Hướng tới Tháng Hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2018

Giảm thiểu tai nạn lao động: Bắt đầu từ nâng cao ý thức

Tai nạn lao động là 1 trong những vấn đề gây nhức nhối xã hội trong thời gian gần đây, khi mà con số người thương vong, bị ảnh hưởng sức khỏe bởi nó đang ngày một gia tăng và không có dấu hiệu dừng lại. Các cơ quan chức năng của Quân chủng Hải quân đã tích cực vào cuộc để đưa ra những phương pháp, định hướng nhằm hạn chế rủi ro từ tai nạn lao động.

Từ thực trạng

Công tác an toàn vệ sinh lao động (AT, VSLĐ) có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến từng cá nhân, từng gia đình và từng đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, những năm qua, Quân chủng Hải quân không ngừng tăng cường công tác quản lý về AT,VSLĐ. Tuy nhiên, thực trạng về công tác này trong Quân chủng vẫn có một số hạn chế còn tồn tại như: Điều kiện làm việc ở một vài nơi chưa được cải thiện; tai nạn lao động vẫn còn xảy ra và nguy cơ gây ra tai nạn lao động vẫn còn tiềm ẩn.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến 2017, toàn Quân chủng Hải quân đã xảy ra 30 vụ tai nạn lao động. Nếu so sánh giữa các năm thì số vụ và số người bị tai nạn có năm tăng, có năm giảm. Một điểm đáng lưu ý là những năm gần đây, tuy số vụ tai nạn có giảm nhưng tỷ lệ người chết lại tăng lên. Cụ thể, năm 2010 xảy ra 6 vụ, chỉ có 2 người chết, 4 người bị thương. Năm 2016 xảy ra 2 vụ thì 1 người chết, 2 người bị thương. Năm 2017 cũng xảy ra 2 vụ mà có tới 2 người bị chết, 1 người bị thương. Ngoài ra, ảnh hưởng chi phí khắc phục hậu quả, thiệt hại vật chất do TNLĐ cũng tương đối lớn.

Qua phân tích, những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn lao động (ATLĐ) chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động chấp hành không nghiêm các qui định Nhà nước về AT, VSLĐ; vi phạm các tiêu chuẩn, qui phạm kỹ thuật an toàn. Điều kiện, môi trường làm việc của người lao động chưa được đảm bảo. Công tác huấn luyện về AT, VSLĐ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở các doanh nghiệp sử dụng lao động hợp đồng theo thời vụ.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm và những nguy cơ dẫn đến sự cố tai nạn không được tiến hành thường xuyên, nếu có thì hiệu quả cũng không cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATLĐ ở các đơn vị cơ sở chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, hoạt động chưa có nền nếp. Cá biệt, có vụ việc điều tra xác định nguyên nhân, biện pháp khắc phục và xử lý còn chậm, thiếu kiên quyết dẫn đến chưa có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa vi phạm.

Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 354, Vùng 3 Hải quân tổ chức luyện tập cấp cứu người bị tai nạn lao động (Duy Khánh).

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Việc bảo đảm ATLĐ, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người lao động là hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Quân chủng cũng như toàn quân đang cùng cả nước thực hiện công cuộc hiện đại hóa. Ngoài những văn bản quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác AT, VSLĐ, Quân chủng đã ban hành chỉ thị về thực hiện công tác an toàn, bảo hộ lao động. Trung tá Vũ Thành Mai, Chủ nhiệm Kho 700, Cục Hậu cần Hải quân cho rằng: Có thể nói hệ thống quy định về AT, VSLĐ là khá đầy đủ nhưng việc thi hành có nghiêm chỉnh, có hiệu quả hay không thì quan trọng nhất vẫn là do nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy, người sử dụng lao động và người lao động.

Với chủ đề “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề  nghiệp”, Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 tập trung hướng về cơ sở. Qua đó, chúng ta cũng có thể thấy các cấp, các ngành đều đề cao tầm quan trọng của việc giảm thiểu tai nạn lao động. Đại tá Phạm Thăng Long, Trưởng phòng Quản lý Xí nghiệp – một trong ba cơ quan chức năng tham gia quản lý công tác an toàn, bảo bộ lao động của Quân chủng chia sẻ: Để làm được điều đó, trong thời gian tới cần thiết phải thực hiện tốt những nội dung sau đây:

Toàn Quân chủng cần đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi quân nhân, CNVCQP có ý thức tự giác chấp hành.

Cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức huấn luyện đầy đủ về ATLĐ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.

Các đơn vị, doanh nghiệp bắt buộc phải quán triệt, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trước và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đồng thời xây dựng “Văn hóa về an toàn” nhằm chuyển nhận thức người lao động từ “nghĩa vụ, trách nhiệm” sang “quyền lợi”.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm công tác thanh, kiểm tra; gắn kết quả thực hiện, bảo đảm an toàn của cơ quan, đơn vị với phân tích chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, duy trì nghiêm túc chế độ báo cáo vụ việc mất an toàn; tiến hành điều tra xác minh cụ thể, xử lý nghiêm túc các vụ việc mất an toàn do lỗi chủ quan; tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến để các đơn vị có biện pháp phòng ngừa.

Phúc Vinh

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn