Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự

HQ Online -

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam ở thế kỷ XX. Với tư duy và tài năng quân sự thiên bẩm, ông đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh Nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới. Tư tưởng quân sự của Đại tướng là một nét đặc sắc, nổi bật, phản ánh sự thống nhất, nhất quán trong tư duy và hành động, trên cơ sở có sự kế thừa giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Tư tưởng đó có thể khái quát ở bốn đặc trưng cơ bản.

Nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh

Trong kháng chiến chống Pháp, chính ông đã khiến thực dân Pháp phải thất bại trong chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu-Đông 1947; tổ chức thắng lợi chiến dịch Biên giới 1950 với mưu kế "đánh điểm, diệt viện" đã buộc tướng Na-va phải xé lẻ lực lượng để đối phó trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh: TL

Sau đó, với nhãn quan của một thiên tài quân sự, phân tích sâu sắc tình hình địch-ta và tư duy nhạy bén, ông đã thực hiện phương châm tránh những mũi nhọn của địch và đánh vào chỗ yếu của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn nước ngoài muốn dùng chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", dù phải đổ bao nhiêu xương máu. Nhưng sau 10 ngày cân nhắc, suy nghĩ, ông đã quyết định ngược lại là "đánh chắc, thắng chắc", mục đích là đảm bảo chắc thắng và ít tổn thất, thương vong cho chiến sĩ.

Sau này, Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đoàn trưởng Đại đoàn 312 và nhiều tướng lĩnh tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát biểu: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Đây là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Đại tướng, nếu như theo phương án ban đầu thì chúng ta sẽ bị tổn thất vô cùng to lớn, thậm chí còn thất bại thảm hại trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện; biết chọn và chớp thời cơ

Chiến thắng mùa Xuân 1975 thêm một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch Huế-Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa!" cho toàn quân tiến lên, cùng với 4 cánh quân khác tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát trên biển năm 1973 Ảnh: TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người có tài cầm quân, mà còn là một nhà lý luận quân sự uyên thâm, tác giả hàng đầu sách về học thuyết quân sự Việt Nam hiện đại. Tư tưởng và lý luận thể hiện về vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, về chiến tranh nhân dân trong thời đại mới.

Đặc biệt, chiến tranh nhân dân Việt Nam thực sự đã trở thành nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu; nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng lực lượng ba thứ quân; nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành thực tế các quân binh chủng, các binh đoàn chủ lực; luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng thời cơ, dự đoán đúng âm mưu của địch để đề ra phương án, cách đánh cho phù hợp, hiệu quả như: Đưa pháo binh chiếm lĩnh vị trí cao của địa hình, chế áp pháo địch; vây lấn, vận động tiến công, kết hợp với chốt, chặn đầu khóa đuôi để tiêu diệt địch theo dự kiến. Ngoài ra, Đại tướng còn viết nhiều công trình mang tính giá trị thời đại như: Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng; nhiệm vụ phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam.

Tin quần chúng và biết dựa vào nhân dân

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng là một trong những người góp phần quan trọng vào chủ trương chiến lược của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 15: "Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và ngụy quyền Sài Gòn". Nhờ vậy, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, góp phần to lớn vào một loạt thắng lợi sau này như: Đường 9-Nam Lào, Xuân- Hè 1972, Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, Đại thắng mùa Xuân năm 1975...

Đại tướng là một vị tướng quán triệt sâu sắc nhất tư tưởng "lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc". Thực tiễn cho thấy, ông là một trong những kiến trúc sư của đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Một nền chiến tranh nhân dân được xây dựng trên nền tảng "cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc". Trong bối cảnh Việt Nam khác với các nước, luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội hơn hẳn, chúng ta luôn trung thành với tư tưởng "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh" của truyền thống dân tộc.

Tư tưởng quân sự nhưng mang đậm chất nhân văn, nhân đạo và hòa bình

Thông thường, một vị tướng cầm quân khi ra trận, cái đích bao giờ cũng phải là "quyết đánh, quyết thắng". Thế nhưng, bên cạnh tư tưởng ấy, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là "thắng bằng mọi giá" mà là quyết chiến, quyết thắng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự hy sinh, mất mát của bộ đội.

Ngày 5/5/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN

Ông quý từng giọt máu của người chiến sĩ khi xung trận. Khi xây dựng một kế hoạch tác chiến, trước mỗi trận đánh, ông đau đáu làm sao để giảm tổn thất nhất cho bộ đội. Trong các trận đánh, ông cũng không có tư tưởng "tiêu diệt sạch sành sanh". Đó chính là tư tưởng quân sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong con người Đại tướng. Là người chỉ huy nhưng ông còn như một người cha, người anh luôn luôn gần gũi với bộ đội, với mọi người.

Với bản thân mình, ông luôn quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ "dĩ công vi thường", suốt đời phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc đời của Đại tướng có rất nhiều thử thách nhưng ông đều vượt qua tất cả.

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử, nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo Nhân dân thế giới.

HQND (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn