Góc đại dương xanh tương lai xanh

HQVN -

Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, tàu Hải quân, Nhà giàn DK1, bản đồ Việt Nam, các loài sinh vật biển… là những hình ảnh trực quan, sinh động nhằm giáo dục tình yêu biển, đảo cho giáo viên, học sinh của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Đến thăm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, chúng tôi bị cuốn hút bởi các khu trưng bày hiện vật trên sân trường. Cùng với “Thư viện xanh”, “Vườn tuổi thơ” thì “Góc đại dương xanh-Tương lai xanh” được đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chúng tôi kết nghĩa với các đơn vị Hải quân trên địa bàn TP. Đà Nẵng như Lữ đoàn 680, Trung tâm Huấn luyện Vùng 3, Lữ đoàn Công binh 83. Qua những lần tham quan, giao lưu với các đơn vị, chúng tôi nghĩ cần phải giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, nhà trường có ý tưởng xây dựng mô hình góc biển, đảo trên sân trường với tên gọi “Góc đại dương xanh-Tương lai xanh”. Khi báo cáo xây dựng mô hình, chúng tôi đã được cơ quan chức năng, cha mẹ học sinh và các đơn vị kết nghĩa đồng tình ủng hộ.

“Góc đại dương xanh-Tương lai xanh” có diện tích hơn 20m2 được bố trí hài hòa và đẹp mắt. Ở giữa là những con tàu Hải quân, Nhà giàn DK1, tàu của ngư dân. Phía cửa ra vào đặt trang trọng tấm bản đồ Việt Nam. Ấn tượng hơn cả là hình ảnh các chú bộ đội Hải quân hiên ngang, chắc tay súng tuần tra canh giữ biển, đảo quê hương cùng với mô hình các loài sinh vật biển khá phong phú, đa dạng. Tất cả hiện vật đều được làm bằng sản phẩm tái chế như chai nhựa, nắp chai, giấy các-tông, đĩa CD… từ chính bàn tay khéo léo của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường và cán bộ, chiến sĩ Hải quân đơn vị kết nghĩa…

Giờ học chuyên đề về biển, đảo ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng

Với kinh phí đầu tư hạn hẹp, nhà trường chủ yếu phát huy nội lực. Qua nhiều lần bàn bạc đưa ra ý tưởng, Ban giám hiệu nhà trường quyết định tổ chức ngày hội trải nghiệm cho các em học sinh với chủ đề “Em yêu biển, đảo quê hương”. Nội dung chính của ngày hội là trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế phục vụ cho dạy, học và giáo dục truyền thống, biển, đảo. Sau 2 tuần phát động, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị kết nghĩa đã sáng tạo ra hàng chục sản phẩm để Ban giám khảo chấm điểm, lựa chọn trưng bày.

Ngoài ra, hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phân loại rác, sưu tầm chai nhựa, sản phẩm có thể tái chế để làm các mô hình sinh vật biển, bổ sung vào góc trưng bày thêm phong phú. Đặc biệt, cứ sau mỗi đợt tham dự tuyên truyền về biển, đảo với đơn vị kết nghĩa, các thầy cô và học sinh nhà trường lại có thêm ý tưởng làm các hiện vật trưng bày về biển, đảo.

Cô Võ Ngọc Ánh My, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: Mỗi tháng một lần, học sinh được giáo dục chuyên đề về biển, đảo; nghe giới thiệu về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nhờ có các mô hình giáo dục trực quan nên các em học sinh rất phấn khởi đón nhận. Hiệu quả tuyên truyền vì thế được nâng lên.

Em Nguyễn Đồng Thanh Linh, học sinh Lớp 5/3 nói: Qua mô hình và lời giới thiệu của cô giáo, em thấy biển, đảo Việt Nam rất giàu, đẹp. Trên đảo có các chú bộ đội Hải quân không quản ngại vất vả đem lại sự bình yên cho Tổ quốc. Em sẽ cố gắng học giỏi, rèn luyện sức khỏe tốt để sau này lớn lên được làm chiến sĩ Hải quân.

Thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo, mỗi học sinh còn là một tuyên truyền viên tích cực, đem những kiến thức đã được học, giới thiệu với người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, qua đó giúp lan tỏa sâu rộng tình yêu biển, đảo. Anh Hoàng Văn Diệu, phụ huynh cháu Hoàng Trần Bảo Ngọc, Lớp 3/2 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Cháu về nhà hay khoe với bố, mẹ được xem các mô hình về huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và được nghe kể về các chú bộ đội Hải quân không những giỏi rèn luyện mà còn giúp đỡ ngư dân trong đó có cả ngư dân Đà Nẵng. Chúng tôi rất vui vì các cháu được giáo dục tình yêu biển, đảo quê hương từ nhỏ, giúp phát triển, hoàn thiện nhân cách sau này…

“Góc đại dương xanh-Tương lai xanh” đã được công nhận là sáng kiến tiêu biểu trong Đề tài “Một số biện pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm về môi trường và biển, đảo cho học sinh tiểu học” của Ngành Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cách làm mới, đầy sáng tạo của cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

Bài, ảnh: Hoàng Việt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn