Một số từ ngữ trong Luật Khí tượng Thủy văn Việt Nam

Ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Trạm khí tượng Hải văn Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Đầu tư cho ngành Khí tượng Thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu.

Vì vậy, Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Trong Luật này, đã chi tiết một số nội dung về quan trắc khí tượng thủy văn của các chủ công trình, cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn, quy định chi tiết hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với tổ chức, cá nhân nước ngoài... Do đó, để Luật Khí tượng thủy văn nhanh chóng đi vào thực tiễn ngay sau khi có hiệu lực, việc tuyên truyền “Luật Khí tượng thủy văn” trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết.

Việc nắm bắt các thuật ngữ, từ ngữ chuyên ngành Khí tượng thủy văn là rất quan trọng trong công tác chuyên môn và công tác phổ biến thông tin khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khí tượng thuỷ văn là cụm từ chỉ chung khí tượng, thuỷ văn và hải văn.

2. Khí tượng là trạng thái của khí quyển, quá trình diễn biến của các hiện tượng tự nhiên trong khí quyển.

3. Thủy văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ.

4. Hải văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước biển.

5. Quan trắc khí tượng thủy văn là việc quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến của khí quyển, nước sông, suối, kênh, rạch, hồ và nước biển.

6. Thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm và khu vực cụ thể được xác định bằng các yếu tố và hiện tượng khí tượng.

7. Dự báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái, quá trình diễn biến và hiện tượng khí tượng thủy văn trong tương lai ở một khu vực, vị trí với khoảng thời gian xác định.

8. Cảnh báo khí tượng thuỷ văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thuỷ văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường.

9. Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo, thể hiện thông tin, dữ liệu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dưới dạng văn bản, bảng số liệu, bản đồ, biểu đồ, biểu tượng, hình ảnh, âm thanh.

10. Thiên tai khí tượng thủy văn là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế-xã hội.

11. Khí hậu là tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một khu vực nhất định, đặc trưng bởi các đại lượng thống kê dài hạn của các yếu tố khí tượng tại khu vực đó.

12. Dự báo khí hậu là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái và xu thế của khí hậu trong tương lai, mức độ dao động của yếu tố khí hậu theo tháng, mùa, năm so với giá trị trung bình nhiều năm.

13. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.

14. Giám sát biến đổi khí hậu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá, theo dõi diễn biến của khí hậu trong khoảng thời gian dài để xác định các biểu hiện của biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

15. Kịch bản biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và có tính tin cậy về xu hướng trong tương lai của khí hậu dựa trên mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế - xã hội, phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

16. Công trình khí tượng thủy văn là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành để lắp đặt phương tiện đo, thiết bị thông tin khí tượng thủy văn.

17. Trạm khí tượng thủy văn là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn để đặt một hoặc nhiều công trình khí tượng thủy văn, gồm các loại: trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa, trạm định vị sét và các loại trạm chuyên đề khác.

18. Trạm giám sát biến đổi khí hậu là trạm được lựa chọn trong số các trạm khí tượng thủy văn hoặc được xây dựng riêng theo yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để thực hiện quan trắc khí hậu, thành phần hóa khí quyển, mực nước biển.

19. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước cần thiết để bảo đảm công trình khí tượng thủy văn hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, dữ liệu khí tượng thuỷ văn thu được phản ánh khách quan tính tự nhiên của khu vực, bảo đảm độ chính xác theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

20. Tác động vào thời tiết là tác động của con người lên các quá trình vật lý và hoá học của khí quyển thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa hay giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết thuận lợi trong một khu vực cụ thể, trong khoảng thời gian xác định để phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

21. Chuẩn khí hậu là giá trị trung bình của các yếu tố khí tượng trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 30 năm; làm căn cứ để đánh giá sự khác biệt khí hậu giữa nơi này với nơi khác, giữa thời kỳ này với thời kỳ khác.

22. Hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường về mức độ, thời gian xuất hiện, khu vực xảy ra, có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

23. Nước biển dâng là sự dâng lên của mực nước đại dương trung bình do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó không bao gồm triều cường, nước dâng do bão và các tác động tự nhiên khác.

Luật KTTV được ban hành đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành TN&MT, không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động chuyên môn khí tượng thủy văn, mà quan trọng hơn Luật sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV, bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Nguyễn Đức Quản

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn