Kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng

HQ Online -

Sáng 21-12, thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng”. Tham gia hội nghị có lãnh đạo thành phố; đại biểu Viện Khảo cổ học, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam; nhóm cán bộ tham gia khai quật tại bãi cọc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên và đại diện các cơ quan chức năng thành phố…

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo sơ bộ của Viện Khảo cổ học, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Triệu là nông dân xã Liên Khê đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách mặt đất chừng 0,5-0,7m. Trước đó, trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa nằm về phía Bắc-Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.

Ngày 16-10, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát do Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm trưởng đoàn về khảo sát hiện trường phát hiện cọc.

Ngày 1 và 2-11, đoàn khảo sát do Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho thấy niên đại từ năm 1.270-1.430 sau công nguyên.

 

Những chiếc cọc khai quật đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc

Được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 27-11, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả: khai quật 950m2 với 3 hố, phát hiện 27 cọc. Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc, theo lời dân địa phương thì có thể là loại gỗ sến nhựa và lim. Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5-7m, chiều Bắc Nam 3,5-5cm; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10-18cm, loại lớn 28-32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37-40cm...

Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển…

Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3 (năm 1288) để ngăn chặn quân Mông-Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông-Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông-Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông-Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã xin ý kiến tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các cơ quan chức năng về 3 nhóm vấn đề là: Khảo cổ học; giá trị lịch sử; công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Việc phát hiện, khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là việc làm vô cùng ý nghĩa song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Tin, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn