Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Ngày 28-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2021. Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá, năm 2020 là năm rất thành công của nhiệm kỳ qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4%, nền kinh tế nước ta vẫn có mức tăng trưởng 2,91%.

Tới dự hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị và lãnh đạo các địa phương.

2020 là năm thành công nhất trong cả nhiệm kỳ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới, đặc biệt là dịch bệnh, thiên tai. Trong bối cảnh rất đặc biệt đó, nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và để lại dấu ấn nổi bật. Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay) nhấn mạnh, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, nhưng Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương. Đến nay có thể khẳng định, nước ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội. Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên.

Theo báo cáo của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 của nước ta vẫn đạt 2,91%, mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất nhân tố tổng  hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62-63%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020  ước đạt 19,1 tỷ USD)...

Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới

Nhìn lại cả nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 5 năm qua, nước ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi trình bày báo cáo tóm tắt công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 5 năm qua như sau: Nước ta đã chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc  độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, nhất là đại hội đảng bộ các cấp, Hội nghị cấp cao ASEAN... Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các  diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, nổi bật là việc tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018; đảm  nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; tổ chức thành công cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội và đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Tiếp tục làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương, tăng cường quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng. Tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp  định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU

Báo cáo tóm lược kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 và dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, đánh giá: Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 được xây dựng dựa trên 7 bộ chỉ số với hơn 200 tiêu chí đo lường chi tiết liên quan tới hầu hết các lĩnh vực, các ngành, các cấp và có phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; thậm chí từng tiêu chí quan trọng. Kết quả, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019. Xếp hạng năng lực cạnh tranh được thay đổi cách đánh giá từ năm 2018 thành năng lực cạnh tranh 4.0. Khi đó Việt Nam đứng thứ 77, một năm sau đã tăng 10 bậc lên thứ 67. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc, từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020. Có không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của nước ta ghi nhận những tiến bộ vượt bậc, như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, từ thứ 108 (năm 2015) lên thứ 27 (năm 2019); nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 59 bậc, từ thứ 168 (năm 2015) lên thứ 109 (năm 2019); ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, từ thứ 95 (năm 2015) lên thứ 41 (năm 2019). Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên hợp quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể).

Năm 2021 phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2020, GDP cao hơn kế hoạch

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phân tích, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước. Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020.

Nói về việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KT-XH khác.

Trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2021, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, một là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hai là, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới. Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; đổi mới quản trị quốc gia; xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bốn là, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Năm là, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc. Sáu là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại. Phát triển mạnh hạ tầng số. Bảy là, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tám là, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực để tạo niềm tin, đồng thuận trong toàn xã hội.

Các đại biểu dự hội nghị bày tỏ tin tưởng, sau hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục tăng cường đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2021 và cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong đợi.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn