Không ngừng phát triển, làm chủ công nghệ đo đạc biển hiện đại

* Đại tá Khương Văn Long, Đoàn trưởng Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển

HQVN -

Cùng với sự ra đời và phát triển của Cục Hải quân, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đo đạc, khảo sát địa hình các cửa sông, cửa lạch, bến bãi ven biển, các vị trí đợi cơ của tàu thuyền phục vụ chiến đấu, ngày 22/2/1964, Cục Hải quân ra quyết định sáp nhập Đội 6 và Đội 8 Đo đạc biển thành Đại đội 6 Đo đạc biển-đơn vị tiền thân của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 đã trực tiếp thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đo đạc khảo sát phục vụ Quân chủng xác định các luồng lạch, xác định vị trí xây dựng các khu trú đậu cho tàu thuyền, quân cảng, căn cứ hải quân, các hang hầm sơ tán cất giấu tàu thuyền… góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân hiện đại, sự phát triển của cơ quan thủy đạc Việt Nam, đơn vị đã phát triển từ Đại đội 6 Đo đạc biển lên Tiểu đoàn 6 Đo đạc hàng hải và biên vẽ hải đồ, nay là Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển.

Chỉ huy Đoàn kiểm tra công tác biên tập hải đồ. Ảnh: Anh Tuấn

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị tập trung đo đạc thành lập mới các loại bản đồ biển; tham gia khảo sát, đo đạc thực hiện các đề tài, chương trình, dự án như: Đo đạc thành lập mới hệ thống hải đồ vùng biển Việt Nam, khu vực Trường Sa, DK1, vùng biển Tây Nam; đo đạc thành lập hải đồ các khu vực cửa sông, cảng biển, các đảo với nhiều tỷ lệ khác nhau phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế biển; thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ các tàu thực hiện nhiệm vụ thăm dò dầu khí, phục vụ xây dựng tuyến cáp quang trên biển trục Bắc Nam….

Trong thực hiện nhiệm vụ phân định biên giới, lãnh thổ và hợp tác quốc tế, Đoàn tiến hành khảo sát đo đạc xác định các điểm cơ sở lãnh hải phục vụ Nhà nước tuyên bố đường cơ sở, vùng lãnh hải và phân định Vịnh Bắc Bộ; tham gia cùng Ủy ban quốc tế IOC Việt Nam biên tập bản đồ độ sâu vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đây là một chương trình khoa học kỹ thuật của tổ chức IOC (UNESCO), có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền của nước ta trên Biển Đông, mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học biển…

Từ chỗ đơn vị biên tập hải đồ từ các nguồn tài liệu nước ngoài, đến nay, đơn vị đã đo đạc, khảo sát trên các vùng biển Việt Nam, sản xuất nhiều loại sản phẩm bản đồ biển như: Các loại hải đồ giấy; bản đồ số, hải đồ điện tử; các bản đồ quân sự chuyên dụng, bản đồ từ trường, thuỷ âm có chất lượng cao, bảo đảm độ chính xác, tin cậy đưa vào sử dụng. Hải đồ của đơn vị đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế do Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế (IHO) ban hành và được chuyên gia quốc tế như Anh, Pháp, Nga… đánh giá đạt chất lượng cao, được thương mại hóa cung cấp cho nhiều quốc gia.

Cùng với thành tích đạt được trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đơn vị tích cực triển khai thực hiện các đề tài, dự án cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhất là dự án "Điều tra tổng hợp khí tượng, các yếu tố hải dương, địa chất, môi trường biển" và một số dự án, đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu biển.

Hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển”. Ảnh: Anh Tuấn

Trước xu thế toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quân sự quốc phòng, Đoàn được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại như: Thiết bị đo sâu đa tia vùng nước nông, nước sâu; thiết bị đo địa vật lý biển, khí tượng, hải dương... Từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đơn vị đã tiếp cận công nghệ bản đồ số, đến nay được đầu tư và đã làm chủ công nghệ mới, hiện đại về đo đạc, bản đồ của các hãng có uy tín trên thế giới như Hypack, Caris… đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của IHO.

Năm 2022, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đo đạc, khảo sát, nghiên cứu biển, biên tập hải đồ. Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt tên cho các thực thể ngầm; quy hoạch không gian biển về lĩnh vực quốc phòng; đo địa lý quân sự khu vực các cảng; phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga khảo sát đa dạng sinh học môi trường sinh thái tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; biên tập hàng trăm mảnh, cell hải đồ điện tử cung cấp cho cơ quan thủy đạc Na Uy và hoàn thành tốt dự án Tây Vịnh Bắc bộ. Đoàn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường, Tổng Tham mưu trưởng tặng Bằng khen; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ thưởng thi đua và nhiều phần thưởng khác.

Trước sự phát triển cũng như yêu cầu của IHO, công tác đo đạc, biên tập hải đồ và nghiên cứu biển phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc ngày càng cao, nhất là về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang bị, phương tiện, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển tiếp tục phát huy truyền thống, kinh nghiệm, ra sức học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; tập trung xây dựng các loại bản đồ chuyên dùng có độ chính xác cao.

Đoàn làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng về việc ban hành hệ thống văn bản pháp lý quản lý quốc gia trong lĩnh vực đo đạc biển; chủ động, tích cực đóng góp xây dựng và phát triển Tổ chức Thủy đạc Việt Nam; xây dựng Đảng bộ TSVM, đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng tô thắm truyền thống vẻ vang: “Khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện, làm chủ kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn