Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII
HQ Online -
Sáng 14/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.
Tham dự tại điểm cầu Quân chủng Hải quân có Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; thủ trưởng và đại diện một số cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Hải quân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Báo Nhân Dân
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, 5 năm qua, trong bối cảnh tình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo những kết quả toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Trọng Hải
Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, Việt Nam đã xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Quang cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Báo Nhân Dân
Mục tiêu của đối ngoại được xác định là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Phương hướng đối ngoại là chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương.
Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những thành tích của đối ngoại. Từ phá thế bị bao vây cấm vận đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở. Đến nay nước ta đã mở rộng và nâng tầm ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại các ngành, lĩnh vực, địa phương ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực.
Việt Nam đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, nước ta đã có liên kết kinh tế sâu rộng, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nước ta đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế, tranh thủ được sự hỗ trợ về vắc xin, thiết bị y tế, thuốc điều trị.
"Chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan, kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia", Tổng Bí thư nói về phương châm ứng xử của Việt Nam.
Quang cảnh hôi nghị tại điểm cầu Quân chủng Hải quân. Ảnh: Duy Khánh
Vị thế và uy tín của nước ta ngày càng được nâng cao, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn, hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Tổng Bí thư hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của các cán bộ làm công tác đối ngoại; gợi mở cần tiếp tục thường xuyên, nghiên cứu nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời có giải pháp thích hợp trong đối ngoại do thời gian qua thế giới có những vấn đề vượt qua ngoài dự báo thông thường.
Chúng ta cần xây dựng tâm thế, vị thế mới Việt Nam trong ứng xử, xử lý mối quan hệ song phương, đa phương. Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi mang tầm chiến lược phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn.
Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại do Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, với mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển KT-XH. "Luôn luôn phải kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị mà ngành ngoại giao là lực lượng xung kích", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư nhắc đến lời dạy của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng" - đề cao sự đoàn kết, đồng thuận trong nước, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, tất cả mọi người đều phải vì nước, vì dân. Có như thế công tác đối ngoại mới kết hợp được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động tích cực, tham gia đóng góp, định hình cơ chế đa phương.
Duy Khánh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tinh gọn bộ máy: Nghỉ hưu trước tuổi để tạo cơ hội cho cán bộ trẻ năng động cống hiến - ( 12-01-25 09:00 )
- Bộ Quốc phòng đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu tổ chức Quân đội nhân dân - ( 12-01-25 08:00 )
- Những kỷ niệm ấn tượng và khó quên của chiến sĩ Trường Sa trước ngày xuất ngũ - ( 11-01-25 10:00 )
- Lữ đoàn 682 giáo dục truyền thống cho chiến sĩ - ( 11-01-25 09:00 )
- Lữ đoàn 957 tổ chức đại hội chi bộ làm trước - ( 11-01-25 09:00 )