Lữ đoàn 679: Lan tỏa văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ
HQVN -
Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần đối với mỗi người. Thời gian qua, Lữ đoàn 679 luôn duy trì và phát huy hiệu quả phong trào đọc sách và tạo thói quen đọc sách, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, kiến thức và trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ.
Có dịp ở lại Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân sau giờ làm việc, chúng tôi mới thấy được niềm đam mê đọc sách báo của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Lúc này, thư viện của Lữ đoàn tấp nập người ra vào để đọc sách, nghiên cứu tài liệu phục vụ công tác chuyên môn. Quanh khuôn viên khu nhà ở của bộ đội, bên cạnh các hoạt động thể dục thể thao, dưới những gốc cây tỏa bóng mát, ghế đá nào cũng có người ngồi chăm chú, nghiền ngẫm một cuốn sách hoặc tờ báo.
Cán bộ, nhân viên Lữ đoàn 679 đọc báo trong lúc nghỉ giải lao giữa giờ huấn luyện
Thượng tá Phạm Văn Chung, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn cho biết: “Do đặc điểm là đơn vị huấn luyện, SSCĐ, thời gian trước, việc bảo đảm sách cho bộ đội còn gặp khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp trên, Lữ đoàn đã đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất hệ thống thư viện, phòng Hồ Chí Minh đáp ứng tốt nhu cầu đọc, học tập của cán bộ, chiến sĩ”.
Thư viện của Lữ đoàn hiện có khoảng 2.200 đầu sách với hơn 3 nghìn bản sách. Lượng sách luân chuyển giữa 4 phòng Hồ Chí Minh của các đội, trạm là gần 900 cuốn. Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Dịu, Nhân viên thư viện chia sẻ: “Phòng đọc của đơn vị mở cửa vào buổi chiều các ngày trong tuần. Hầu hết anh em đến phòng đọc tập trung nhiều vào giờ nghỉ và ngày nghỉ. Chủ yếu là anh em đăng ký mượn sách, báo về tranh thủ lúc rảnh rỗi đọc, nghiên cứu. Tính trung bình lượt mượn ở thư viện hàng tháng cũng phải lên tới gần 200 lượt”.
Ngoài những đầu sách phục vụ công tác kỹ thuật, huấn luyện, thư viện, phòng Hồ Chí Minh của đơn vị còn có những loại sách liên quan đến lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế và pháp luật. Sách, báo cũng được cấp phát thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị để bảo đảm việc tìm hiểu tri thức và nắm tình hình thế giới, trong nước trên tất cả các lĩnh vực. Chị Dịu chia sẻ thêm: “Để cán bộ, chiến sĩ thuận lợi lựa chọn, tìm kiếm được nhanh các loại sách, báo, tôi phải phân loại, sắp xếp các loại sách báo theo đầu mục nội dung bảo đảm dễ tìm, dễ thấy và dễ kiểm tra; làm cho phòng đọc luôn ngăn nắp và tạo hứng khởi cho người đọc”.
Các phòng Hồ Chí Minh cấp đội, trạm chỉ khoảng 40m2 nhưng được trang trí bảng ảnh, khánh tiết rất hài hòa và đúng quy định. Hình ảnh trên bảng ảnh được sắp xếp theo trình tự logic, minh họa cho chủ đề, có tính giáo dục cao. Hàng tuần, Tổ hoạt động phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị đề ra hoạt động cụ thể, đặc biệt là trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn đều có hoạt động mới mẻ, thiết thực: Thi tìm hiểu sự kiện và nhân vật lịch sử, trưng bày giá sách mới, hưởng ứng Ngày hội đọc sách, phổ biến kiến thức pháp luật… Các hoạt động đã lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ tham gia đông đảo, nhờ đó việc đọc sách, báo đã trở thành nhu cầu hàng ngày của bộ đội.
Trò chuyện với chúng tôi, Binh nhất Trần Duy Khánh, Chiến sĩ Trạm Kỹ thuật bày tỏ: “Đọc sách giúp tôi hiểu biết thêm về nhiều lĩnh vực. Giờ tôi đã hiểu, bên cạnh việc học ở ngoài đời, từ người xung quanh, sách còn là người bạn đồng hành không thể thiếu. Tôi thích sách lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về lịch sử Quân đội và Hải quân Nhân dân Việt Nam. Càng đọc, tôi càng ngưỡng mộ thế hệ cha ông, thấy mình cần có trách nhiệm hơn khi khoác lên mình bộ quân phục”.
Để xây dựng thói quen đọc sách, báo cho bộ đội, Lữ đoàn duy trì nghiêm giờ đọc báo hằng ngày để truyền tải kịp thời những thông tin nổi bật đến cán bộ, chiến sĩ. Ngoài triển khai nhiều hoạt động sáng tạo như: Làm clip giới thiệu sách mới; tổ chức tọa đàm sách; triển khai mô hình “Sách ở đầu giường chiến sĩ”, “Sách theo chân bộ đội ra thao trường”, Lữ đoàn 679 còn gắn phong trào đọc sách, báo với mô hình “Mỗi tuần một điều luật” và giao đề tài tự nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật.
Thượng tá Phạm Văn Chung đánh giá: “Chuyên ngành tên lửa đất đối hải mang tính đặc thù cao; đòi hỏi hầu hết các quân nhân trẻ về đơn vị công tác đều phải nỗ lực nghiên cứu, học hỏi rất nhiều mới tiếp cận được. Từ thử thách mà Lữ đoàn đặt ra với mỗi cán bộ trẻ trong giao đề tài tự nghiên cứu đã thúc đẩy mọi người tích cực tìm hiểu, đọc sách, báo. Vì vậy, phong trào đọc sách không chỉ dừng lại ở thư viện mà đến từng nơi bộ đội sinh hoạt, học tập, công tác, thậm chí ngay trên thao trường. Đây chính là mục đích mà chúng tôi hướng tới”.
Nhận xét về phong trào đọc sách trong Lữ đoàn 679, Trung tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Hải quân cho rằng: “Thời gian qua, việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa cũng như hoạt động đọc sách ở Lữ đoàn 679 được triển khai nghiêm túc, sát đối tượng. Những cách làm hay ở Lữ đoàn đã góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách của bộ đội ngày càng lan tỏa...”.
Bài, ảnh: Phúc Vinh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 126 thông tin về tình hình biển, đảo tại Bắc Giang - ( 28-11-24 02:00 )
- Trung đoàn 196 thông tin về biển, đảo tại Đà Lạt - ( 28-11-24 10:00 )
- Tổ chức chương trình “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” tại Vùng 3 - ( 27-11-24 06:00 )
- Hội nghị phối hợp thực hiện chương trình “Xuân Trường Sa” năm 2025 - ( 27-11-24 06:00 )
- Nhà máy X52: Khánh thành và bàn giao nhà đồng đội tại Khánh Hoà - ( 26-11-24 07:00 )