Lão ngư 40 năm can trường bám biển Hoàng Sa

HQ Online -

Đã có lúc “tay trắng” vì biển cả nhưng chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Đình Bê (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vẫn không từ bỏ khát vọng bám biển, vươn khơi. Không chỉ làm ăn kinh tế giỏi, ông Bê luôn đồng hành cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo và là tấm gương cho các ngư dân trẻ tuổi noi theo.

Ông Nguyễn Đình Bê

Khát vọng Hoàng Sa

Ít ai có thể nghĩ rằng, người sở hữu cơ ngơi đội tàu gồm 3 tàu đánh bắt xa bờ ĐNa 91279 TS, ĐNa 90979 TS và ĐNa 90989 TS như ông Nguyễn Đình Bê lại có xuất phát điểm là một đầu bếp trên tàu cá. Năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Đình Bê từ huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) theo anh em trong làng ra thành phố Đà Nẵng để xin đi bạn trên các tàu vươn khơi với công việc đầu bếp.

Sau một thời gian, chủ tàu thấy Bê nhanh nhẹn, khỏe mạnh nên “thăng chức” làm thuyền viên. Ông Bê không nhớ mình đã bao lần đổi tàu đi bạn, chỉ biết rằng, càng ra biển lớn, khát vọng được như bạn bè, là tự mình làm chủ con tàu đi tìm những luồng cá lại càng lớn thêm. Tích góp được chút vốn, ông cùng mấy người anh em bà con đóng tàu riêng. Liên tiếp những chuyến biển thắng lợi, ông Bê mạnh dạn ra làm riêng và đã trở thành chủ con tàu đầu tiên khi ở tuổi 30.

Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 15 năm, ông Bê cho biết, đó là lúc đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa cực thịnh, cứ ra khơi là cá đầy khoang. Nhờ thế mà khi ở tuổi 40, ông Bê sở hữu đến 4 con tàu. Nhưng vì tàu cỡ nhỏ, không thể bám ngư trường dài ngày, ông Bê quyết định hiện đại hóa đội tàu của mình bằng cách tinh gọn số lượng tàu và đầu tư về công suất máy cũng như hầm bảo quản, trang bị máy dò cá. Thế nhưng, việc làm ăn trên biển không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tháng 9/2019, ông Nguyễn Đình Bê bị mất tàu ở bãi đá của đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Kể lại câu chuyện bị mất tàu cá do mắc cạn, ông Bê vừa tiếc nuối, vừa pha lẫn những ấm ức. Ấy là ngày 26/9/2019, tàu cá ĐNa 90929 TS bất ngờ va vào đá ngầm rồi mắc cạn trên bãi đá gần đảo Bạch Quy. Sóng biển quá lớn, con tàu cứ thế bị đánh dạt sâu vào bãi đá. Lúc ấy, tàu cũng sắp chìm vì nước tràn vào khoang. Những tàu cá đánh bắt ở gần thấy vậy đã kịp thời ứng cứu 8 thuyền viên. Riêng ông Bê bám trụ lại tàu vì với ông, con tàu không chỉ là nhà, mà còn là đứa con đã 9 năm gắn bó, là gia sản trị giá đến hơn 3 tỉ đồng. Thế nhưng, dù rất nỗ lực, cố gắng, cuối cùng, ông Bê cũng đành phải bỏ tàu.

Thất thểu trở về đất liền sau 10 ngày bám trụ ở Hoàng Sa cứu tàu, ông Bê tưởng mình không thể đứng dậy được. Gần 40 năm đi biển, chưa khi nào ông phải đối diện với cú sốc mất đi số tài sản lớn như thế. Nhưng nghĩ còn tính mạng là còn tất cả, vả lại, vài tuần không đi biển lại quay quắt nhớ Hoàng Sa, ông Bê quyết tâm đóng mới con tàu khác. Năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng, ông Bê vay mượn họ hàng để đóng con tàu ĐNa 91279 TS to hơn, hiện đại hơn. Mất mát từ biển cả càng khiến ông Bê trở nên kiên cường hơn. “Tôi vẫn còn 2 tàu nữa, vẫn đủ sức để nuôi con tàu mới vươn ra ngư trường Hoàng Sa. Tôi có thể mất tàu, nhưng ý chí thì không bao giờ mất!” - ông Bê khẳng định chắc nịch.

Tin vào thế hệ trẻ

Năm 2020, ông Nguyễn Đình Bê được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Ai cũng thấy xứng đáng, bởi ông là ngư dân tiêu biểu về bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa.

Đại úy Nguyễn Hữu Hưng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, ông Bê đã nhiều lần cung cấp cho đơn vị nhiều thông tin giá trị trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền để đánh bắt hải sản trái phép. Những ngư dân như ông Nguyễn Đình Bê thật đáng quý”.

Con tàu ĐNa 91279 TS của gia đình ông Nguyễn Đình Bê

Hai chiếc tàu ĐNa 90979 TS và ĐNa 90989 TS ông Bê giao cho 2 người cháu là Nguyễn Đình Tiên và Nguyễn Đăng Thức làm thuyền trưởng. Đội tàu của 3 chú cháu luôn hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa để vừa đánh bắt, vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo. Giống như ông Bê, 2 người cháu cũng có niềm say mê đi biển. Mỗi lần ra khơi, đội tàu của ông Bê lại sát cánh, kịp thời hỗ trợ nhau trong những tình huống bất trắc.

Ông Bê rất vui, tự hào khi thấy 2 người cháu khởi nghiệp là thuyền viên nhanh nhẹn, tháo vát, giờ đã trở thành những thuyền trưởng gan dạ, vì thế, ông rất yên tâm khi giao tàu cho họ. Với kinh nghiệm của người nhiều năm đi biển, ông đã truyền lại những bài học cho các cháu của mình. Làm nghề lưới vây ở Hoàng Sa, nếu non kinh nghiệm thì khó thắng lợi.

Hằng ngày, tàu phải di chuyển để tìm những gốc cây trôi dạt trên biển. Đó là nơi cá bé bơi theo, cá lớn sẽ đến để nuốt cá bé, nên nếu bắt kịp thì tàu sẽ trúng lớn. Ngư dân giỏi là phải biết khu vực nào ở Hoàng Sa dồi dào cá. Qua những chuyến đi biển, ông Bê càng tin vào 2 người cháu của mình. “Chúng không chỉ giỏi đi biển mà còn gan dạ, có kỹ năng ứng biến khi đối diện với bất trắc ngoài khơi” - ông Bê nói.

Giờ đây, mỗi lần đi ngang qua đảo Bạch Quy, ông Bê vẫn đau đáu nhìn về bãi đá, nơi mà con tàu ĐNa 90929 TS đã mãi nằm lại với biển khơi, để tự nhắc mình cũng như các thuyền viên về quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống này. Ông Bê tin rằng, thế hệ ngư dân kế cận sẽ tiếp tục viết tiếp những câu chuyện can trường, bản lĩnh trên ngư trường Hoàng Sa.

Bài, ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn