Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chính sách BHYT của Việt Nam khá ổn định, người bệnh tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh dễ dàng khi quỹ BHYT chi trả 100% tại tuyến xã; 80% số trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh BHYT; khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở đạt hơn 70%...
Nhưng chính sách BHYT đang đứng trước thách thức do năng lực, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Những bất cập về cơ chế tài chính, quy trình thanh quyết toán, cũng như giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh, chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở.
Đặc biệt, Quỹ BHYT đang mất cân đối vì tình trạng bệnh nhân sử dụng dịch vụ vượt tuyến không cần thiết và bệnh nhân nội trú trái tuyến gia tăng, làm gia tăng chi phí cho khám chữa bệnh BHYT. Mặt khác, tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh tại tuyến xã giảm, tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng và áp dụng chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm giảm tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, cùng như làm mất vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng của tuyến y tế xã.
Những bất cập trên đang tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, khi vẫn còn gần 9% người dân chưa tham gia BHYT, trong khi Việt Nam đang phải đối phó già hóa dân số, đồng nghĩa với chi phí cho khám chữa bệnh sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trước yêu cầu cấp thiết sửa đổi Luật BHYT, Bộ Y tế đang gấp rút soạn thảo dự án Luật BHYT (sửa đổi), lấy ý kiến rộng rãi để trình Quốc hội trong năm 2024. Trong lần sửa đổi này sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn: Mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Giải đáp bức xúc người tham gia BHYT vẫn phải bỏ số tiền lớn khi đi khám chữa bệnh (chiếm gần 40% chi phí khám chữa bệnh), lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, dự án Luật BHYT (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi, tạo công bằng và thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Theo đó, ngoài chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định hiện nay, người tham gia BHYT sẽ được chi trả khi sử dụng các dịch vụ: dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai; sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh mạn tính.
Bên cạnh bổ sung chi trả khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sử dụng vaccine, sinh phẩm và dinh dưỡng sử dụng trong điều trị, người tham gia BHYT được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân do cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu quản lý.
Thiết nghĩ, sửa đổi Luật BHYT nhằm thể chế quan điểm của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Không những đồng bộ với các luật hiện hành, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, luật sửa đổi sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu BHYT cho toàn dân, tạo nền tảng xây dựng cộng đồng xã hội khỏe mạnh, góp sức cùng phát triển đất nước.
PV (Tổng hợp)