Kiên quyết không để dịch Covid-19 quay trở lại đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia đang vật lộn với dịch bệnh và chưa có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế, có mức tăng trưởng âm, việc nước ta đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức 1,81%, tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ nhưng là đáng ghi nhận. Nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Kiên quyết không để dịch Covid-19 quay trở lại, đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU

Tăng trưởng GDP của quý II-2020 chỉ đạt 0,36%, nguyên nhân chủ yếu do nước ta bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế không nhiều vì phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ. Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng GDP thấp nhưng nước ta đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%. Tiền tệ, ngân hàng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả; huy động vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng phục hồi...

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự sụt giảm, trong đó, doanh nghiệp mới giảm 7,3% về số doanh nghiệp và 19% số vốn đăng ký so với cùng kỳ, doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh tăng 38,2%. Lao động, việc làm tiếp tục chịu ảnh hưởng, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm khoảng 2,4 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm gần đây.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã sớm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Thế giới đánh giá cao thành quả kiểm soát chỉ đạo phòng, chống dịch của nước ta. Đây là thành công rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thắng lợi của hệ thống chính trị nước ta, của chế độ ta. Tuy vậy, đại dịch đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II-2020.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Thủ tướng nêu rõ phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát tốt dịch bệnh, tinh thần trong chỉ đạo là kiên quyết không để dịch Covid-19 quay lại nước ta, đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế.

Kiên quyết không để dịch Covid-19 quay trở lại, đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU

Thủ tướng đánh giá, kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong đó có những đối tác lớn, quan trọng của nước ta. Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đã sớm đưa ra mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế để đạt mức tăng trưởng dương. Đời sống nhân dân cơ bản được giữ vững, cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm, đầu tư trong nước, nước ngoài có sự phát triển trong tháng 6-2020, thị trường chứng khoán khởi sắc. Nhìn về tổng thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng và trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng, đây là minh chứng rõ nét của định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhân dân, cộng đồng quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Thủ tướng nêu rõ, tuy tăng trưởng GDP thấp nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Với đất nước ta mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm lửa thử vàng gian nan thử sức, càng khó khăn, càng nỗ lực vượt khó vươn lên, càng nung nấu, quyết tâm hơn.

Thủ tướng khẳng định, hội nghị xác định 2 mục tiêu, thứ nhất là không để dịch Covid-19 quay trở lại, xóa thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Mục tiêu thứ 2 là phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm, vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành là yêu cầu bao trùm.

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề chủ yếu cần quan tâm, trước hết là kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các cấp, các ngành cần nhận diện rủi ro để có biện pháp điều hành hiệu quả, kịp thời, duy trì ổn định vĩ mô. Theo Thủ tướng, cỗ máy tăng trưởng của nước ta ví như cỗ xe tam mã, gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, phải dùng mọi biện pháp để tăng cả 3 con ngựa kéo, đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Bên cạnh đó, trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, tinh thần là không chỉ phòng thủ trước dịch bệnh mà còn phải tiến công để phát triển. Cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt công cụ tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng.

Thủ tướng cũng nhắc đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; cần có giải pháp để mở rộng thị trường, kích cầu nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, cần tập trung rà soát, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực kinh tế mới cần phát triển như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho phát triển bất động sản và người dân làm nhà ở. Đồng thời, thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và phát huy hơn nữa vai trò các địa phương...

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn