Facebook dự định đóng tính năng nhận dạng khuôn mặt nhằm làm dịu mối quan ngại trong xã hội
Facebook cho biết sẽ đình chỉ hoạt động hệ thống nhận dạng khuôn mặt hàng chục năm tuổi của mình và xóa toàn bộ dữ liệu quét khuôn mặt của hơn một tỷ người dùng ngay trong tháng này.
Động thái trên của “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ nhằm loại bỏ một cách hiệu quả tính năng đã làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư, cũng như dẫn tới các cuộc điều tra của chính phủ, một vụ kiện tập thể và cả những phiền muộn liên quan đến pháp lý.
Chia sẻ trong một bài đăng ngày 2/11, ông Jerome Pesenti, phó chủ tịch phụ trách trí tuệ nhân tạo (AI) tại Meta - công ty mẹ của Facebook, cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới đang tiến hành sự thay đổi vì “có nhiều mối quan ngại trong xã hội về vị trí của công nghệ nhận dạng khuôn mặt”.
“Công ty vẫn coi phần mềm này là một công cụ mạnh mẽ. Tuy nhiên, mọi công nghệ mới đều có khả năng mang đến cả lợi ích và mối bận tâm, và chúng tôi muốn tìm ra điểm cân bằng phù hợp”, ông Pesenti nói thêm.
Mạng xã hội Facebook và các dịch vụ như Instagram, WhatsApp… giờ là một phần của công ty mẹ Meta (Ảnh: Reuters)
Quyết định trên đã đặt dấu chấm hết cho một tính năng được ra mắt vào tháng 12/2010 nhằm giúp người dùng Facebook tiết kiệm thời gian. Phần mềm nhận dạng khuôn mặt tự động xác định những người xuất hiện trong các album ảnh kỹ thuật số của người dùng và gợi ý người dùng “gắn thẻ” chúng bằng một cú nhấp chuột (click), qua đó liên kết tài khoản của họ với những bức ảnh. Facebook hiện đã xây dựng được một trong những kho ảnh kỹ thuật số lớn nhất thế giới, một phần nhờ vào phần mềm này.
Với độ chính xác cũng như vai trò tăng mạnh trong những năm gần đây, công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng trở thành tâm điểm của sự tranh luận do cách mà nó có thể bị các chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật và các công ty sử dụng sai mục đích.
Facebook chỉ sử dụng các khả năng nhận dạng khuôn mặt trên nền tảng của mình và không bán phần mềm cho bên thứ ba. Mặc dù vậy, tính năng này sau đó đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với công ty liên quan đến quyền riêng tư và khía cạnh pháp lý. Những người ủng hộ quyền riêng tư liên tục đưa ra câu hỏi về việc Facebook đã thu thập được bao nhiêu dữ liệu khuôn mặt và dự định làm gì với những thông tin đó. Những hình ảnh khuôn mặt được tìm thấy trên các trang mạng xã hội có thể được các công ty khởi nghiệp và các tổ chức khác sử dụng để phát triển phần mềm nhận dạng khuôn mặt.
Phần mềm nhận dạng khuôn mặt nằm trong số các vấn đề được quan tâm khi Facebook bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt số tiền kỷ lục 5 tỷ USD liên quan đến các vụ khiếu nại về quyền riêng tư năm 2019. Năm ngoái, “gã khổng lồ” mạng xã hội cũng đồng ý trả 650 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể ở Illinois cáo buộc Facebook vi phạm luật tiểu bang yêu cầu phải có sự đồng ý của người dân nếu như muốn sử dụng thông tin sinh trắc học của họ, bao gồm cả “hình dạng khuôn mặt”.
Facebook đưa ra thông báo về công nghệ nhận dạng khuôn mặt của mình trong bối cảnh công ty cũng đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao của công chúng. Những tháng gần đây, các nhà lập pháp và cơ quan quản lý đã tỏ ra vô cùng bất mãn với Facebook sau khi Frances Haugen, một cựu nhân viên của công ty, tiết lộ hàng nghìn tài liệu nội bộ cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới ý thức rõ về việc nó đã tạo điều kiện cho sự lan truyền thông tin sai lệch, phát ngôn gây thù hận và nội dung kích động bạo lực như thế nào.
Những tiết lộ của Haugen đã khiến Facebook phải đối mặt với các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ cũng như các cuộc điều tra về mặt pháp lý. Tuần trước, Giám đốc điều hành Facebook Inc. Mark Zuckerberg đã chính thức đổi tên công ty mẹ của Facebook thành Meta, đồng thời tuyên bố sẽ chuyển nguồn lực sang việc phát triển các sản phẩm cho một thế giới kỹ thuật số được gọi là “metaverse” (vũ trụ ảo).
Theo công ty, sự thay đổi này sẽ tác động đến hơn 1/3 số người dùng hàng ngày của Facebook đã bật tính năng nhận dạng khuôn mặt cho tài khoản của họ. Với tính năng này, người dùng nhận được cảnh báo khi những hình ảnh hoặc video mới của họ được tải lên mạng xã hội. Tính năng này cũng đã được sử dụng để phát hiện và đánh dấu các tài khoản có thể đang mạo danh người khác, đồng thời được tích hợp vào phần mềm mô tả hình ảnh cho người dùng khiếm thị.
Người phát ngôn của Meta Jason Grosse cho biết: “Để đưa ra thay đổi này, chúng tôi đã phải cân nhắc những trường hợp mà nhận dạng khuôn mặt có thể hữu ích với những mối lo ngại ngày càng tăng về việc sử dụng công nghệ này nói chung”.
Mặc dù Facebook dự định xóa hơn một tỷ mẫu nhận dạng khuôn mặt - cụ thể là các bản quét kỹ thuật số đặc điểm trên khuôn mặt - từ nay đến cuối năm, tuy nhiên công ty sẽ không từ bỏ phần mềm vận hành hệ thống, đó là một thuật toán tiên tiến có tên DeepFace. Ngoài ra, ông Grosse cho hay, “gã khổng lồ” mạng xã hội cũng không loại trừ việc tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào các sản phẩm trong tương lai.
Dẫu vậy, động thái của Facebook vẫn nhận được sự hoan nghênh từ phía những người ủng hộ quyền riêng tư.
Adam Schwartz, luật sư cấp cao của Electronic Frontier Foundation - một tổ chức tự do dân sự, nhận định việc Facebook rút lui khỏi lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt là một thời khắc quan trọng trong bối cảnh sự bất mãn với công nghệ này đang ngày càng gia tăng ở Mỹ. Ông cho rằng việc công ty sử dụng tính năng giám sát nhận diện khuôn mặt là rất nguy hiểm đối với quyền riêng tư của mọi người.
Facebook không phải là “đại gia” công nghệ đầu tiên ngừng sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Trong những năm gần đây, Amazon, Microsoft và IBM cũng đã tạm dừng hoặc ngừng bán các sản phẩm nhận dạng khuôn mặt cho các cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư và thiên vị thuật toán và kêu gọi phải có những quy định rõ ràng hơn.
Phần mềm nhận dạng khuôn mặt của Facebook có lịch sử lâu đời và khá đắt đỏ. Khi phần mềm này ra mắt ở thị trường châu Âu năm 2011, các cơ quan bảo vệ dữ liệu cho rằng động thái của Facebook là bất hợp pháp và công ty cần có sự đồng ý để phân tích hình ảnh của một người và trích xuất những đường nét riêng của mỗi khuôn mặt. Năm 2015, công nghệ này cũng khiến “ông lớn” mạng xã hội Mỹ vướng vào một vụ kiện tập thể ở bang Illinois.
Trong thập kỷ qua, Trung tâm Thông tin riêng tư Điện tử (EPIC) - một nhóm ủng hộ quyền riêng tư có trụ sở tại Washington - đã 2 lần đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Liên bang về việc Facebook sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt. Năm 2019, Ủy ban quyết định đưa ra án phạt đối với Facebook, trong đó có đề cập tới nguyên nhân là những cài đặt quyền riêng tư khó hiểu của mạng xã hội này chung quanh tính năng nhận dạng khuôn mặt.
Bình luận về động thái mới của Facebook, Giám đốc điều hành EPIC Alan Butler cho biết: “Chúng tôi đã đề cập tới vấn đề này 10 năm trước đây, nhưng nó vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài”.
Bày tỏ vui mừng trước quyết định của Facebook, song ông Butler nhấn mạnh việc để vấn đề này kéo dài là minh chứng cho sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ hơn từ phía chính phủ Mỹ.
Ông cũng kêu gọi Facebook cần tiếp tục hành động để ngăn không cho những bức ảnh trên nền tảng mạng xã hội của mình bị các công ty khác sử dụng nhằm tăng cường cho hệ thống nhận dạng khuôn mặt của họ, chẳng hạn như Clearview AI và PimEyes - 2 công ty khởi nghiệp chuyên lấy lại ảnh từ các trang web công cộng, trong đó có Facebook và ứng dụng “anh em” Instagram.
Theo Phó Chủ tịch Meta Jerome Pesenti, vai trò lâu dài của công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong xã hội cần được tranh luận cởi mở, và công ty sẽ tiếp tục tham gia và hợp tác với các nhóm xã hội dân sự cùng các cơ quan quản lý trong cuộc tranh luận này.
Meta đã thảo luận về việc bổ sung những khả năng nhận dạng khuôn mặt cho một sản phẩm trong tương lai. Trong một cuộc họp nội bộ vào tháng 2 vừa qua, một nhân viên đã đặt câu hỏi liệu công ty có cho phép mọi người “đánh dấu khuôn mặt của họ là không thể tìm kiếm được” hay không nếu các phiên bản tương lai của một thiết bị kính thông minh được tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Giải đáp thắc mắc của các nhân viên, ông Andrew Bosworth, người sẽ đảm nhận vị trí giám đốc công nghệ của Meta vào năm tới, cho rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có những lợi ích thực sự nhưng đồng thời cũng ẩn chứa những rủi ro.
Theo người phát ngôn của Meta, ông Grosse, công ty đang tiến hành các cuộc thảo luận trong nội bộ cũng như với bên ngoài về lợi ích và tác hại tiềm ẩn của công nghệ này.
“Chúng tôi đang gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự và những người ủng hộ quyền riêng tư từ khắp nơi trên thế giới để có thể hiểu đầy đủ quan điểm của họ trước khi đưa ra quyết định tích hợp công nghệ này vào bất kỳ sản phẩm nào trong tương lai”, ông cho hay.
Theo Nhân dân điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh - ( 20-11-24 04:00 )
- MB tiếp tục dẫn đầu thị trường về CASA trong 6 tháng đầu năm - ( 31-07-24 10:00 )
- MB triển khai chương trình gửi tiền “Sinh nhật vàng – Rước xế sang” - ( 30-07-24 10:00 )
- MB Ageas Life bổ nhiệm tân Chủ tịch Hội đồng thành viên - ( 29-07-24 10:00 )