Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva (21/7/1954 - 21/7/2024): Nỗ lực đấu tranh thi hành Hiệp định Geneva

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết ngày 21/7/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng, nghiêm chỉnh thực thi những điều khoản đã được ký kết; ngược lại, đế quốc Mỹ với sự câu kết của thực dân Pháp đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định Geneva, thực hiện âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới - “tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam châu Á. Cuộc đấu tranh buộc đối phương phải thi hành hiệp định trở nên khó khăn, gian khổ và gặp nhiều trở ngại để thực hiện mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước.

Với âm mưu can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Việt Nam, ngay từ năm 1950, đế quốc Mỹ đã viện trợ cho Pháp để mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh. Đặc biệt, khi quân Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, Mỹ đã thể hiện rõ mưu đồ thay thế quân Pháp ở Việt Nam. Do đó, trong Hội nghị Geneva, để tránh khỏi bị ràng buộc bởi pháp lý quốc tế, Mỹ đã không tham gia Tuyên bố cuối cùng đồng thời, tiến hành nhiều biện pháp cả về chính trị và quân sự để dần thay thế quân Pháp ở Việt Nam.

Biểu hiện rõ nhất là ngày 17/8/1954, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã ra lệnh viện trợ trực tiếp cho các chính quyền thân phương Tây ở Đông Dương không qua Pháp. Tiếp đó, ngày 8/9/1954, Mỹ thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á và trực tiếp đặt miền Nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia vào khu vực bảo hộ của hiệp ước.

Trong khi đó, được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã cự tuyệt thi hành Hiệp định Geneva đồng thời tuyên bố “việc tổng tuyển cử là không thể thực hiện được” và bác bỏ tổ chức hội nghị hiệp thương hai miền theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm thực hiện âm mưu chia cắt đất nước lâu dài.

Nỗ lực đấu tranh thi hành Hiệp định Geneva

Nhân dân Thái Nguyên tổ chức mít tinh chào mừng Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh tư liệu

Trước những âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Geneva, ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị về tình hình mới và nhiệm vụ công tác mới của miền Nam, nêu rõ: "Đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng hiệp định (đòi thả hết tù binh, tù chính trị và thường dân bị bắt); chống tuyển mộ thêm ngụy binh; chống đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến; chống phá hoại cơ sở của ta...”.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng kêu gọi toàn thể lực lượng kháng chiến nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của hiệp định và nỗ lực đấu tranh bằng nhiều biện pháp trên các mặt trận.

Chấp hành các chủ trương của Đảng, Chính phủ và nghiêm chỉnh thực thi hiệp định, các lực lượng vũ trang của Việt Nam rút quân khỏi miền Nam về tập kết tại miền Bắc đồng thời, tiếp nhận lực lượng cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam chuyển quân ra có sự giám sát của Ủy ban quốc tế. Việc thả tù binh và trao trả các tù nhân dân sự cũng được thực hiện theo đúng cam kết của hiệp định. Tại miền Bắc, thời hạn trao trả kéo dài thêm 8 ngày, ở Nam Bộ rút ngắn thời hạn 7 ngày. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình, ta biết được phía Pháp vẫn giam giữ một số đồng chí; ta tiếp tục đấu tranh đòi trao trả và đưa ra Ủy ban quốc tế yêu cầu cử một tổ điều tra quốc tế với sự có mặt của sĩ quan liên lạc hai bên.

Cùng với đó, để buộc địch phải thi hành các điều khoản của hiệp định, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực, kiên trì đấu tranh trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao đến các hoạt động đấu tranh chính trị. Ngay sau khi hiệp định được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị”.

Người nhấn mạnh “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí...", "...phải ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặng thống nhất nước nhà”.

Tiếp đến, ngày 19/7/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã chính thức gửi công hàm đề xuất mở hội nghị hiệp thương từ ngày 20/7/1955 để thảo luận về tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm từ chối.

Mặc dù vậy, với quyết tâm thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao hòa bình. Ngày 17/8/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa gửi công hàm tới các đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva là Anh và Liên Xô, yêu cầu thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm Hiệp định Geneva được tôn trọng và giải quyết vấn đề chính trị thông qua đàm phán giữa hai miền Nam-Bắc, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước.

Ngày 8-5-1956, hai đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva đã gửi thư kêu gọi Chính phủ hai miền Việt Nam thực hiện những điều khoản quân sự và chính trị của hiệp định. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm không thực thi lời kêu gọi đó cũng như tiếp tục từ chối tất cả đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về việc tổ chức tổng tuyển cử.

Trước tình hình đó, để kêu gọi và vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ và có biện pháp nhằm thực thi Hiệp định Geneva, ngày 13/7/1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng một lần nữa gửi công hàm tới các đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva, yêu cầu có biện pháp tổ chức hội nghị hiệp thương giữa hai miền để bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử.

Thậm chí, đến lúc hết thời hạn hai năm để tổng tuyển cử theo hiệp định (21/7/1956), dù không có bất kỳ tiến triển nào, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn tiếp tục nỗ lực, kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao hòa bình, liên tục gửi các công hàm đến chính quyền Ngô Đình Diệm, đề nghị hai miền gặp nhau để bàn bạc, nhanh chóng đi đến thống nhất đất nước.

Nhưng cuối cùng, tất cả đề nghị đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm từ chối. Đặc biệt, trong những năm 1958-1959, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng lộ rõ âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài, tiến hành đàn áp phong trào yêu nước bằng nhiều biện pháp dã man, gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho cách mạng Việt Nam.

Nhận thức rõ con đường đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Geneva đã không còn, tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 được tổ chức và đi đến xác định: Miền Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Chính quyền Ngô Ðình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, chế độ thực dân và nửa phong kiến ở miền Nam là một chế độ phản động, tàn bạo và đen tối; từ đó chủ trương: Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân.

Như vậy, sau nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nhân dân Việt Nam đấu tranh để Hiệp định Geneva được thi hành nhưng đã không được đáp ứng do âm mưu của Mỹ-Diệm muốn chia cắt lâu dài nước ta. Không còn con đường nào khác, dân tộc Việt Nam đã giương cao ngọn cờ độc lập, tiến hành đấu tranh vũ trang cách mạng bền bỉ cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

PV (TH)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn