Lão ngư kiên cường bám biển và những vần thơ đầy nghị lực nơi biển khơi

HQ Online -

Sau vụ việc nhiều tàu đánh cá bị tai nạn trên vùng biển Trường Sa (Khánh Hòa), vần thơ của lão ngư dân Lê Văn Đồng dường như càng chất chứa nội tâm sâu xa về cuộc đời ngư dân bám biển. Nhiều dòng thơ từng vang lên trong đầu khi ông ngồi dưới chiếc thúng nhỏ dập dềnh giữa đêm vắng ở vùng biển Trường Sa, lắng nghe tiếng sóng nước xô dào dạt, vội vã chèo chống khi thấy sóng cồn.

Thơ từ lòng hào hiệp

Ông Lê Văn Đồng ở xóm Cù Lao, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Trung hiện nay chỉ còn một số địa phương làm nghề câu mực khơi, đó là xã Bình Chánh - quê hương ông Đồng và 2 xã Tam Quang, Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Nghề câu mực một thời khá phiêu lưu, rải rác khắp các làng biển là những ngôi mộ gió chôn hình nhân đất sét thay cho thi thể ngư dân mất tích.

Lão ngư dân Lê Văn Đồng từ thuở nhỏ đã theo cha đi biển đánh cá chuồn trên những chiếc thuyền buồm. Gió đất thì mở buồm để ra khơi, có gió biển thì giong buồm quay trở về. Những năm tháng bôn ba khắp mặt biển, đã bao lần đối mặt với hiểm nguy, từ trong tâm trí của ông Đồng thường miên man những vần thơ để sau này kể lại cho con cháu: “Đem sức người đọ với thiên nhiên/ Ra biển khơi khai thác một tài nguyên/ Tìm mỏ mực đem về mang xuất khẩu...”.

Những bài thơ động viên ngư dân bám biển được ông Đồng in ra giấy. Ảnh: Văn Chương

Ông Đồng nói vui rằng, những người làm thơ đều có tấm lòng nhân hậu. Đời đi biển được ông nhớ hoài về cơn lốc xoáy từng khiến 71 người đàn ông ở làng chài Cù Lao nằm lại với biển vào tháng 11/1991. Lần đó, bão tố đuổi sau lưng, con thuyền do ông cầm lái chạy hết tốc độ lao về cửa biển Sa Cần. Sức máy 10 mã lực đẩy chiếc thuyền dài 8m giống như con ngựa gầy đang cõng hàng nặng. Khi thấy chiếc thuyền chạy sau bị chìm, ông quyết định làm một việc sinh tử là quay trở mũi thuyền và vớt được 2 người. Lúc gió bão mà trở đầu thuyền là coi như "9 chết 1 sống".

Tưởng mọi chuyện trót lọt, nhưng con thuyền do ông cầm lái chòng chành trước sóng dữ, sóng phủ tràn qua mũi thuyền vài lần và mọi người thốt lên: “Xong rồi, thôi rồi, anh Đồng ơi!”. Ông Đồng lạnh toát người vì nghĩ không chỉ riêng mình bỏ mạng, mà toàn là người thân: 3 cha con ông Đồng, 1 người con rể, 2 cha con của người em ruột. Người thân trong gia đình đều tin tưởng vào tay lái của ông Đồng nên đều lên thuyền và theo ông bao lâu nay.

Mấy ngư dân bám trên cọc buồm bằng tre trôi nổi và có 2 người bị sóng cuốn trôi. Sau ngày sống sót trở về, một người thiếu phụ ở làng bên dắt con sang nhà ông nói lời cảm ơn. Chị nói ông đã không cứu sống được người chồng tên là Phúc, nhưng cảm tạ vì ông là người có tấm lòng, quên thân mình để đi cứu người, dám làm việc đó chỉ là những người có tấm lòng hào hiệp, bao dung.

Làm thơ trong đêm bám biển

Từ năm 14 tuổi đã theo cha đi biển, ban đầu là nghề cá chuồn, ông Đồng đã thấm mùi gian khổ của nghề biển và ông thi vị hóa thành những bài thơ, điệu hò trong ngày giỗ thần Nam Hải đại tướng quân của làng chài. Con cá chuồn đã đi vào thơ ca, hò vè của người dân chài ở dải đất miền Trung từ bao đời nay như: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Trước đây, khi đá lạnh chưa phổ biến thì chỉ có cá chuồn là loại có thể muối mặn, sau đó vận chuyển từ miền biển lên miền núi, sau nhiều ngày vẫn giữ được độ tươi.

Nghề đánh cá chuồn nguy hiểm là vậy, nhưng ông Đồng vẫn làm bài thơ đầy thong thả để động viên các ngư dân về một kế sinh nhai tươi đẹp: “Mặt trời lên chiếu ánh hào quang/ Vung tay thả lưới dịu dàng/ Cá chuồn tung cánh đan bay xòe xòe...”. Tôi từng dự đại lễ giỗ thần Nam Hải đại tướng quân của làng chài Cù Lao Mỹ Tân, Bình Chánh, cả đoàn binh đứng cúng tế hô to: “Anh em ơi, đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Tiếng hô như lời động viên, lấy tinh thần cho ngư dân bắt đầu một mùa biển mới 3 tháng ra quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), 9 tháng ở quần đảo Trường Sa. Và người viết bài hò bám biển trong buổi lễ là ông Lê Văn Đồng.

Ông Đồng tâm sự, không thể nhớ hết bao nhiêu dòng thơ đã từng miên man tuôn chảy trong những đêm ra Trường Sa, Hoàng Sa câu mực. Dòng thơ đó kể về thân phận ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, vừa mưu sinh, vừa đi gìn giữ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Năm 1998, ông và các ngư dân đi trên con tàu dài chừng 15m và ra đảo Tri Tôn, sau đó rướn tới đảo Đá Bông Bay nằm ở mạn Đông của quần đảo Hoàng Sa.

Thúng máy kéo thúng câu mực ra tàu để đi biển. Ảnh: Văn Chương

Thời đó, con tàu chỉ chở được 1.000 lít nước ngọt, trong khi bạn chài là 25 người. Các ngư dân hằng ngày tắm bằng nước mặn nên da đen láng bóng, tóc vàng hoe; rau xanh luôn là nỗi thèm khát trong những chuyến đi biển dài ngày. Nước ngọt chỉ để sử dụng uống và nấu ăn, cho đến khi con tàu trở về đất liền và núi hiện ra mờ mờ phía đường chân trời thì ngư dân mới nhảy ra sau ghe múc nước ngọt dội lên đầu giải cơn thèm tắm.

Sau này, khi ngư dân phát triển được tàu hiện đại hơn, trên các tàu được lắp đặt máy Icom liên lạc đường xa. Đêm dài, khi thuyền trưởng thả các ngư dân xuống thúng bơi lang thang khắp nơi để câu mực, ông thuyền trưởng phải luôn tỉnh táo, thức trắng đêm để canh chừng “bầy con”. Lúc đó, các thuyền trưởng lại nối máy nói chuyện với nhau và đọc những bài thơ do ông Đồng sáng tác, ví dụ như bài thơ về nghề câu: “Giữa trùng dương bao la biển cả/ Đẹp làm sao, thong thả làm sao/ Ngày về thỏa mộng ước ao/ Chở đầy thuyền cá đi vào thong dong”.

Thời hoàng kim của nghề mực

Câu mực khơi là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên đại dương. Nhưng theo thời gian, các ngư dân cải tạo, nâng cấp phương tiện, vì vậy, các vụ tai nạn dần dần giảm đi. Thời trước, ngư dân xuống thúng đi câu mực và chiếc thúng ban đầu có bán kính chỉ gần 3m. Hiện nay, bán kính của thúng được tăng lên gấp đôi và mỗi chiếc thúng nặng khoảng hơn 200kg, vì vậy, các vụ gió xoáy gây lật úp thúng không còn xảy ra nhiều. Tuy nhiên, tàu câu mực thường đội một giàn khơi mực khá lớn trên nóc tàu, mỗi khi gặp dông gió, nhất là vòi rồng thì con tàu lập tức trở nên yếu ớt và dễ lật úp trước cuồng phong không thể báo trước của thiên nhiên.

Có nhiều vụ tai nạn xảy ra liên tiếp, một số ngư dân lo ngại nói về tương lai của nghề câu mực liệu có tồn tại? Ngư dân ở thành phố Đà Nẵng từng bỏ hẳn nghề nguy hiểm này. Nhưng rồi ngư dân làng chài chuyên nghề câu mực của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn kiên cường ra khơi. Những vần thơ của lão ngư dân Lê Văn Đồng cũng vơi bớt băn khoăn khi thu nhập của bạn chài hiện nay có khi được 60-120 triệu đồng/phiên câu mực kéo dài 2,5 đến 3 tháng.

Nhìn ngư dân câu mực dập dìu từ biển khơi trở về đất liền, nhìn cuộc sống ở làng chài ngày một đi lên, lão ngư dân Lê Văn Đồng chia sẻ niềm vui bằng những câu thơ: “Con mực sống ở biển khơi/ Mực về trang điểm cho nơi quê mình... Từng nhà ngói mới mọc lên/ Tàu to máy lớn sắm thêm cũng nhiều”.

Lê Văn Chương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn