Gỡ quả thủy lôi đầu tiên

HQVN -

Ngày 26/2/1967, địch bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa 4 cửa sông ở Bắc Khu IV. Nhận được thông tin địch thả thủy lôi, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị cho Đại đội 8 Công binh cử ngay một tổ 9 đồng chí vào Khu IV phối hợp với lực lượng tại chỗ để khảo sát, nghiên cứu tìm cách tháo gỡ, rà phá.

 

Khi có thông tin bộ đội công binh Quảng Bình vớt được 2 quả thủy lôi của địch thả ở bãi sông gần bến phà Gianh và đưa lên xe ô tô tải chở ra Nam Đàn, Nghệ An thì tổ "tiền trạm" của Đại đội 8 Công binh cấp tốc hành quân đến nơi để hai quả thủy lôi và khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Được sự hợp tác có hiệu quả của bộ đội công binh tỉnh Quảng Bình và nhân dân địa phương, trên cơ sở những kiến thức cơ bản đã được học về thủy lôi, 3 đồng chí của Đại đội 8 Công binh Hải quân là Trương Thế Hùng, Trần Thanh Hoài và Đào Kỳ do đồng chí Trương Thế Hùng, Đại đội phó kỹ thuật trực tiếp phụ trách xác định 2 quả thủy lôi này là loại thủy lôi chìm đáy không chạm nổ, trong đó một quả MK-50 (thủy lôi cảm ứng từ) và một quả MK-52 (thủy lôi cảm ứng âm thanh).

 

Phân đội 4, Đội 8 Công binh sử dụng phương tiện HT-5 rà phá thủy lôi tại luồng Xuân Sơn, sông Gianh, Quảng Bình tháng 7/1968. Ảnh: TL

Mặc dù không có dụng cụ chuyên dùng không nhiễm từ nhưng trước yêu cầu phải nhanh chóng tìm cho được bí mật quả thủy lôi của địch để có giải pháp hiệu quả chống phong tỏa, ngày 15/3/1967, tổ Công binh Hải quân do đồng chí Hùng phụ trách khẩn trương triển khai nghiên cứu, tháo gỡ thủy lôi bằng dụng cụ sửa chữa xe đạp. Sau khi chuyển 2 quả thủy lôi để cách xa nhau, tổ phân công lần lượt từng người vào tiếp cận thủy lôi để tháo gỡ. Những người còn lại thì ẩn nấp ở một vị trí an toàn cách xa chỗ tháo lôi khoảng vài chục mét. Là người chỉ huy, phụ trách kỹ thuật nên đồng chí Trương Thế Hùng nhận trách nhiệm vào tháo gỡ đầu tiên.

Lần đầu tiếp xúc với quả thủy lôi của địch, hoàn toàn không biết về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nó như thế nào, đến lúc nào thì nó sẽ nổ nên vô cùng nguy hiểm. Chấp nhận vào tháo gỡ thuỷ lôi trong tình trạng như vậy là chấp nhận sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào song với quyết tâm cháy bỏng tìm cho được bí mật của vũ khí thuỷ lôi của địch, bằng trí thông minh, lòng quả cảm, không sợ hy sinh, đồng chí Trương Thế Hùng cùng các đồng chí trong tổ thay nhau trực tiếp đương đầu với quả thủy lôi, cẩn thận tháo và đánh dấu thứ tự từng con ốc để tiện theo dõi, đề phòng địch có thể đặt bẫy, thủy lôi sẽ nổ hoặc xì khí độc giết chết người tháo gỡ.

Suốt một ngày trời đầy căng thẳng, vất vả, 3 đồng chí đã làm việc không ngơi nghỉ, liên tục thay nhau ''chiến đấu'' với quả thuỷ lôi của địch, tháo từng con ốc, kíp nổ, đoạn dây điện,... tháo đến đâu, đọc thật to đến đó cho những đồng đội ở xa theo dõi ghi chép lại, phòng trường hợp thủy lôi nổ, người tháo hy sinh nhưng các đồng đội còn lại sẽ biết được địch cài bẫy chống tháo ở vị trí con ốc thứ mấy để rút kinh nghiệm. Cuối cùng, 2 quả thủy lôi của địch đã được các chiến sĩ Công binh Hải quân tháo gỡ an toàn, làm mất hẳn tác dụng chiến đấu.

Hai quả thủy lôi đầu tiên được tháo gỡ nguyên vẹn trở thành đột phá khẩu, lần đầu tiên bộ đội Việt Nam đã “mổ bụng” được quả thủy lôi hiện đại của đế quốc Mỹ để tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của nó và tìm cách vô hiệu chúng. Ngay sau đó, hai quả thủy lôi này được chở ra Hải Phòng. Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời và cử các đồng chí Công binh Hải quân nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm bước đầu tháo gỡ thủy lôi địch cho các lực lượng.

Tiếp đó, từ ngày 27/3-8/4/1967, một tổ khác của Công binh Hải quân do đồng chí Nguyễn Sỹ Trinh, Phó Phòng Kỹ thuật Hải quân phụ trách phối hợp với lực lượng tại chỗ ở khu vực sông Mã đã mò tìm, tháo gỡ thành công 5 quả thủy lôi loại MK-52. Những quả thủy lôi được tháo gỡ đã nhanh chóng được đưa về Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc (ngày 27/3/1967 Bộ Tư lệnh Hải quân sáp nhập với Bộ Tư lệnh Quân khu Đông Bắc thành Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc) để nghiên cứu, khám phá nguyên lý gây nổ.

Xưởng sửa chữa thông tin ra đa (X56) của Hải quân do đồng chí Nguyễn Duy Khoái phụ trách đã dùng các thiết bị đo điện tử để nghiên cứu, đo vẽ tìm ra được sơ đồ mạch điện, thông số kỹ thuật, giúp cho bộ phận nghiên cứu kỹ thuật Hải quân kết hợp với sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, Trường Đại học Bách khoa tìm ra nguyên lý hoạt động chiến đấu của thủy lôi địch, phục vụ cho việc nghiên cứu chế tạo các phương tiện, thiết bị rà phá có hiệu quả.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn