Đế quốc Mỹ thả thủy lôi lần thứ 2

HQVN -

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta ở miền Nam đã đẩy quân ngụy Sài Gòn vào tình trạng nguy khốn. Nhằm vực đỡ cho quân ngụy, cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh tiến hành một chủ trương có ý nghĩa chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực hiện một phần “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến. Tổng thống Ních-xơn tuyên bố: “Thà thất bại trong bầu cử tổng thống còn hơn thua trong cuộc chiến tranh này”.

Đế quốc Mỹ đã thực hiện một cuộc phiêu lưu chiến tranh mới hết sức nguy hiểm đối với miền Bắc, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và nhân dân tiến bộ Mỹ, hòng đánh một đòn hiểm độc có tính chất quyết định để bóp nghẹt miền Bắc, cắt đứt nguồn tiếp tế từ ngoài vào nước ta và từ miền Bắc vào miền Nam, làm cho ta bị kiệt quệ và buộc phải thay đổi quyết tâm, chấp nhận thương lượng theo những điều kiện do Mỹ đặt ra.

Đầu tháng 4/1972, Mỹ cho lực lượng lớn hải quân và không quân đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam với mức độ vô cùng ác liệt. Cùng với tập trung đánh phá các cơ sở kinh tế, quốc phòng trên đất liền, chúng đã tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên khắp các luồng lạch, sông biển với tính chất, mức độ khốc liệt hơn rất nhiều so với cuộc phong tỏa trước đây. Ngày 9/5/1972, đế quốc Mỹ cho hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4... từ Hạm đội 7 ở Biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường xuống luồng Nam Triệu, Hải Phòng và vùng biển khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Hội, Sông Gianh, các cửa sông chính thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa... mở đầu cho cuộc phong tỏa sông biển miền Bắc lần thứ hai.

Máy bay của Mỹ thả bom từ trường xuống biển Hải Phòng trong chiến dịch phong tỏa sông biển miền Bắc năm 1972. Ảnh: TL

Giao thông ra vào các cảng bị tê liệt, 26 tàu của Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc, Cu Ba... bị kẹt tại cảng Hải Phòng với hàng chục ngàn tấn hàng chưa kịp bốc dỡ và hàng trăm ngàn tấn hàng tồn đọng ở các kho bãi cảng không chuyển đi được. Các tàu đang ở phao số 0 không vào được cảng phải quay ra khơi, dùng tàu Hải quân chở hoa tiêu tìm đường vào các nơi trú đậu an toàn ở khu vực vịnh Hạ Long. Chúng còn tuyên bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày để yêu cầu các tàu buôn nước ngoài nhanh chóng rời khỏi các cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả. Đây là đòn vừa đánh phủ đầu ta, vừa thăm dò để chuẩn bị cho những hành động chiến tranh phá hoại khốc liệt tiếp theo. Chỉ trong 10 ngày, từ 9 đến 19/5/1972, đế quốc Mỹ đã rải 43 bãi thủy lôi, bom từ trưởng ở các cửa sông, hải cảng, đường hàng hải quốc tế, các khu chuyển tải và vùng ven biển miền Bắc với tổng diện tích các bãi lôi lên tới hơn 655km2, trong đó có 481km2 ở biển và 174km2 ở các luồng sông.

Cũng như cuộc phong tỏa lần thứ nhất (1967-1968), địch thực hiện nhiều đợt thả thủy lôi, bom từ trường. Đợt 1 từ ngày 9 đến 19/5/1972, chúng thả ồ ạt để phủ đầu, đồng thời mang tính chất thăm dò, đuổi tàu buôn nước ngoài ra khỏi các cảng của ta. Đợt 2 từ ngày 27/8 đến 4/10/1972, địch tiếp tục thả hàng ngàn quả phong tỏa các cảng chính và cửa sông từ Hải Phòng đến Nam Quân khu 4. Đợt 3 từ ngày 18/12/1972 đến 15/1 /1973, chúng tiếp tục thả bổ sung ở nhiều nơi. Hành động của chúng với mức độ leo thang từ thấp lên cao, từ thả để thăm dò phản ứng tiến đến thả đồng loạt, từ phạm vi hẹp đến rộng khắp, từ chỉ thả thủy lôi đến xen lẫn thủy lôi, bom từ trường và bom phá, với các thủ đoạn hết sức xảo quyệt. Chúng tận dụng triệt để các điều kiện thời gian, thời tiết, khí tượng thủy văn phức tạp để thực hiện âm mưu phong tỏa.

Đặc biệt, từ ngày 18 đến 29/12/1972, đế quốc Mỹ mở chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II, dùng máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay chiến thuật hiện đại nhất, điên cuồng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, kết hợp với tàu chiến bắn phá ác liệt các vùng ven biển, đồng thời tiếp tục thả thủy lôi, bom từ trường phong tỏa các khu vực cảng chính Hải Phòng, chia cắt, cô lập các đầu mối giao thông thủy, bộ... làm cho các tuyến vận tải ven biển của ta bị tắc nghẽn, nhiều tuyến đường sông cũng bị ngừng trệ. Sau khi chiến dịch Lainơ  Bếch-cơ II thất bại, buộc phải chấm dứt ném bom trên miền Bắc Việt Nam kể từ ngày 30/12/1972 và trở lại đàm phán ở Pari nhưng Mỹ vẫn tiếp tục thả thủy lôi, bom từ trường xuống các vùng sông, biển ở phía Nam Quân khu 4. Đến ngày 15/1/1973 chúng mới chấm dứt hoàn toàn việc thả thủy lôi.

Khác với cuộc phong tỏa lần trước, đế quốc Mỹ đã áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật quân sự để đưa cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa lần thứ hai lên một quy mô mới. Chúng sử dụng loại thủy lôi MK-52 cải tiến có lắp đầu suy giảm số 5 thả xen kẽ với bom từ trường DST-36 được cải tiến đầu nổ MK42 với 4 loại ngòi nổ có tính năng gây nổ và chế độ định thời gian tự hủy khác nhau. Chúng phong tỏa ở tất cả các cửa sông, hải cảng, cả trong sông, ngoài biển và trong vịnh, cả luồng chính và luồng phụ nhằm ngăn chặn triệt để các hoạt động giao thông vận chuyển của ta, khiến cho cuộc chiến đấu chống phong tỏa của quân và dân ta vô cùng gian khổ, quyết liệt.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn