Hành trình chinh phục bầu trời

HQVN -

Các học viên đào tạo phi công thủy phi cơ DHC-6 Khóa 1 của Quân chủng Hải quân vừa tốt nghiệp sau hơn 3 năm đào tạo ở trong và ngoài nước. Với lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, các phi công trẻ sẵn sàng chinh phục bầu trời, thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Huấn luyện khắt khe

Thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter là loại máy bay cánh quạt đa dụng, được Không quân Hải quân sử dụng trong nhiều nhiệm vụ quan trọng, như cứu hộ cứu nạn, vận tải quân sự hay tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để điều khiển loại máy bay này, học viên phải trải qua quá trình đào tạo dài, kết hợp giữa lý thuyết hàng không và thực hành bay trong điều kiện thực tế phức tạp.

Khóa đào tạo học viên DHC-6 kéo dài 3 năm tại Trường bay ENAC (Pháp), với các địa điểm huấn luyện ở Carcassonne, Grenoble, Saint-Yan, sau đó chuyển loại DHC-6 tại Canada, Đan Mạch, Italia. Phi công được trang bị các kỹ năng cần thiết để làm chủ bầu trời, bắt đầu với lý thuyết hàng không, bao gồm khí động học, điều hướng, khí tượng, nguyên lý vận hành động cơ và kỹ thuật điều khiển máy bay trong các điều kiện bay khác nhau. Trong giai đoạn thực hành bay cơ bản, họ làm quen với quy trình cất cánh, hạ cánh và điều khiển máy bay trong điều kiện tiêu chuẩn.

Các học viên phi công DHC-6 tại lễ tốt nghiệp

Khi chuyển sang huấn luyện nâng cao trên thủy phi cơ DHC-6, học viên phải điều khiển bay trong thời tiết phức tạp, hạ cánh trên đường băng ngắn, phối hợp thực hiện các chuyến bay cứu nạn khẩn cấp trên biển. Đặc biệt, họ được huấn luyện sinh tồn trên biển, để có kỹ năng sống sót và chiến đấu khi phải rời máy bay trong điều kiện khẩn cấp. Mỗi học viên phải hoàn thành gần 400 giờ thực hành, trong đó gần 150 giờ là huấn luyện chuyển loại DHC-6 và 250 giờ huấn luyện phi công cơ bản (CPL).

Phi công Hồ Đức Trường, học viên vừa tốt nghiệp Khóa 1, chia sẻ: “Để hoàn thành khóa đào tạo phi công DHC-6, ngoài năng khiếu và thể lực, tâm lý vững vàng là yếu tố quan trọng. Chúng tôi phải rèn luyện tinh thần thép, khả năng làm việc nhóm và xử trí tình huống khẩn cấp, bởi bay trong điều kiện gió giật mạnh hay hạ cánh trên vùng biển động là chuyện thường xuyên”.

Huấn luyện phi công DHC-6 là một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi học viên vượt qua khối lượng lý thuyết hàng không đồ sộ và thực hành bay trong những điều kiện khắc nghiệt như đường băng ngắn, thời tiết xấu, hạ cánh trên biển và bay đêm. Họ còn phải rèn luyện kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm dưới nước và duy trì thể lực bền bỉ.

Với cường độ huấn luyện cao, kỷ luật quân đội nghiêm ngặt và áp lực xử trí tình huống, đây không chỉ là quá trình học bay mà còn là sự tôi luyện ý chí và bản lĩnh.

Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của Khóa 1, TS Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không cho biết: Khi các bạn sang bên đó, chúng tôi rất hồi hộp, bởi đây là lần đầu tiên có một khóa phi công được tuyển chọn theo hình thức này, từ các học viên đào tạo của Học viện Hải quân. Chúng tôi có chút lo lắng về ngoại ngữ, về thể lực và cả những thách thức trong quá trình học tập. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các bạn, cùng sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, tất cả đã được đền đáp xứng đáng. Cả 8 học viên đều hoàn thành khóa đào tạo với kết quả khá, giỏi và được đánh giá cao trong suốt quá trình học tập, rèn luyện. Thành công này là niềm tự hào và là động lực để chúng tôi tiếp tục vững tin trong các khóa đào tạo tiếp theo.

Sẵn sàng làm nhiệm vụ trên biển

Lễ tốt nghiệp diễn ra trong không khí trang trọng, với sự tham dự của đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Học viện Hàng không Việt Nam và gia đình các học viên. Những tấm bằng tốt nghiệp được trao là sự ghi nhận thành quả học tập và đồng thời khẳng định trách nhiệm mà các tân phi công sẽ đảm nhận trên bầu trời Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân gửi lời chúc mừng và căn dặn các tân phi công: “Các đồng chí cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy kiến thức và trình độ chuyên môn đã được đào tạo để trở thành những phi công giỏi, thực hiện các chuyến bay an toàn, hiệu quả. Mỗi phi công DHC-6 tốt nghiệp hôm nay không chỉ là niềm tự hào của Học viện Hàng không Việt Nam mà còn là lực lượng nòng cốt xây dựng Không quân Hải quân ngày một vững mạnh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc...”

Sau lễ tốt nghiệp, các phi công được phong quân hàm và biên chế về Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, sẵn sàng tham gia những chuyến bay bảo vệ vùng trời, vùng biển và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Khoác lên mình màu áo của Học viện Hàng không và giờ đây là màu áo của những người lính biển, các phi công trẻ không giấu được niềm xúc động và tự hào. Đối với họ, lễ tốt nghiệp đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp và mở ra một chặng đường mới với trách nhiệm lớn lao đối với đất nước. Hành trình của những phi công DHC-6 chỉ mới bắt đầu. Họ sẽ phải tiếp tục học tập, rèn luyện để chinh phục bầu trời, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Xuân Hương

 

Điều kiện cơ bản để khám tuyển phi công DHC-6 của lực lượng Không quân Hải quân: Độ tuổi từ 18 - 27 tuổi; trình độ học vấn tốt nghiệp THPT; sức khỏe đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe phi công quân sự (mắt, huyết áp, thần kinh, tim mạch... không có bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng lái máy bay); thể chất đạt các bài kiểm tra thể lực quân sự.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn