Dịch tả lợn châu Phi: Không thể lơi là song đừng quá hoang mang

HQVN -

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 19-3, cả nước đã có tổng cộng 20 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Các giải pháp khống chế, bao vây, ngăn chặn dịch lan rộng tiếp tục được triển khai. Trong lúc này, mọi người khó tránh khỏi tâm lý hoang mang trước tình hình dịch bệnh. Thượng tá Dương Văn Thiện, Phó Chủ nhiệm Quân y Hải quân đã chia sẻ những thông tin với phóng viên Báo Hải quân về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Trong những ngày gần đây, dư luận đang phân vân về DTLCP có khả năng lây sang người hay không? Là cơ quan chuyên môn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội của Quân chủng, đồng chí có thể cho biết thông tin về bệnh dịch này?

Thượng tá Dương Văn Thiện: DTLCP do virus ASFV gây nên, có nguy cơ lây lan nhanh và rất khó kiểm soát. Qua các tài liệu nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, chúng tôi khẳng định DTLCP hiện đã có ở các địa phương không lây nhiễm hay đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao (lên đến 100%). Theo thông cáo báo chí của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), DTLCP có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

 Thường xuyên dọn dẹp và khử trùng chuồng trại là một biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hữu Hùng

PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về virus ASFV?

Thượng tá Dương Văn Thiện: Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus… ASFV sống được rất lâu ở môi trường bình thường; có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng; sống được trong máu khô 70 ngày... Tuy nhiên, ASFV chịu nhiệt kém; tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 500C, 20 phút trong nhiệt độ 600C, 2 phút trong nhiệt độ 900C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 1000C.

Trên thực tế, DTLCP rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Thông tin về dịch bệnh không đầy đủ khiến nhiều người hoang mang. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định DTLCP không gây bệnh ở người vì thế mọi người không nên tẩy chay thịt lợn an toàn.

PV: Theo đồng chí, để chủ động phòng, chống DTLCP, các đơn vị cần thực hiện các biện pháp nào.

Thượng tá Dương Văn Thiện: Trước tiên, các đơn vị cần khẩn trương tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng làm công tác chăn nuôi, chế biến hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh và dấu hiệu nhận biết bệnh (sốt cao; xuất huyết trên vùng da mỏng như cổ, bụng, sau đó nhanh chóng chuyển sang màu tím; giai đoạn cuối có hiện tượng ỉa chảy hoặc táo bón; khi chết, xác lợn nhanh cứng…); hướng dẫn cách phòng, chống, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ quá mức ảnh hưởng tới công tác chăn nuôi của đơn vị.

Các đơn vị nên tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trong đó làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức kháng bệnh của vật nuôi; hằng ngày vệ sinh thu gom phân, rác thải ra nơi quy định; định kỳ 1-2 lần/tuần phun hóa chất Cloramin B, T, Handiol, Crezil… khử trùng toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, khu vực xung quanh (đơn vị nằm trong vùng dịch phải phun hóa chất 1 lần/ngày). Đồng thời, đơn vị có biện pháp ngăn chặn các loài côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi khác đến; hạn chế tối đa người và phương tiện không có nhiệm vụ ra vào khu vực chăn nuôi; duy trì hố sát trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất trước khu vực chăn nuôi; không bổ sung hoặc tăng đàn khi trên địa phương đang có dịch; tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh khác theo qui định tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi. Lưu ý, nguồn thức ăn tận dụng từ nhà ăn, nhà bếp phải được nấu chín kỹ trước khi cho lợn sử dụng tránh trường hợp mầm bệnh tồn tại trong thực phẩm. Đối với các đơn vị chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp cần chú ý phun hóa chất khử trùng các phương tiện vận chuyển để tiêu diệt mầm bệnh từ bên ngoài.

Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát, nếu phát hiện lợn có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải báo cáo ngay với chỉ huy đơn vị và cơ quan thú y địa phương, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp xác định dương tính với vi rút DTLCP, đơn vị phải phối hợp với địa phương tiến hành tiêu hủy toàn đàn theo qui định đồng thời tổng vệ sinh, sát trùng chuồng trại, khu vực. Tuyệt đối không giấu dịch, không vận chuyển lợn từ nơi có dịch đi nơi khác, không giết mổ lợn để tránh làm dịch lây lan.

Những đơn vị chưa tự túc đủ định lượng thịt lợn khi khai thác ngoài thị trường cần mua tại cơ sở uy tín, chất lượng, có giấy xác nhận kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y; tuyệt đối không mua lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhằm ngăn chặn triệt để dịch bệnh phát sinh và lây lan vào đơn vị đồng thời àm tốt khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau quá trình chế biến để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí về những thông tin hữu ích trên!

Thực hiện: Thanh Thủy

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn