hồi thế kỷ thứ 10, khi Đinh Bộ Lĩnh còn trẻ thơ nghịch ngợm, bị người chú là Đinh Dự đuổi đánh, đã được rồng hiện lên từ đáy nước cõng chạy qua sông, thoát nạn. Dòng sông ấy bây giờ là sông Hoàng Long-sông Rồng Vàng-ở Ninh Bình.
Thềm rồng ở điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh tư liệu
Thời Lý Thái Tổ định đô năm 1010, mọi người đều biết chuyện được chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: Khi đoàn thuyền của nhà vua dời đô Hoa Lư, đến chân thành Đại La, bỗng có rồng-như một điềm lành nghênh đón-hiện lên ở mạn thuyền ngự. Vua đổi tên thành Đại La là Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài hơn 200 năm của nhà Lý. Rồng hiện lên trong niềm hân hoan, thần diệu đó.
Đời Lý Thánh Tông, từ năm đầu ngồi ngai (1054) đến năm 1058, vị “Hoàng đế của những công trình kiến trúc lớn” này lấy hình tượng “Long Thụy Thái Bình” (rồng xuất hiện báo hiệu thái bình) làm niên hiệu cho thời gian 4 năm xây dựng những “đại khí”. Trong đó, cùng với tòa tháp Báo Thiên còn có tòa tháp Tường Long (thấy rồng hiện lên) tại Đồ Sơn (Hải Phòng).
Khảo cổ học đã giúp người đời sau-từ chỗ mường tượng-nhận diện được hình tượng cụ thể của những linh vật rồng thiêng ở thời nhà Lý như thế. Tiêu biểu và điển hình nhất cho sự rõ ràng về mặt nhận chân và tính nghệ thuật là những hình rồng được khắc họa vào cây cột đá khổng lồ, mà đến nay, sau gần nghìn năm vẫn sắc nét ở ngôi chùa Dạm (Bắc Ninh). Những uốn lượn mềm mại của thân hình, vừa gần gụi với nguyên mẫu gốc rắn, vừa phản ánh sự phát triển lịch sử uyển chuyển, linh hoạt, giàu tính nhân văn về thời gian nhà Lý trị vì đất nước.
Kế đến là hình rồng được khắc họa ở chính tâm những đầu ngói lá đề bằng đất nung, đào lên được từ dưới độ sâu 2m thuộc “tầng văn hóa đời Lý” ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, cũng như ở giữa những cánh sen bằng đá của bệ tượng Phật A Di Đà có niên đại “Long Thụy Thái Bình tứ niên” (1057) ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) phù hợp với việc đặt tên cho vòng thành thứ ba-ở trong cùng của cấu trúc và quy hoạch “tam trùng thành quách” của kinh đô Thăng Long, dành cho vua (và hoàng hậu) ở-là “Long (Phượng) thành”, còn phản ánh và gắn bó với hàm ý: Từ đây, rồng bắt đầu trở thành hiện thân của vương quyền, mà nhân vật chủ chốt chính là nhà vua.
Sang đến thời Trần, ở các thế kỷ 13, 14, hình ảnh và biểu tượng rồng có một chuyển động và chuyển đổi rất đặc sắc: Từ chỗ có thân hình uốn lượn mềm mại ở thời Lý, những linh vật rồng thời Trần-như thấy ở các hiện vật bằng đá và đất nung, đào lên được từ dưới độ sâu 1,5m tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, như được điêu khắc trên các cánh cửa gỗ chùa Thái Lạc (Hưng Yên), Đền Trần và chùa Phổ Minh (Nam Định)... đều có thân hình mập mạp, khỏe mạnh, phù hợp với hiện thực phát triển lịch sử, mang tinh thần hào khí Đông A của những năm tháng và sự kiện mạnh hùng đời nhà Trần. Ở thời Trần còn có những câu chuyện thú vị về phong tục xăm mình hình rồng. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép một câu nói của Phật hoàng Trần Nhân Tông: Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu (cuối sông, gần biển), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi; nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc...
Hàng loạt ý nghĩa và giá trị của hình tượng rồng, cùng với phong tục xăm mình hình rồng, đã được bảo lưu và thể hiện qua câu nói này. Đó là thuộc tính văn minh sông nước, tinh thần thượng võ và đặc biệt là vấn đề nguồn cội tổ tiên. Phù hợp và làm minh chứng cho những điều này, ta đang thấy trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia một chiếc thạp gốm sứ men nâu, niên đại thế kỷ 13-14, có hoa văn rất đẹp, vẽ hình một chiến binh, một tay cầm khiên, một tay vung giáo, còn ở đùi thì xăm rõ nét một hình rồng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên được soạn vào thế kỷ 15, gần trùng niên đại với sách “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Ở sách này, rồng và phong tục xăm mình hình rồng, từ chỗ là phúc thần-giúp dân thoát nạn thuồng luồng biển-đến đây có thêm dị bản về thuộc tính và giá trị là: Đồng nhất với giao long, tức loài rồng, thấy người xuống nước mà có xăm hình rồng, thì ngỡ đó là đồng loại, không làm hại.
Như vậy, rồng luôn có liên quan, thậm chí gắn bó, là điều kiện và cơ sở cho những thời gian, niên đại xuất hiện các điềm lành, trọng đại. Vì thế, những năm mang hình tượng con giáp là rồng, tức năm Thìn, cũng thường được tin là năm có những sự kiện lớn. Những năm Thìn liên quan đến niềm tin về số phận vẻ vang của những ai được sinh vào năm Thìn, “cầm tinh” con rồng. Giống như những danh nhân tuổi Thìn trong lịch sử, đại diện cho trí tuệ, khát vọng, ý chí của người Việt Nam, như: Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, danh sĩ và đại quan đời Trần, sinh năm Canh Thìn (1280); nhà giáo tiết tháo, cương trực Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn (1292); hay hai nhân sĩ sinh năm Giáp Thìn (1904) là: Đồng chí Trần Phú-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và học giả Đào Duy Anh-Giáo sư sử học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn...
Nhà sử học Lê Văn Lan
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tuổi trẻ Hải đoàn 129 tham gia hành quân về nguồn - ( 24-11-24 10:00 )
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 189 hưởng ứng cuộc thi trực tuyến - ( 24-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 685 khánh thành, bàn giao nhà đồng đội - ( 23-11-24 01:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Tây Nguyên - ( 23-11-24 08:00 )