Kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2023):
Người thực hiện xuất sắc tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” được lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ từ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đó là sự phát triển quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề con người, là sự phát huy truyền thống của dân tộc. Để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, vấn đề đầu tiên và trước hết phải từ con người. Do đó, yếu tố chính trị phải đặt lên hàng đầu, mục tiêu chính trị là trên hết. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện xuất sắc khi được giao nhiệm vụ xây dựng, chỉ huy Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Thứ nhất, đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về đẩy nhanh việc tổ chức đội quân chủ lực đầu tiên với phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”.
Sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người lựa chọn địa điểm thuộc xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm căn cứ để cùng với cơ quan Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng. Đầu tháng 10/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình phong trào cách mạng ở vùng Cao-Bắc-Lạng và cả nước.
Sau khi nhận định, đánh giá tình hình, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Phải thành lập đội vũ trang, lựa chọn các đội viên là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc vào đội. Phải cân nhắc từng người một, các cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Phải lựa chọn những người đã trải qua chiến đấu, ít nhiều biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự, phải có đủ thành phần dân tộc, người địa phương nào cũng có, nhằm phục vụ cho hoạt động được thuận lợi. Thời gian thành lập chậm nhất là vào hạ tuần tháng 12-1944 và khi thành lập phải có những lời thề danh dự... Thành lập xong, ra quân hành động có tính chất quần chúng; trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Học viện Chính trị nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống Học viện (25/10/1951 - 25/10/1976). Ảnh tư liệu
Thực hiện chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Lê Quảng Ba họp bàn, khẩn trương xây dựng tổ chức biên chế đội vũ trang theo đúng yêu cầu của Người. Về tên gọi của đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng với các đồng chí chủ trì thống nhất lấy tên là “Ðội Việt Nam Giải phóng quân”. Sau khi báo cáo, lãnh tụ Hồ Chí Minh thêm hai từ “tuyên truyền” vào tên đội và duyệt danh sách cán bộ, đội viên của đội. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền” ("Hồ Chí Minh toàn tập", NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.539).
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tuyên bố Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời chỉ có 34 đội viên, với các thành phần dân tộc trên địa bàn, vũ khí thô sơ, thiếu thốn về hậu cần, nhưng sau khi thành lập, Đội đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Sau hai trận này, quân số của Đội tăng lên thành đại đội, mở rộng các cơ sở cách mạng ở các khu vực khác như Hòa An, Nguyên Bình (Cao Bằng), Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn)...
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chia thành nhiều mũi, có mũi tiến xuống phía Nam đánh chiếm Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), có mũi tiến công Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn), lại có mũi ngược lên biên giới Việt-Trung tiêu diệt nhiều đồn trại từ Trùng Khánh đến Bảo Lạc rồi phát triển sang tỉnh Hà Giang...
Tiến đến địa bàn nào thì vừa đánh thắng quân địch, vừa phát triển thêm lực lượng và tuyên truyền xây dựng niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hợp nhất với Cứu quốc quân và một số đơn vị du kích thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đề xuất từ đầu khi gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh là “Việt Nam Giải phóng quân”.
Thứ hai, đồng chí Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực gắn kết giữa vai trò Tổng chỉ huy kiêm Tổng chính ủy và thực hiện phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất, tư cách và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của người chỉ huy, đặc biệt đối với vai trò Tổng chỉ huy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền vào cuối năm 1946. Trong buổi trao sắc phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bác trao hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”. Tại Hội nghị quân sự lần thứ V-năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu cao về phẩm chất, tư cách, nhiệm vụ của người tướng lĩnh với 6 phẩm chất: Trí-dũng-nhân-tín- liêm-trung. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực, thực hiện yêu cầu cao của Bác về những phẩm chất cần có đối với cấp tướng.
Trong hơn 30 năm trên cương vị Tổng chỉ huy của Quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên quán triệt và thực hiện xuất sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi hoạt động của Quân đội là: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”, “người trước, súng sau”, phát triển rộng khắp cả hai lực lượng chính trị, quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân. Kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng trên các địa bàn, cả miền núi, miền xuôi, thành thị, nông thôn để tiến tới tổng khởi nghĩa, điển hình là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Phong trào Đồng khởi ở miền Nam năm 1960; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, làm nên đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh, “biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”, nên khi lựa chọn phương án tác chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quán triệt, thực hiện đánh chắc thắng, không chắc thắng không đánh, giành thắng lợi cao nhất nhưng tổn thất phải thấp nhất. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, hơn 30 năm trực tiếp chỉ huy Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết định quan trọng làm nên chiến thắng của một đội quân khởi đầu với chân đất, áo vải, vũ khí thô sơ trước đối phương hùng mạnh về trang bị, vũ khí hiện đại, được ví là “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”. Ông đã thực hiện xuất sắc quyết định của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chỉ huy Quân đội từ những trận đánh đầu tiên là Phai Khắt, Nà Ngần, đến nhiều chiến dịch lớn mà điển hình là làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng thành công hình thái chiến tranh đặc sắc với tên gọi “Nhân trận-dựa vào dân, phát huy toàn dân đánh giặc, bằng mọi vũ khí, mọi lúc, mọi nơi”, buộc 10 danh tướng của Pháp, Mỹ (trong đó có 7 đại tướng Pháp, 3 đại tướng Mỹ) mắc sai lầm về chiến lược và thua trận. Ông đã chỉ huy Quân đội làm lực lượng nòng cốt để toàn dân đánh thắng hai đế quốc to trong thế kỷ 20, thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng và Bác Hồ đề ra, đó là: Khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chuyển lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị là Bí thư Quân ủy đầu tiên, Tổng chính ủy của các chính ủy, luôn quán triệt, thực hiện phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”. Ông luôn chăm lo xây dựng QĐND Việt Nam thực sự vững mạnh về chính trị, tổ chức, chú trọng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Quân đội. Xây dựng Quân đội cách mạng, là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, của Nhà nước; là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; giữ vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Đại tướng là Bí thư Quân ủy đầu tiên, thể hiện rõ vai trò chỉ đạo, định hướng cho cơ quan Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, cán bộ chính trị các cấp và trực tiếp thực hiện hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; xây dựng các tổ chức, trong đó có tổ chức đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện đoàn kết nội bộ; chăm lo giáo dục chính trị, công tác cán bộ, đặc biệt là học tập Bác Hồ về phát hiện, quý trọng và sử dụng nhân tài. Những lời hiệu triệu, kêu gọi, những mệnh lệnh của Đại tướng đưa ra thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ như hồi trống trận, như tiếng kèn xung phong thôi thúc toàn quân suốt những năm tháng kháng chiến cho đến ngày toàn thắng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ngay từ giai đoạn đầu hình thành Quân đội, Đại tướng đã dạy cho các chiến sĩ về những điều cần làm và những điều cần tránh, về mối quan hệ mật thiết giữa quân với dân, để tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Đại tướng đến với các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào bằng tình cảm của một người thân thiết, tập hợp được sức mạnh toàn quân. Ông là một tấm gương mẫu mực của Tổng Tư lệnh kiêm Tổng chính ủy, người Anh Cả của Quân đội nên có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ song toàn, quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách của vị tướng mà Bác Hồ đã dạy.
Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời cống hiến cho hạnh phúc của nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao cho nhiều trọng trách... Ở bất kỳ cương vị công tác nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên hàng đầu. Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn toát lên sự giản dị của một công dân mang đậm nét văn hóa yêu nước, công dân tiêu biểu qua hai thế kỷ 20 và 21, mãi mãi được vinh danh.
Những năm cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đau đáu một tâm nguyện: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là một nhà hoạt động chính trị, vừa là một vị tướng hàng đầu trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Đại tướng là một nhà cách mạng, nhà chính trị tài ba góp phần xứng đáng làm nên những bước ngoặt lịch sử oai hùng của dân tộc, chiến thắng hai đế quốc to trong thế kỷ 20, giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thời gian càng lùi xa, những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng trở nên vĩ đại hơn. Chúng ta mãi mãi khắc sâu công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của QĐND Việt Nam, đồng thời cần ra sức học tập lý luận quân sự, tấm gương, đạo đức, phong cách của Đại tướng.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Bộ Tư lệnh Vùng 4 kiểm tra đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu tại Lữ đoàn 685 - ( 13-11-24 05:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 1: Lễ tốt nghiệp các lớp chuyên môn kỹ thuật Khoá 49 - ( 13-11-24 08:00 )
- Họp báo giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - ( 12-11-24 02:00 )
- Quân chủng Hải quân đánh giá, nghiệm thu đề tài y học - ( 12-11-24 02:00 )
- Bàn giao chức trách, nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân - ( 12-11-24 02:00 )