Để mọi người hiểu đúng, hiểu sâu sắc về biển, đảo Việt Nam

HQVN -

PGS.TS Nguyễn Chu Hồigiảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam. Ông có nhiều công trình lớn nghiên cứu về khoa học và quản lý biển. Những đóng góp của ông đã giúp nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu sâu về biển, đảo Việt Nam, góp phần tôn thêm giá trị của biển, đảo trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Phóng viên (PV): Thưa PGS.TS Chu Hồi, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu và truyền cảm hứng về biển, đảo cho các thế hệ. Vậy ông có thể chia sẻ cơ duyên dẫn ông đến với lĩnh vực này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Không chỉ dành phần lớn mà là cả cuộc đời, đến nay có thể nói như vậy. Tôi không sinh ra ở vùng biển nhưng cả cuộc đời tôi gắn bó với biển, nghiên cứu và giảng dạy về biển. Biển cứ cuốn hút tôi từ khi còn trẻ và chắc đến tận lúc không thể làm việc được nữa mới đành "nằm yên nghĩ về biển". Sinh ra và có thời thơ ấu bên ven bờ sông Hồng, hàng ngày ngắm nhìn dòng sông chảy về xuôi khiến tôi luôn nghĩ về miền tận cùng của dòng sông. Sau này ở trường đại học, tôi được học về khoa học trái đất, về biển. Lúc làm tiến sĩ ở Ba Lan, tôi thực hiện đề tài về vùng cửa sông-nơi gặp gỡ đất với biển. Đúng là cơ duyên đã dẫn tôi từ sông ra biển lớn.

Nói đúng ra, biển và giờ là đại dương cuốn hút tôi, tạo cho tôi nguồn cảm hứng lớn. Nên tôi luôn phải đọc, tìm tòi, viết, đi thực tế và đi nói chuyện về biển Việt Nam cả trên thế giới và trong nước, và càng thấy đại dương mênh mông, biển rộng dài, quan trọng và giàu đẹp với nhiều bí ẩn khoa học. Hiểu biển và đại dương không thấu dù tôi đã cố gắng gần hết cuộc đời theo đuổi nghiệp biển. Vì thế, tôi phải tranh thủ truyền cảm hứng biển cho lớp trẻ, hy vọng có lớp người thừa kế sự nghiệp lớn của đất nước; lại còn đi nói cho xã hội hiểu, nhân dân hiểu đúng và sâu sắc về biển.

PGS.TS Chu Hồi (Người ngồi giữa) tại buổi tham luận Hội thảo khu vực về An  ninh thực phẩm và quản lý nghề cá Đông Nam Á tại Thái Lan tháng 3-2018

PV: Thưa PGS.TS! Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”. Ông có chia sẻ gì về mục tiêu này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi đã có mặt ở 65 quốc gia ven biển, quốc đảo trên thế giới, có dịp nhìn lại mới thấy biển Việt Nam quả là giàu và đẹp. Đặc biệt, nằm trong khu vực Biển Đông-“Ngã ba đường của Thế giới”, nên biển nước ta lại có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng. Biển cũng cung cấp tiềm năng to lớn và tạo tiền đề cho nước ta phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Vì thế, từ lâu Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò đặc biệt của kinh tế biển trong đường lối, chủ trương, trong chiến lược phát triển và bảo vệ các quyền và lợi ích biển, đảo của đất nước. Điều này gần đây được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII về “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngay từ Nghị quyết số 09 Đảng ta đã xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, đến Nghị quyết số 36, Trung ương tiếp tục khẳng định mục tiêu nói trên và bổ sung thêm: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển”. Đây là mục tiêu bao trùm, dài hạn, đòi hỏi phát triển toàn diện trên hướng biển trong bối cảnh quốc tế, khu vực Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, có yếu tố khó lường; trong tình hình biển tiếp tục bị “đầu độc” do gia tăng ô nhiễm và suy thoái; và trong khi nền kinh tế “biển nâu” đang là vật cản kinh tế “biển xanh”... Chính vì thế, chiến lược đã thực tế khi lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trục chính để giải quyết mối quan hệ với an ninh-quốc phòng; với bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; với giải quyết dài hạn các vấn đề xã hội biển, đảo; với tái cấu trúc nền kinh tế biển vốn còn yếu kém và với tổ chức lại không gian kinh tế biển. Các mối quan hệ nói trên luôn tác động qua lại và đa chiều để tạo ra một “Việt Nam mạnh về biển” cả về mặt quốc phòng-an ninh, cả về kinh tế-xã hội và sức khỏe của biển, đảo trước đe dọa của thiên tai, biến đổi khí hậu và “nhân tai”.

PV: Vậy muốn khai thác thế mạnh kinh tế biển gắn với giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, theo PGS.TS cần phải làm gì?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Để Việt Nam mạnh về biển thì sứ mệnh cao cả đó thuộc về các lực lượng vũ trang, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là đầu tàu. Điều này phù hợp với học thuyết “sức mạnh biển” trên thế giới và thích hợp với tình hình Biển Đông. Biển tạo ra “thế và lực” trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cho nên việc xây dựng thế trận “kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh” trên biển và vùng ven biển phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là hai mặt của một vấn đề. Mục đích chung là tạo thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Như vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế, kinh tế-quốc phòng trên biển, đảo và vùng ven biển làm cơ sở kết nối quân-dân, trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ kinh tế biển và thực hiện “Chủ quyền dân sự” trên biển. Nâng cao năng lực và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, an ninh môi trường biển xuyên biên giới liên quan tới xây đảo nhân tạo trên diện rộng phá hủy điều kiện môi trường cho phát triển bền vững ở Trường Sa...

Thời gian qua, sự hiện diện của các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; tổ chức, phối hợp giữa Quân chủng Hải quân và các lực lượng trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai và nhân tai trên biển, triển khai thí điểm đưa thanh niên ra đảo lập nghiệp đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Nhiều công trình phục vụ dân sinh và quốc phòng-an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá được xây dựng ở các huyện, xã đảo giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế... Ngoài ra, nhiều hiệp định liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải đã được ký kết; thực hiện nghiêm túc hợp tác về chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn và các Hiệp định Hợp tác nghề cá với các nước láng giềng. Thông qua đó, sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng được nâng cao một bước nhờ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

PV: PGS.TS có thể kể kỷ niệm của ông với Trường Sa-vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Vào năm 2015, trong một cuốn sách về “Hoàng Sa và Trường Sa-phần máu thịt của Việt Nam”, tôi được chọn là 1 trong 5 “Người con của biển, đảo quê hương”, dù chưa một lần trực tiếp ra phần Tổ quốc nhìn từ “phía chân trời” ấy. Tuy nhiên, tôi có nhiều kỷ niệm với Trường Sa qua các nghiên cứu của cá nhân về Trường Sa công bố quốc tế và trong nước; qua việc tổ chức hoặc tham gia tổ chức các chương trình, dự án, đề tài hợp tác quốc tế và quốc gia nghiên cứu về Trường Sa. Do khoảng cách địa lý, điều kiện tác nghiệp khó khăn và sức khỏe, nên tôi đã chọn hướng nghiên cứu tiếp cận tư vấn chính sách biển, đảo. Tôi đã kịp thời có những nghiên cứu công bố với quốc tế để làm sáng tỏ vấn đề môi trường và trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc nước ngoài tôn tạo, mở rộng các bãi cạn thành đảo nhân tạo gần đây ở Trường Sa; đề nghị các giải pháp “Ngoại giao khoa học” để giải quyết vấn đề hòa bình Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung...

Theo tôi, giải pháp lâu dài để Trường Sa phát triển bền vững là phải tăng cường các hoạt động bảo vệ chủ quyền gắn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển. Do vậy, chiến lược và cơ chế chính sách của Nhà nước cũng cần linh hoạt theo hướng “vừa hợp tác, vừa đấu tranh; vừa bảo vệ, vừa khai thác”. Xây dựng mô hình “Huyện đảo Trường Sa xanh”, phát triển theo hướng bền vững với sự cân bằng giữa ba mảng phúc lợi: Kinh tế hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh-quốc phòng vững chắc và môi trường xanh, sạch. Xin chúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vui, khỏe, an lành và vững vàng nơi đầu sóng nhân dịp năm mới 2019!

PV: Xin cảm ơn PGS.TS!

Thùy Liên (thực hiện)

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn