Hướng về nguồn cội Tiên - Rồng!
HQVN -
Trong tâm thức của mỗi người mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, dù ở trong nước hay định cư ở nước ngoài cũng đều khắc ghi câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Nhớ về nguồn cội dân tộc là nhớ đến công đức Tổ Tiên, nơi dòng dõi Lạc Hồng sinh ra từ một bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Biết ơn nguồn cội là hướng đến giá trị dân tộc vĩnh hằng, rằng mỗi người dân Việt Nam có chung “Ngày Giỗ Tổ”, là “điểm hẹn” kết nối trái tim cả cộng đồng dân tộc, ước nguyện lòng thành hướng về Đất Tổ quê Cha thắp nén tâm hương tri ân công đức Tiên Tổ đã dựng nên cơ đồ nước Việt.
Suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương dần định hình, có vị trí ngày càng đặc biệt trong đời sống chính trị, văn hóa, tín ngưỡng của toàn xã hội. Theo Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại quản lý Đền Hùng, giao cho người dân vùng Đất Tổ cùng một số chính sách như miễn nộp thuế ruộng, miễn sưu, đi phu, đi lính để trông coi, tu bổ, cúng bái, làm lễ thường xuyên cũng như tổ chức lễ Giỗ Tổ hằng năm.
Vào năm 1917, năm Khải Định thứ 2 của triều đình nhà Nguyễn, Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ, xác định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm “Ngày Quốc tế” (Quốc lễ). Trên tấm bia Hùng Vương từ khảo đang đặt ở Đền Thượng ở núi Nghĩa Lĩnh (do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm 1940) cũng xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng, dâng hương tri ân công đức Tổ Tiên. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 của Chủ tịch nước cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, năm Bính Tuất 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm kính cáo với Tổ Tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ Tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm
Đến năm 1995, Ban Bí thư ghi trong thông báo, Ngày Giỗ Tổ 10 tháng 3 là ngày lễ lớn trong năm. Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Ngày Quốc lễ mang ý nghĩa, bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Việt Nam. Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, các hoạt động lễ hội dịp Giỗ Tổ ngày càng sâu rộng hơn cả về quy mô, phạm vi cả nước và quy tụ tấm lòng Việt hướng về nguồn cội Tiên - Rồng. Những năm gần đây, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”, từ đó không chỉ thôi thúc người Việt xa quê hướng về nguồn cội, mà còn là cách để kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế, cùng nhau bảo tồn, lan tỏa những giá trị toàn cầu của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, góp phần định vị văn hoá, con người Việt Nam.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025, quy mô lễ hội năm nay được tổ chức ở cấp tỉnh với chuỗi hoạt động vui tươi, lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ. Các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, trọng thể theo phong tục dân tộc, với nghi thức dâng hương, dâng hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước cùng đông đảo nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 sẽ diễn ra sôi động, mang đậm bản sắc vùng đất cội nguồn. Sự kiện không chỉ tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm, khám phá các di sản văn hóa mà còn góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Phú Thọ - vùng đất giàu tiềm năng du lịch, hướng tới xây dựng một lễ hội mẫu mực trong cả nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, là ngày tụ hội của con Lạc cháu Hồng, thể hiện tấm lòng tri ân Tiên Tổ, thể hiện quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” mà Người đã trao truyền cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong hơn 70 năm về trước.
Bài, ảnh: ĐÀO ĐỨC
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Hướng về nguồn cội Tiên - Rồng! - ( 07-04-25 07:00 )
- Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng - ( 07-04-25 02:00 )
- Ngày 7/4/1975: Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lệnh cho các đơn vị: 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…' - ( 07-04-25 11:00 )
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản tinh thần vô giá của dân tộc - ( 07-04-25 07:00 )
- Lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành của Quân chủng Hải quân đã đến Đồng Nai an toàn - ( 06-04-25 07:00 )