Điểm tựa trên biển

HQVN -

Năm vừa qua bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam còn là lực lượng ở tuyến đầu phối hợp với các lực lượng bảo vệ hoạt động kinh tế biển, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển, để Tổ quốc mạnh lên từ biển.

Vững vàng trên thềm lục địa

Cũng như bao lần ra biển trước đây, trước khi vào đơn vị để ngày mai lên đường làm nhiệm vụ ở thềm lục địa, Thuyền trưởng T bảo với vợ con rằng, dịp này biển yên nên tàu chắc chỉ trực từ 20 đến 25 ngày thôi, việc chuẩn bị cho con vào năm học mới đợi bố về sẽ lo. Tuy nhiên, khác với các chuyến biển trước đây, từ ngày N, tất cả các tàu làm nhiệm vụ trên biển được lệnh thực hiện nhiệm vụ mới. Thế rồi, hai tháng… rồi phải đến hơn 90 ngày, Thuyền trưởng T và đồng đội mới vào bờ. Rồi vài tuần sau, Thuyền trưởng T và đồng đội lại lên đường nhận nhiệm vụ mới. Anh cười hiền khi tôi nhắc đến câu chuyện đưa con đến lớp nhân dịp tựu trường vừa qua “Lính biển mà, đành hẹn với con năm học tới nhà báo ạ!”.

Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng,Tư lệnh Hải quân thăm, tặng quà ngư dân tại Âu tàu đảo Đá Tây (tháng 4-2019)

Câu chuyện của thuyền trưởng T cũng là câu chuyện của các gia đình Hải quân có chồng, con thường xuyên làm làm nhiệm vụ trên biển. Hiếm có năm nào mà Quân chủng điều động số lượt tàu làm nhiệm vụ trên biển nhiều như năm vừa qua. Điều đáng ghi nhận là cho dù phải đối mặt với bao thử thách, hiểm nguy, đòi hỏi bản lĩnh, lòng quả cảm và hơn hết là đức hy sinh nhưng mỗi một cán bộ, chiến sĩ Hải quân thể hiện được “chất thép” về ý chí và sự can trường, nhất là quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Văn Yên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 2 chia sẻ: Năm vừa qua số lượt tàu và số lượt cán bộ, chiến sĩ của Vùng 2 làm nhiệm vụ trên biển tăng nhiều hơn so với năm trước. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động kinh tế biển, các tàu Vùng 2 còn trực tiếp tham gia tuần tra, tuần tiễu trên vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực, bảo vệ tàu ngư dân ta khai thác hải sản hợp pháp. Điều làm anh Yên tâm đắc nhất là cán bộ, chiến sĩ chấp hành rất nghiêm mệnh lệnh của trên, quyết tâm chiến đấu cao, vững vàng, bản lĩnh, xử trí đúng đối sách, kiên trì, kiên quyết nhưng khôn khéo để vừa giữ vững chủ quyền vừa giữ được môi trường hòa bình trên biển. Điều đáng quí là cho dù hậu phương của không ít cán bộ, chiến sĩ còn gặp khó khăn nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Ông Lê Hiếu, Thuyền trưởng Tàu BV 92129 TS không giấu được niềm vui khi được các tàu của Vùng 2 hỗ trợ nước ngọt, lương thực thực phẩm khi tàu của ông đánh bắt trên vùng biển giáp ranh mới đây, nhất là sự xuất hiện của các tàu Hải quân, Kiểm ngư ở khu vực này đã tạo niềm tin, sự yên tâm thực sự đối với bà con. Ông chia sẻ “Bà con yên tâm lắm! lần đầu thấy rất nhiều tàu Hải quân, Kiểm ngư hành quân theo đội hình ra bảo vệ bà con như vầy không vui sao được. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm qui định về đánh bắt trên vùng biển theo qui định và tuyên truyền để các tàu khác không đánh bắt lấn sang vùng biển nước ngoài”.

Câu chuyện giải cứu ngư dân là dấu ấn năm vừa qua của Vùng 2 cũng như của Quân chủng Hải quân. Bên cạnh tổ chức tuyên truyền có hiệu quả Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, các tàu của Vùng 2 đã hướng dẫn để hơn 3 nghìn lượt tàu cá ngư dân ta không sang đánh bắt ở vùng biển nước khác, phối hợp với các lực lượng tổ chức ngăn chặn 12 tàu công vụ nước ngoài vây bắt trái phép 21 tàu cá của bà con ngư dân ta trên vùng biển giáp ranh, giải cứu thành công 3 vụ với 12 lượt tàu, hơn 130 lượt ngư dân.

Điểm tựa nơi tiền tiêu

Nếu ví các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam là lá chắn vòng ngoài của các mỏ dầu mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia đang khai thác thì các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa là điểm tựa tiền tiêu chiến lược, là lá chắn sườn phía Đông của Tổ quốc.

Năm vừa qua ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường” thì các đảo ở quần đảo Trường Sa thực sự là điểm tựa tiền tiêu, xứng đáng là những khu kinh tế, quốc phòng nơi đầu sóng.

Tàu hộ vệ tên lửa Hải quân Nhân dân Việt Nam tuần tra bảo vệ thềm lục địa

Chỉ riêng trong đợt áp thấp đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm Hậu cần-kỹ thuật (HC-KT) đảo Sinh Tồn và đảo Song Tử Tây đã cứu kéo 81 tàu cá với gần 1 nghìn ngư dân vào tránh trú áp thấp an toàn. Thiếu tá Đặng Thành Quân, Chỉ huy trưởng Trung tâm HC-KT đảo Song Tử Tây chia sẻ: Dù khá vất vả vì trong ngày 2 và 4-11 nhưng có đến 51 tàu cá, gồm 48 tàu của tỉnh Bình Định, 3 tàu của tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 500 ngư dân vào vào trú, tránh áp thấp tại Âu tàu đảo Song Tử Tây cùng một lúc. Số lượng tàu và ngư dân đông nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo và âu tàu xác định cứu dân cũng là nhiệm vụ chiến đấu nên tất cả đều nỗ lực cao nhất để neo đậu, chằng buộc tàu và thu xếp nơi ăn, nghỉ chu đáo cho bà con.

Thượng tá Huỳnh Văn Đa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn 129 cho biết: Chỉ riêng các Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Sinh Tồn, Trường Sa, làng chài đảo Núi Le, Tốc Tan năm vừa qua đã hỗ trợ hơn 400m3 nước ngọt miễn phí cho hàng chục lượt tàu cá các tỉnh miền Trung; sửa chữa máy móc, trang bị cho 12 tàu cá gặp sự cố trên biển vào âu tàu nhờ sửa chữa, cứu kéo và đưa nhiều tàu bị nạn vào đất liền.

Ông Phạm Văn Danh, quê ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, Thuyền trưởng Tàu BĐ 99137 TS rất cảm động khi được tàu Hải quân cứu giúp và đưa vào bờ an toàn mới đây. Ông kể, ngày 9-10-2019, khi đang đánh bắt trên vùng biển Đá Tây thì tàu bị phá nước và bị chìm, 12 thuyền viên rất lo lắng vì thời tiết xấu, tàu đã chìm hẳn, anh em trôi nổi trên biển nhờ phao bè. Rất may là sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, chỉ huy đảo và Tàu 624 của Hải đoàn 129 đã khẩn trương đến nơi tàu cá bị chìm, đưa anh em lên đảo ăn nghỉ và đề nghị trên điều động Tàu 741 đưa vào bờ an toàn. Ông Danh bùi ngùi: “Nghề biển vốn nhiều rủi ro, đánh bắt ở biển xa lại càng nguy hiểm. Khi hoạn nạn mà được bộ đội Hải quân kịp thời hỗ trợ như vậy thì thiệt là quí giá. Các anh đã cho chúng tôi sống lại lần hai” 

 Bên cạnh hỗ trợ ngư dân về hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn, các đảo, âu tàu còn là điểm tựa về hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho quân dân nơi đây. Năm vừa qua các đảo trên quần đảo Trường Sa đã khám, cấp thuốc cho gần 11 nghìn lượt người, riêng ngư dân là gần 4 nghìn trường hợp; cấp cứu 162 người, trong đó có gần 100 ngư dân đánh bắt trên biển vào đảo cấp cứu, cứu chữa, có 28 ca bệnh nặng đã được quân y trên đảo xử lý thành công. Quân chủng đã đề nghị trên sử dụng 8 lượt máy bay đưa 9 bệnh nhân vào bờ cấp cứu an toàn.

Trong chuyến thăm, kiểm tra Trường Sa mới đây, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân khẳng định: Quân chủng tiếp tục xây dựng các đảo trở thành những điểm chốt tiền tiêu chiến lược, vững chắc. Bên cạnh nhiệm vụ SSCĐ, các đảo, điểm đảo luôn là điểm tựa tiền tiêu để đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhất là làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Quân chủng Hải quân sẽ phối hợp với các lực lượng để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ để bà con yên tâm khai thác hải sản. Sau khi nói chuyện, thăm, tặng quà cho ngư dân có tàu đang neo đậu tại âu tàu Đá Tây, Tư lệnh Hải quân dành nhiều thời gian khảo sát việc bảo đảm hạ tầng cho hậu cần nghề cá và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để phát huy vai trò của các âu tàu, làng chài trên quần đảo hiện nay.

Bảo vệ chủ quyền từ sớm, từ xa

Hiếm có năm nào mà Quân chủng cử số lượt tàu và cán bộ, chiến sĩ tham gia đối ngoại quốc phòng nhiều như năm vừa qua. Nếu như năm 2014, chuyến đối ngoại quốc phòng xa của Quân chủng nhất là cử tàu tham dự Duyệt binh tàu quốc tế tại Ấn Độ thì năm 2019, Quân chủng cử các biên đội tàu tham dự các sự kiện đối ngoại quốc phòng ở Châu Âu và Đông Á. Đó là biên đội tàu 011, 015 thăm Trung Quốc và dự Duyệt binh tàu quốc tế tại Thanh Đảo; Tàu 015 thăm Liên bang Nga và dự Duyệt binh tàu nhân Ngày truyền thống Hải quân Nga… Việc tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và cử các chuyến tàu thăm, giao lưu với các nước vừa góp phần nâng cao vị thế của Hải quân Việt Nam trên trường quốc tế, vừa để thực hiện phương châm đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta là “Tích cực đối ngoại quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa”.

Tàu ngư dân neo đậu tránh trú bão ở Nhà giàn DK1

Trong các chuyến đối ngoại quốc phòng, nhất là ở các cuộc hội đàm, tiếp xúc, lãnh đạo Quân chủng và các đoàn của Quân chủng đều thể hiện quan điểm nhất quán là Hải quân Việt Nam mong muốn tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hải quân, quân đội và nhân dân các nước vì lợi ích chung trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi; đồng thời cũng bày tỏ quan điểm của mình trước các vấn đề mà các nước cùng quan tâm, nhất là giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình và phải tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Đặc biệt, lãnh đạo Quân chủng cũng bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình trước những vấn đề nhạy cảm mà hai bên cần kiềm chế, không có những hành động đơn phương, như đe dọa vũ lực, các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Các đề xuất như lập đường giây nóng, tăng cường trao đổi, đối thoại để giải quyết bất đồng của Hải quân Việt Nam đều được lãnh đạo Hải quân các nước ủng hộ và cam kết thực hiện.

Việc Hải quân Việt Nam cùng các nước ASEAN tham gia diễn tập an ninh hàng hải với Trung Quốc (ACMEC-18, 19), Mỹ (tháng 9-2019) trong thời gian gần đây cũng là phương thức tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa nguy cơ xung đột hải quân trên biển. Ngoài việc tăng cường hợp tác Hải quân, trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng lãnh đạo Quân chủng luôn đề nghị các nước giải quyết vấn đề ngư dân đánh bắt ở vùng biển chồng lấn trên tinh thần nhân đạo, tránh việc gây tổn hại đến vật chất, tính mạng của ngư dân Việt Nam. Sự vào cuộc mạnh mẽ của Hải quân Việt Nam cả trên đàm phán ngoại giao và cả trên thực địa đã giảm thiểu phần nào số tàu ngư dân ta bị các nước bắt giữ, xử phạt so với những năm trước, nhất là khu vực biển giáp ranh với Thái Lan, Cam-pu-chia, Trung Quốc đã ổn định hơn so với những năm trước.

Thời gian tới, rất mong lãnh đạo chính quyền, các cơ quan chức năng các địa phương ven biển cần tăng cường tuyên truyền và có các chế tài phù hợp, kiên quyết để hạn chế việc ngư dân sang đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển các nước láng giềng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cùng các lực lượng trên biển bảo vệ ngư trường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

                                                             Bài, ảnh: Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn