Một mô hình giáo dục biển, đảo thú vị

Nhân dân góp sức xây dựng mô hình biển, đảo trong khuôn viên trường học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục về biển, đảo để làm giàu thêm tình yêu, niềm tự hào với biển, đảo quê hương-Đó là những gì đã diễn ra ở Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) từ vài năm nay. 

Ngay giữa sân trường, công trình mô hình giáo dục biển, đảo của Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu có diện tích 100 m2 được khởi công xây dựng vào tháng 11-2014 và hoàn thành vào cuối năm 2014. Tổng kinh phí của công trình là 60 triệu đồng. Mô hình như một bức tranh thu nhỏ về biển, đảo Việt Nam với đầy đủ các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của nước ta.

Thầy Đỗ Xuân Thưởng, Hiệu trưởng là người đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình độc đáo này cho biết: Giáo dục tình yêu biển, đảo cho học sinh đã được nhà trường triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, làm thế nào để mỗi giờ học về biển, đảo thực sự có chất lượng, lôi cuốn các em là điều mà nhà trường hết sức trăn trở và chúng tôi đã đưa ra sáng kiến xây dựng mô hình giáo dục này. Vì công trình phục vụ thiết thực cho việc học tập của các cháu học sinh nên toàn bộ chi phí đã được các nhà hảo tâm và phụ huynh ủng hộ.

Đã thành thông lệ, trong các buổi lễ khai giảng đầu năm học mới, sau phần nghi lễ truyền thống ngắn gọn, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu lại mời các đại biểu, phụ huynh và học sinh tham quan mô hình và các hình ảnh về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc được trưng bày tại sân trường.

Một giờ học về biển, đảo ở Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu

Không chỉ dừng lại ở những tiết dạy tích hợp, lồng ghép kiến thức về biển, đảo theo chương trình, giáo viên nhà trường còn xây dựng các chuyên đề, chủ đề riêng về biển, đảo để giảng dạy cho học sinh. Bài học càng trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn học sinh khi được tổ chức theo phương pháp trực quan sinh động, lấy mô hình giáo dục biển, đảo làm công cụ học tập để học sinh tự khám phá.

Cô Nguyễn Thị Kim Đính, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 5 tâm sự: Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ và hiện đại như hiện nay đã giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc xây dựng bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học. Nội dung giáo dục về biển, đảo đã được triển khai thực hiện từ vài năm nay, tuy nhiên, làm thế nào để bài học thu hút học sinh mới là cái đích mà chúng tôi hướng tới.

Theo kinh nghiệm tổ chức bài giảng của cô Đính, ngoài việc giáo viên phải xây dựng được những chủ đề hay, kết hợp linh hoạt các phương tiện truyền giảng trong quá trình giảng bài còn phải biết khơi dậy tinh thần tự học, tự khám phá của học sinh để các em tự chiếm lĩnh kiến thức. Chẳng hạn, khi dạy về các đảo, quần đảo và vùng biển đảo của Việt Nam, học sinh sẽ được phân vai làm hướng dẫn viên du lịch của 3 vùng Bắc, Trung, Nam để giới thiệu. Hay như việc giúp các em nắm những đặc sản của các vùng biển, đảo để từ đó biết đến điều kiện tự nhiên, văn hóa-xã hội ở vùng đó…

“Đáp lại những công sức cũng như chi phí bỏ ra đầu tư xây dựng mô hình, hoạt động giáo dục cho học sinh về chủ quyền, tình yêu biển đảo thật sự mang lại những kết quả hết sức tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong ngành giáo dục và đào tạo của địa phương. Công trình không chỉ cụ thể hóa niềm tự hào về tình yêu biển, đảo của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường mà còn là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục sôi động, hấp dẫn của giáo viên, học sinh trên địa bàn mỗi khi đến tham quan học tập” - ông Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đại Lộc khẳng định.

Phúc Vinh-Khải Mi

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn