Một số nội dung mới về hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

HQ Online -

Quy trình mới về giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) giúp quản lý chặt chẽ hơn việc chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của pháp luật đồng thời hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính bằng việc bãi bỏ một số thủ tục hoặc sửa đổi, bổ sung mẫu biểu, tạo thuận lợi hơn cho đối tượng thụ hưởng.

Ngày 31-1-2019, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký Quyết định số 166/QĐ-BHXH ban hành Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN (sau đây gọi là Quyết định số 166/QĐ-BHXH) có hiệu lực từ ngày 1-5-2019 để thay thế các quyết định của BHXH Việt Nam trước đây trong lĩnh vực này gồm: Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22-4-2016, Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27-5-2016, Quyết định số 1515/QĐ-BHXH ngày 17-10-2016; bãi bỏ Công văn số 3647/BHXH-CSXH ngày 21-9-2016, Công văn số 4644/BHXH-CSXH ngày 18-11-2016.

Quy trình mới về giải quyết hưởng các chế độ BHXH đưa ra giúp quản lý chặt chẽ hơn việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật đồng thời hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính bằng việc bãi bỏ một số thành phần hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung một số mẫu biểu để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản và dễ dàng hơn cho đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH, BHTN.

Sau đây là một số nội dung mới về hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHXH:

1. Hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe

a) Về hồ sơ

Bổ sung một số thành phần hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế gồm:

- Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú để thay giấy chứng nhận nghỉ việc trong trường hợp điều trị ngoại trú.

- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm một trong các giấy tờ sau:

+ Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp phải giám định y khoa (GĐYK): Biên bản GĐYK; hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK trong trường hợp thanh toán phí GĐYK.

b) Biểu mẫu

- Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản được điều chỉnh lại để giảm tối đa các chỉ tiêu kê khai:

+ Thiết kế một mẫu chung cho cả giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử kèm hồ sơ giấy và giao dịch điện tử không kèm hồ sơ giấy; đổi tên mẫu C70a-HD trước đây thành mẫu 01B-HSB (do mẫu này không được coi là chứng từ kế toán).

+ Bỏ cột điều kiện hưởng về tình trạng để chuyển thành tiêu thức hàng ngang cho đơn vị chỉ lựa chọn theo tiêu thức và nhập thông tin; các nội dung không phát sinh thì sẽ không hiển thị trên danh sách.

+ Bỏ kê khai cột điều kiện hưởng về thời điểm đối với trường hợp giao dịch điện tử kèm hồ sơ giấy (cơ quan BHXH sẽ phải tự nhập); trường hợp giao dịch điện tử không kèm hồ sơ giấy thì nhập thông tin vào cột này để làm căn cứ giải quyết và đổi tên cột này thành “Tiêu chí xác định điều kiện, mức hưởng”. Đơn vị không phải lập thêm mẫu trung gian như trước đây. Như vậy, nếu địa phương nào có nhiều doanh nghiệp không giao dịch điện tử, không kèm hồ sơ giấy thì cán bộ chế độ sẽ phải nhập nhiều tiêu thức thay cho đơn vị.

+ Ký xác nhận trên danh sách chỉ còn duy nhất là đơn vị (bỏ xác nhận của người lập biểu và công đoàn cơ sở).

+ Bổ sung mẫu quyết định thu hồi tiền của cơ quan BHXH trong trường hợp phát hiện được sai sót phải thu hồi tiền để đảm bảo căn cứ trong hạch toán, quyết toán.

2. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)  

- Bỏ thành phần hồ sơ là sổ BHXH đối với trường hợp đang làm việc bị TNLĐ, BNN vì đối tượng này cơ quan BHXH đang quản lý thu và có đầy đủ dữ liệu.

- Bổ sung hồ sơ hưởng chế độ BNN đối với người đã thôi không còn làm trong môi trường có yếu tố gây BNN nhưng bị phát hiện mắc BNN trong thời gian đảm bảo của BNN (theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20-9-2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc).

- Bổ sung hồ sơ đối với trường hợp TNLĐ, BNN tái phát, tổng hợp mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ (theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH).

- Bổ sung hồ sơ chi tiền trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt đối với người đang hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN từ trước ngày 1-1-2007. Vì các đối tượng này vẫn được trang cấp theo quy định chuyển tiếp và theo quy trình riêng nhưng trước đây BHXH Việt Nam chưa có hướng dẫn nên địa phương áp dụng chưa thống nhất.

- Bổ sung hồ sơ làm căn cứ chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN (theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH).

- Đơn giản hóa mẫu văn bản đề nghị của đơn vị và người lao động (05A-HSB) theo hướng giảm các chi tiêu kê khai và đánh dấu vào các ô để lựa chọn.

3. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ hưu trí

Đối với các trường hợp trước đó đã có Biên bản giám định GĐYK đủ điều kiện hưởng chế độ thì cũng cho phép sử dụng biên bản này để làm căn cứ giải quyết mà không yêu cầu phải đi giám định thêm.

4. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tử tuất

- Gộp biên bản cử thân nhân đại diện trợ cấp tuất một lần, biên bản họp giữa các thân nhân vào Tờ khai của thân nhân để giảm thành phần hồ sơ. Người khai phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai.

- Đối với trường hợp chết do TNLĐ: Quy định thành phần hồ sơ vẫn có biên bản điều tra TNLĐ (Khoản 1, Điều 111, Luật BHXH quy định phải có biên bản điều tra TNLĐ và trong trường hợp chết do tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm Biên bản khám nghiệm hiện trường và Sơ đồ hiện trường theo quy định tại Điều 104, Luật BHXH).

5. Bổ sung thành phần hồ sơ

Là hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK trong trường hợp thuộc diện được thanh toán phí GĐYK khi hưởng các chế độ BHXH.

6. Hồ sơ di chuyển hưởng

Bỏ thành phần hồ sơ là hộ khẩu hoặc xác nhận của chính quyền địa phương trên đơn về việc có hộ khẩu thường trú trong thủ tục di chuyển hưởng đối với người chuyển hưởng từ nơi có phụ cấp khu vực đến nơi có phụ cấp khu vực.

Quyết định số 166/QĐ-BHXH nhằm thống nhất, quy chuẩn lại các hoạt động nghiệp vụ trong quy trình giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định cũ; phù hợp hơn với tình hình thực tế và sự phát triển, cải cách của ngành BHXH.

Để thực hiện Quyết định số 166/QĐ-BHXH trong Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng văn bản thay thế Thông tư số 181/2016/TT-BQP ngày 4-11-2016 của Bộ Quốc phòng để phù hợp với đặc thù Quân đội, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải quyết các chế độ BHXH, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi thụ hưởng BHXH, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người lao động tham gia BHXH.

Dương Hưng (TH)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn