Hiệu quả máy ép rác thủy lực ở huyện đảo Trường Sa
HQ Online -
Qua khảo sát thực tế cho thấy: Quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thường gặp trở ngại rất lớn trong công tác xử lý các loại rác thải khó phân hủy. Trước tình hình đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã giao Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới nghiên cứu, chế tạo, đưa vào sử dụng máy ép rác thủy lực mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường huyện đảo.
Theo khảo sát, lượng chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động, sinh hoạt tại chỗ của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa bình quân 100-150 kg/ngày, ngoài ra còn lượng đáng kể rác thải rắn dạt từ biển vào. Các loại rác thải vô cơ trên các đảo thường được bộ đội thu gom và vận chuyển đến nơi tập kết chờ tàu vận chuyển vào đất liền xử lý. Tuy nhiên, do chưa có máy ép tạo khối chất thải rắn để giảm thể tích các loại vỏ lon, đồ hộp, chai nhựa cho nên trong thời gian chờ tàu đưa về đất liền, các loại rác thải có thể tiếp tục gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí xung quanh.
Máy ép rác được thử nghiệm tại huyện đảo Trường Sa
Do đó, phương pháp xử lý chất thải rắn được lựa chọn cho các đảo là sử dụng thiết bị máy ép tạo khối để giảm thể tích, dễ bao gói, thuận tiện khi vận chuyển, tập kết và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khi chờ tàu chở về đất liền để xử lý.
Nhóm nghiên cứu Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới đã sử dụng các nguyên liệu chế tạo máy có độ bền cao, phù hợp với điều kiện biển, đảo như: Thép tấm AH36 (theo tiêu chuẩn ASTM-A131) chế tạo khung máy; Inox 304 (theo tiêu chuẩn JIS-G4 305-SUS 304) chế tạo thùng dầu.
Riêng các mạch điện tử, giắc kết nối, tiếp điểm… của hệ thống điều khiển điện được phủ các lớp chống ăn mòn để giúp cho máy có độ bền cao, chống chịu được những ảnh hưởng từ nước biển, a xít, đảm bảo an toàn cho sử dụng lâu dài, ngoài ra còn chịu được nhiệt độ cao, va đập mạnh, áp lực lớn và khối lượng nặng.
Hệ thống máy ép tạo khối được tách rời thành dạng các module. Các bộ phận của máy có thể tháo rời, thuận lợi khi di chuyển và bảo quản. Giá thành sản xuất rẻ, tận dụng các nguyên liệu sẵn có để chế tạo.
Máy sử dụng nguồn điện độc lập, không phụ thuộc vào nguồn điện trên đảo nên có thể sử dụng trong bất kỳ điều kiện nào. Lực ép của máy có thể điều chỉnh tùy thuộc vào loại vật liệu cần ép. Ngoài ra, máy còn có thể ép kết hợp với đóng gói sản phẩm ngay sau khi ép. Bên dưới đế của máy có thiết bị thu gom nước thải chảy ra trong quá trình ép, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho quân dân trên đảo.
Sản phẩm sau khi ép
Nói về ưu điểm lớn nhất của máy, Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Sản phẩm rất dễ sử dụng trong mọi điều kiện; vận hành thao tác đơn giản, khi ép chỉ cần một người vận hành. Máy có thể ép tất cả các loại rác thải trên đảo như ép vỏ lon, vỏ đồ uống, chai nhựa... Lượng tiêu thụ điện 2,2kW/giờ, mỗi khối rác ép mất 7 phút, tiêu thụ khoảng 256W.
"Nếu như trước đây, rác thải của đảo trung bình dùng biện pháp đóng gói thông thường sẽ có 15 túi/ngày nhưng từ khi đưa máy ép rác vào hoạt động, chỉ còn 2 túi rác/ngày"-Trung tá Ngô Văn Hưng chia sẻ thêm.
Hội đồng nghiệm thu chụp ảnh lưu niệm
Hiện nay, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đang phối hợp với Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cho sử dụng rộng rãi máy ép rác thủy lực trên tất cả các đảo, mang lại hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện môi trường biển, đảo khắc nghiệt.
Bài, ảnh: Phan Thanh Xuân
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Học viện Hải quân tham gia Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lê nin - ( 29-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 83 đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ - ( 28-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 126 thông tin về tình hình biển, đảo tại Bắc Giang - ( 28-11-24 02:00 )
- Trung đoàn 196 thông tin về biển, đảo tại Đà Lạt - ( 28-11-24 10:00 )
- Tổ chức chương trình “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” tại Vùng 3 - ( 27-11-24 06:00 )