Một số trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch năm 2019

HQ Online -

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng loại virut biến đổi cấu trúc gen nên có nhiều biến thể khác nhau, triệu chứng bệnh không điển hình. Nhiều bệnh dễ phát sinh thành dịch như: Nhiễm khuẩn não mô cầu, nhiễm vi rút đường hô hấp cấp, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và mới đây là dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lan rộng trên các tỉnh thành trong cả nước.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh dịch phát triển và lây lan trong các đơn vị, Phòng Quân y Hải quân lưu ý các cơ quan, đơn vị một số trọng tâm trong công tác phòng chống dịch năm 2019 như sau:

1. Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch

- Chủ nhiệm quân y các đơn vị cần cập nhật, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; rà soát, bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, sẵn sàng chống dịch.

- Quân y các cấp tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy cấp mình triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho bộ đội, trọng tâm là dịch bệnh gây tử vong nhanh như nhiễm khuẩn não mô cầu hoặc lây lan nhanh như quai bị, nhiễm vi rút đường hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, sốt xuất huyết…

2. Công tác tuyên truyền

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học, có kiến thức phòng, chống một số bệnh hay xảy ra tại đơn vị.

- Thực hiện các biện pháp phòng dịch không đặc hiệu bằng vệ sinh cá nhân như: Vệ sinh răng miệng (súc họng bằng nước muối 0,9% 2 lần /ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ), nhỏ mũi buổi tối bằng nước muối 0,9% hoặc dung dịch kháng sinh; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng 1 tuần/lần; giữ ấm cơ thể, tránh gió lùa, nhất là khi gác đêm; ban ngày cần mở cửa thông thoáng nhà ở của bộ đội.

3. Các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh trọng tâm

3.1. Đối với dịch bệnh lây tuyền theo đường hô hấp

- Phòng, chống dịch nhiễm não mô cầu: Thực hiện nghiêm túc “Hướng dẫn phòng, chống dịch nhiễm khuẩn não mô cầu năm 2018” số 539/HD-QY ngày 26-3-2018. Tất cả các trường hợp có sốt phải được theo dõi chặt chẽ nhiệt độ ít nhất 3-4 giờ/lần cho đến khi hết sốt. Những trường hợp sốt ≥38oC phải chuyển về Bệnh xá (không được để điều trị tại tuyến đại đội, tiểu đoàn). Những trường hợp nghi ngờ nhiễm não mô cầu hoặc tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc diễn biến nhanh mặc dù chưa được chẩn đoán, cần sớm sử dụng kháng sinh phổ rộng đường tiêm tốt nhất là Cephalosporin thế hệ III (Cefotaxim 2g/lần) và phải chuyển ngay, chuyển vượt tuyến về bệnh viện cao nhất, gần nhất.

- Phòng chống cúm, nhiễm vi rút đường hô hấp, sốt phát ban, thủy đậu, quai bị…: Phải bảo đảm nơi ăn, ngủ thông thoáng, phơi nắng toàn bộ quần áo, chăn, màn, chiếu mỗi tuần 1 lần (buổi trưa nắng). Khi có bệnh nhân mắc bệnh lây truyền theo đường hô hấp, có nguy cơ thành dịch, tổ chức phun khử trùng không khí trong nhà (phòng ngủ, nơi hội họp) bằng dung dịch Chloramin B nồng độ 2,5% Chlo hoạt tính (phun khí dung ULV-Ultra-Low-Volume; bằng máy Fontan, zicler 45, lưu tốc tối đa, liều phun 0,2 lít/100 m3 tương đương với phòng 30 m2), kết hợp phun khử trùng bề mặt bằng Chloramin B. Hạn chế hội họp, không tập trung đông người nếu không cần thiết. Thực hiện cách ly bệnh nhân một cách triệt để và sử dụng khẩu trang để tránh lây nhiễm.

3.2 Đối với dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa và dịch tả lợn Châu Phi

- Biện pháp hàng đầu là phải “Ăn chín-Uống chín”, bảo đảm cung cấp đủ nước uống sạch và thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc cho bộ đội.

- Phối hợp cùng cơ quan Quân nhu, thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, khu vực chế biến, giết mổ tập trung của đơn vị. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra 3 bước và lưu nghiệm mẫu thức ăn hàng ngày đúng quy định. Nghiêm cấm các đơn vị và cá nhân ăn các món ăn từ thịt không nấu chín (tiết canh, món tái, nem chạo, nem chua). Không được sử dụng thực phẩm đã bị ôi thiu, thịt gia súc, gia cầm ốm chết. Thu dọn xử lý rác thải hàng ngày và thường xuyên diệt ruồi. Chú ý kiểm soát nguồn rượu tại các cuộc liên hoan, tránh để ngộ độc Methanol, Aldehyd.

- Cán bộ, chiến sỹ, nhân viên nấu ăn phải được học kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm và định kỳ kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần theo quy định.

- Với bệnh tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút ASFV gây ra. Bệnh không lây sang người. Tuy nhiên cần tiêu hủy theo quy định khi phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi ở đơn vị.

3.3 Đối với dịch bệnh lây truyền do muỗi đốt

- Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), bệnh do vi rút Zika: Biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy là hàng đầu. Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ các ổ nước đọng trong doanh trại, phát quang xung quanh nhà, thả cá ăn bọ gậy ở bể chứa nước, ao hồ. Khi có dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Thực hiện tốt các biện pháp cá nhân chống muỗi đốt (ngủ màn, mặc quần áo dài, kem xoa…). Thực hiện chẩn đoán, điều trị theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16-2-2011 về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue” và Quyết định số 439/QĐ-BYT ngày 5-2-2016 về “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika” của Bộ Y tế.

3.4 Phòng chống say nóng, say nắng (SNSN)

- Ngay từ những đợt nắng nóng đầu mùa hè, quân y đơn vị phải tham mưu cho chỉ huy các cấp bố trí hợp lý về vị trí, thời gian huấn luyện, nghỉ ngơi; phải cung cấp đủ nước uống cho bộ đội tại nhà ở và thao trường. Hướng dẫn cho bộ đội nhận biết các biểu hiện của SNSN, cách dự phòng, cứu chữa. Chuẩn bị đầy đủ trang bị, thuốc cấp cứu, thành thục kỹ thuật cấp cứu SNSN. Phải xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác phòng chống SNSN cho bộ đội trong các tình huống huấn luyện khi thời tiết diễn biến cực đoan, nhiệt độ lên tới 39-400C và trong các đợt huấn luyện cường độ cao kéo dài.

4. Công tác giám sát dịch bệnh và báo cáo

- Quân y các đơn vị giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch, nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống và báo cáo ngay cơ quan quân y cấp trên, Phòng Quân y để nhận sự tư vấn, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời.

Dương Văn Thiện

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn