Hành trình vòng quanh thế giới cùng lá cờ Tổ quốc

HQVN -

Trong chuyến đi Trường Sa giữa năm vừa qua, tôi rất chú ý đến một thanh niên trẻ, da rám nắng, dáng người hơi đậm nhưng thể hiện một nét tự tin, lãng tử. Đó là Trần Đặng Đăng Khoa, anh không chỉ được biết đến là một phượt thủ đi qua gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bằng chiếc xe máy cà tàng mà còn là người mang lá cờ Tổ quốc đi vòng quanh thế giới.

Ở tuổi 30, khi bạn bè cùng trang lứa đã yên ổn với tổ ấm nhỏ thì tôi vẫn loay hoay để nắm bắt cơ hội cho bản thân. Học xong, rồi đi làm, một công việc khá hấp dẫn với mức lương đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ nhưng dường như vẫn chưa đủ. Tôi cảm thấy mình cần phải làm cái gì đó lớn lao hơn, trước khi già đi, trước khi mình bắt đầu với cuộc sống có nhiều trách nhiệm. Không kì vọng là một nhà thám hiểm khám phá ra nơi nào đó trên trái đất này, chỉ đơn giản là một chuyến đi xa, thật xa, không hẹn trước ngày về… (đó là một đoạn trong Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng củaTrần Đặng Đăng Khoa). 

Người bạn đồng hành

Ý tưởng đi vòng quanh thế giới bằng cách này hay cách khác được Khoa nhen nhóm từ khi còn là một cậu bé. Bắt đầu từ tấm bản đồ thế giới ba mang về dán ở góc nhà, thứ làm cho cậu bé Khoa bận rộn hơn mỗi khi bị phạt úp mặt vào tường vì những trò nghịch phá của trẻ con. Cả quãng thời gian đi học, ý tưởng phải đi đâu đó, đến thật nhiều nơi trên thế giới này cứ ngày một lớn dần lên. Và cho đến năm 2015, ý tưởng bắt đầu rõ ràng hơn khi Khoa cùng đám bạn chạy xe máy xuyên các nước Đông Nam Á.

Mất nhiều năm để mơ ước và 2 năm để bắt tay chuẩn bị cho chuyến đi, từ sức khỏe, lịch trình, hành lý… Tháng 6/2017, từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), sau cuộc điện thoại về nhà và chụp 1 bức ảnh với chiếc áo dài truyền thống ở cột mốc 171, đánh dấu khoảng khắc chàng phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa rời Việt Nam lên đường thực hiện giấc mơ với nhiều cảm xúc lẫn lộn, vừa lo lắng, vừa có phần phấn khích.

Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân ký tặng lá cờ Tổ quốc trên đảo Đá Lớn B, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Với hành trang là chiếc xe wave đời 2008 mà Khoa gọi nó Momo và một vật rất đặc biệt. Đó là lá cờ Tổ quốc được mang từ huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa về. Trước khi đến với Khoa, lá cờ đã theo nhóm bạn đi từ cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh) cho đến đất mũi Cà Mau… Lá cờ vừa là món quà, vừa là yếu tố tinh thần giúp Khoa vượt qua mọi gian nan trên chặng đường dài đằng đẵng.

Trong cuốn sách Khoa vừa xuất bản, Khoa viết: Lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng đã cùng anh đi qua chặng đường khoảng 80 nghìn km, qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, 8 lần băng qua đường xích đạo. Từ châu Âu, Bắc Mỹ đến những nước nghèo hơn ở châu Phi, Trung Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương. Lá cờ cũng đã theo anh đến những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard sát Bắc Cực, xuống “nơi tận cùng thế giới” ở Patagonia rồi cả châu Nam Cực. Anh đi từ những hoang mạc rộng lớn giữa lòng Australia, từ những ngôi làng hoang vắng không ai biết, đến những đại đô thị như New York, Paris, Seoul, Sydney, Berlin, Rome, Toronto, Chicago, Los Angeles, San Francisco...

Ở mỗi đất nước, mỗi địa điểm nổi tiếng khác nhau trên thế giới, Khoa lại mang lá cờ Tổ quốc để cùng lưu lại những khoảng khắc quý giá và đáng nhớ của một người ham mê thiên di. Tại đây, Trần Đặng Đăng Khoa thường giới thiệu về lá cờ đỏ sao vàng, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam với những người bạn mới quen. Nhất là, chàng trai sinh năm 1987 còn kể thêm cho các bạn nghe về nguồn gốc của lá cờ này, về Trường Sa, về biển, đảo thân yêu của Việt Nam.

Ra nước ngoài, đến bất kì nơi nào, chỉ cần nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió là như thấy Tổ quốc, quê hương mình ngay gần đâu đấy. Bắt đầu bằng một hành trình không hẹn ngày về, lá cờ Tổ quốc thực sự đã trở thành bạn đồng hành, là nơi tiếp thêm sức mạnh cho tôi hoàn thành hành trình đầy chông gai phía trước-Khoa xúc động chia sẻ.

Ngày trở về

Mất 2 năm để chuẩn bị cho chuyến đi vòng quanh thế giới nhưng đến với Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng không hề dễ dàng. Cùng với Côn Đảo, Sơn Đoòng, Trường Sa là một trong những điểm của Việt Nam mà Khoa muốn đặt chân lên nhất. Lỡ chuyến đi vào năm 2021 do dịch Covid-19, Khoa ngỡ như không còn cơ hội nhưng thật hạnh phúc biết bao khi biết mình có tên trong danh sách đoàn công tác số 8. Bước xuống tàu để khởi hành ở Quân cảng Cam Ranh mà Khoa vẫn chưa tin mình sẽ đặt chân lên Trường Sa chỉ trong vài ngày tới. “Tôi đã từng đi tàu băng qua Biển Đen, qua vùng biển Bắc Băng Dương lạnh giá bên kia vành đai Bắc Cực, hay lên tàu đi Nam Cực, lục địa thứ 7 thế giới, đi tàu qua các vịnh biển nhỏ lớn hay sông rạch khác. Nhưng đến với Trường Sa, một nơi không phải muốn là có thể đến, phải là một ai đó có nhiệm vụ gì đó, vai trò gì đó… mới có thể đến với Trường Sa”, Khoa chia sẻ. Do đó, chuyến đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam năm nay, Khoa tự nhận mình là một người vô cùng may mắn và hạnh phúc.

Trần Đặng Đăng Khoa chụp ảnh cùng các đại biểu ra thăm đảo Trường Sa-Nhà giàn DK1                  

Trong đêm giao lưu văn nghệ trên boong Tàu 571, sau những tiết mục văn nghệ sôi nổi, độc đáo, Trần Đặng Đăng Khoa xung phong lên sân khấu, chia sẻ lại hành trình đặc biệt của lá cờ đỏ sao vàng trước sự bất ngờ và cảm phục của hàng trăm đại biểu trên tàu. “Lá cờ Tổ quốc đã cùng tôi đi khắp thế giới và giúp tôi kết bạn với rất nhiều người. Điều đáng chú ý là lá cờ trước đây đã ở Trường Sa, có chữ ký của cán bộ và chiến sĩ ở đảo Phan Vinh. Và hôm nay, trên chuyến tàu này lá cờ lại hành trình để quay trở về nhà với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”- Trần Đặng Đăng Khoa nói.

Trong hải trình này, lá cờ cũng theo Khoa đến các điểm đảo nơi anh có dịp đặt chân tới như: Đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông hay là các đảo chìm Đá Lớn A, B. Cũng như trên vạn dặm đường đã qua, mỗi nơi Khoa lại mang lá cờ đến cùng lưu lại những dấu ấn để làm đầy thêm những kỉ niệm ý nghĩa của món quà đặc biệt.

Dù đi đến nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, ăn nhiều món ăn ngon, gặp nhiều người bạn mới, song được đặt chân đến Trường Sa, chứng kiến những bạn trẻ đang cống hiến mồ hôi, nước mắt, thậm chí là xương máu cho bình yên của Tổ quốc, cho vẹn toàn từng tấc đất, tấc biển của quê hương Khoa mới thấy “mình mãn nguyện và hạnh phúc”. Khoa cho biết, ra đến Trường Sa mới thấy hết niềm tự hào về biển, đảo về Tổ quốc mình và cảm phục trước bản lĩnh, quyết tâm, sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.

Trong dịp ra mắt cuốn sách “1111 Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng”, khi được hỏi về những dự định trong tương lai và có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong việc theo đuổi những ước mơ, Khoa nói: Cuộc sống luôn có rất nhiều khó khăn và bất ngờ nhưng tôi mong các bạn trẻ luôn giữ vững niềm tin để theo đuổi giấc mơ của mình. Nếu có dịp hãy một lần đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-vùng biển, đảo linh thiêng của Tổ quốc để cảm nhận được lời thề sắt son giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của các chiến sĩ. Ra để có cơ hội chứng kiến tận mặt những vất vả, gian khổ, sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, từ đó mỗi người chúng ta- những người trẻ đang sống trong đầy đủ-phải cố gắng để sống sao cho xứng đáng với công sức, sự hi sinh của các anh, để biển, đảo được bình yên, Tổ quốc được vẹn toàn.

Khi bài báo này lên trang, tôi được biết rằng, cùng với lá cờ đỏ sao vàng từ đảo Phan Vinh và những con người, cảnh vật ở Trường Sa đã trở thành những câu chuyện trong các lần tổ chức gặp mặt bạn bè, trong các chuyến đi khác của Khoa. Lời hứa mà Khoa đã nói trên tàu về việc quay lại Trường Sa để mang là cờ về đúng nhà của mình và những kế hoạch, dự định cho biển, đảo quê hương đang được anh khởi động. Nhân dịp Xuân Quí Mão, qua Báo Hải quân tôi gửi lời chúc mừng năm mới thành công và cũng mong có ngày được chứng kiến lá cờ đi vòng quanh thế giới, quay về đảo Phan Vinh chính ngôi nhà của nó.

Bài, ảnh: Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn