Gỡ khó cho ngư dân

Giá xăng dầu tăng cao, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm và tác động của dịch Covid-19 khiến hàng loạt tàu của ngư dân huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) phải nằm bờ, thậm chí nhiều chủ tàu đã phải bán tàu để trả nợ.

Tàu cá của ngư dân các xã: Sơn Hải, Quỳnh Lập huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nằm bờ thời gian dài do đi biển thua lỗ

Cuối tháng 4, mặc dù đang là tuần đi biển của ngư dân nhưng tại đoạn sông dẫn ra Lạch Thơi của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có đến vài chục tàu, thuyền của ngư dân xã Sơn Hải đang nằm bờ. Trong số này có nhiều tàu đánh bắt xa bờ với chiều dài hơn 15 m.

Dẫn chúng tôi đi "mục sở thị" dọc bờ sông từ cầu Sơn Thọ đến cửa lạch, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Sơn Hải Nguyễn Hữu Kỳ cho biết: Phần lớn trong số tàu đậu ở đây đang rao bán. Có nhiều tàu đang còn nguyên trang thiết bị, có tàu thì đã dỡ ra bán chỉ còn phần thân vỏ và máy. Trong số này có nhiều tàu đã nằm bờ từ nhiều tháng nay...

Trước đây, khi làm ăn thuận lợi, giá mỗi con tàu cỡ vài ba tỷ đồng thì nay chỉ bán được dăm, bảy trăm triệu đồng hay cùng lắm một tỷ đồng. Ngư dân Hoàng Văn Linh, trú tại xóm 2 (xã Sơn Hải), chủ tàu NA 90186 TS dài 18 m đang neo đậu sát bờ, cho biết: Năm 2013, gia đình đầu tư hơn 2 tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng và anh em hơn một nửa) để mua con tàu này. Thời gian đầu vươn ra vùng đảo Bạch Long Vĩ đánh bắt khá hiệu quả, trả nợ ngân hàng đầy đủ. Nay nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, vùng đánh bắt bị thu hẹp, nên ngày một khó. Khó khăn chồng khó khăn khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, hải sản đánh bắt về rất khó tiêu thụ.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng phi mã cùng với giá các loại vật tư khác cũng "ăn theo" giá xăng dầu. Theo tính toán: Mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 7-10 ngày, tàu tiêu thụ hết khoảng 2.500-3.000 lít dầu; riêng tiền dầu đã đội giá so với trước đây khoảng 25 triệu đồng; chưa kể các hàng hóa, vật tư khác, nên đi chuyến biển nào là lỗ chuyến đó. Làm ăn không hiệu quả, không có tiền trả công ngư phủ, mọi người bỏ tàu, đành cho tàu nằm bờ đã nhiều tháng nay. Tàu nằm bờ lâu ngày, máy móc, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, lại tốn kém tiền bảo dưỡng... Vợ chồng anh Linh rao bán tàu với giá 800-900 triệu đồng để trả nợ ngân hàng nhưng rất ít người hỏi mua, hoặc hỏi mua nhưng trả giá thấp, không bán được. Khi hỏi bán được tàu rồi làm gì? Anh Linh buồn rầu: Sẽ vay tiền đi xuất khẩu lao động!

Là địa phương có thế mạnh về khai thác thủy sản với đội tàu xa bờ, công suất máy lớn nhiều nhất tỉnh Nghệ An, sản lượng thủy sản của huyện Quỳnh Lưu hằng năm chiếm khoảng 40% sản lượng của cả tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, số tàu thuyền của huyện đã giảm 30 chiếc, trong đó 22 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên... Riêng đội tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67/CP) của huyện Quỳnh Lưu chiếm gần 50% số tàu 67/CP toàn tỉnh, cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện có 26 tàu đang làm ăn hiệu quả; 18 tàu làm ăn không hiệu quả và thua lỗ; tám tàu không hoạt động (hai tàu bị cháy, chìm và sáu tàu đang bị ngân hàng thu giữ).

Xã Quỳnh Lập vốn là điểm sáng trong đánh bắt hải sản của thị xã Hoàng Mai với đội tàu khá hùng hậu tham gia đánh cá vùng biển xa ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng giờ đây cũng phải đối mặt với khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập Lê Bá Kỷ: Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn xã đã bán 24 con tàu. Hiện có bốn tàu 900 CV đang nằm bờ dài ngày và đang rao bán. Lao động đi biển và dịch vụ mua bán hải sản ngày một thiếu, toàn xã có hơn 400 phụ nữ trước đây chuyên làm nghề dịch vụ nghề cá nay đi làm ở nhà máy giày da ở huyện bạn... Đội tàu 67/CP ở thị xã Hoàng Mai cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn chung. Theo UBND thị xã, trong số 41 tàu đóng mới theo Nghị định 67/CP thì có 11 tàu làm ăn hiệu quả và trung bình, số còn lại đều làm ăn khó khăn.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ đóng mới theo Nghị định 67/CP, thì chỉ có khoảng 1/3 làm ăn hiệu quả, phần còn lại đều làm ăn khó khăn, bị rủi ro, cháy, chìm và bị ngân hàng thu hồi, bán đấu giá...

Tại cuộc họp đánh giá tình hình sản xuất, trả nợ vay vốn đóng mới theo Nghị định 67/CP tại thị xã Hoàng Mai mới được tổ chức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Trần Xuân Học đề nghị chính quyền địa phương rà soát và báo cáo tình hình sản xuất của ngư dân; các ngân hàng rà soát, đánh giá phương án trả nợ ban đầu, xem xét và cơ cấu lại thời gian trả nợ vay vốn để các chủ tàu có thêm thời gian khai thác, gia tăng thu nhập; hỗ trợ chủ tàu thực hiện hồ sơ bảo hiểm tàu cá.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh, chưa bao giờ, ngư dân lại khó khăn như hiện nay; nhất là các ngư dân tham gia đóng mới tàu 67/CP. Do khó khăn chồng chất, nhất là những khó khăn khách quan bởi tác động của dịch Covid-19, của giá xăng dầu tăng cao ngư dân không thể trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn, nên sớm trở thành nợ xấu và khi đó không được hỗ trợ lãi suất khiến ngư dân lại càng gặp khó khăn... Một số trường hợp rơi vào cảnh bị ngân hàng xiết tàu, xiết nhà, trắng tay.

Đồng chí Nguyễn Xuân Dinh đề nghị, Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nên sớm nghiên cứu và ban hành chính sách ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ; tính toán lại thời gian trả nợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67/CP trong suốt thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Cùng với việc khoanh, giãn nợ, các ngân hàng tiếp tục cho ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất cùng các chính sách hỗ trợ liên quan khác. Tiếp tục hỗ trợ việc mua bảo hiểm thân vỏ và thuyền viên. Đối với các tàu 67/CP đánh bắt không hiệu quả, làm ăn thua lỗ, nằm bờ kéo dài, cần có chính sách chuyển đổi sang chủ mới, có khả năng đánh bắt tốt để phát huy giá trị sử dụng của con tàu, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo Nhân Dân điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn